Sắp có ‘nhạc trưởng’, xuất khẩu gạo tự tin với mục tiêu 5 tỷ USD

11/08/2024 - 18:52
(Bankviet.com) Năm 2024, nhờ những tín hiệu sáng từ thị trường, xuất khẩu gạo tự tin với con số 5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.
Việt Nam duy trì vị trí số 1 kim ngạch xuất khẩu gạo sang Singapore Xuất khẩu gạo thu về 3,27 tỷ USD trong 7 tháng, thị trường vẫn đợi động thái từ Ấn Độ

Xuất khẩu gạo khởi sắc

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 7 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được trên 5,1 triệu tấn gạo, với kim ngạch đạt 3,2 tỷ USD, tăng 25% về lượng và 5,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Điều đáng nói là giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm nay tăng cao vượt trội so với cùng kỳ năm ngoái. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho hay, giá xuất khẩu gạo trung bình của Việt Nam hơn 6 tháng qua có mức cao kỷ lục: 636 USD/tấn, tăng 18% so với mức giá bình quân 538 USD/tấn của 6 tháng đầu năm 2023. Chẳng hạn, có thời điểm giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sang Brunei lên tới 959 USD/tấn, sang Mỹ đạt 868 USD/tấn, Hà Lan đạt 857 USD/tấn, Ukraine đạt 847 USD/tấn, Iraq đạt 836 USD/tấn, Thổ Nhĩ Kỳ đạt 831 USD/tấn...

Sắp có ‘nhạc trưởng’, xuất khẩu gạo tự tin với mục tiêu 5 tỷ USD

Xuất khẩu gạo năm 2024 tự tin với mục tiêu 5 tỷ USD

Theo VFA, nhu cầu nhập khẩu từ các khách hàng truyền thống của Việt Nam như Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore... ở mức cao và tăng lên. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đang tích cực mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Đáng chú ý, gạo Việt Nam được đánh giá có chất lượng hàng đầu thế giới. Chẳng hạn gạo ST25 đã liên tiếp 2 lần được vinh danh “Gạo ngon nhất thế giới”. Trong các tháng đầu năm nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng cao nhất thế giới, vượt qua cả Thái Lan, Pakistan và Ấn Độ.

Ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết, trong 30 năm trở lại đây, nền nông nghiệp của chúng ta đã thể hiện vai trò, vị thế to lớn đối với phát triển kinh tế và ổn định chính trị xã hội, tạo sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và đóng góp gần 12% GDP của quốc gia (năm 2023).

Ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An chia sẻ thêm, 5 năm trở lại đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp với các tỉnh thành và nông dân, doanh nghiệp đã thay đổi hoàn toàn cơ cấu về nâng cao chất lượng gạo lên. Nhờ đó, gạo Việt Nam giá cao nhưng các quốc gia vẫn chấp nhận.

Tự tin với mục tiêu 5 tỷ USD

Theo dự báo, thế giới sẽ thiếu hụt 7 triệu tấn gạo trong năm nay. Một số nước hạn chế xuất khẩu, trong khi một số quốc gia lại tăng cường nhập gạo để dự trữ. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.

Các chuyên gia cũng cho rằng, xu hướng thị trường từ nay đến cuối năm, giá gạo Việt Nam khó có thể xuống sâu hơn, kể cả Ấn Độ quay lại xuất khẩu. Bởi nhu cầu tại nhiều thị trường vẫn đang tăng. Vì vậy, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 dự báo sẽ vượt con số 5 tỷ USD.

Dù vậy, mặt hạn chế là giá gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn bị trồi sụt, có lúc thấp hơn các nước còn lại, cho thấy sự chưa ổn định tại thị trường xuất khẩu. Một điểm yếu cố hữu của ngành gạo của Việt Nam là tình trạng mạnh ai nấy làm. Nông dân sản xuất nhỏ lẻ, không theo quy chuẩn mà chỉ tự tin vào kinh nghiệm. Doanh nghiệp cũng có tình trạng tranh mua, tranh bán, hạ giá, dìm hàng khi ra thị trường quốc tế.

Hiện Ấn Độ đang xuất khẩu hơn 40% tổng lượng lúa gạo của toàn cầu. Nếu Ấn Độ nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ kéo giá gạo của các quốc gia xuất khẩu chính trên thế giới xuống mức khá thấp, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo theo dõi sát thị trường gạo thế giới và trong nước, có tính toán thận trọng, chắc chắn khi chào giá đối với các lô hàng xuất khẩu để đảm bảo hiệu quả kinh doanh và giữ uy tín cho gạo Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, hiện nay, tại các nước có các ngành hàng xuất khẩu chiến lược quy mô quốc gia và quốc tế như ngành cọ dầu ở Malaysia, ngành cà phê ở Brazil, ngành lúa gạo ở Thái Lan… bên cạnh các tổ chức của người sản xuất kinh doanh như các hiệp hội, nghiệp đoàn, liên hiệp hợp tác xã... còn có mô hình “Hội đồng ngành hàng” hay “Ban điều phối ngành hàng” ở cấp Quốc gia. Đây là thể chế có sự gắn kết giữa các cơ quan bộ ngành của nhà nước với các tổ chức đại diện cho các tác nhân trong chuỗi giá trị (nông dân, đến người chế biến, người kinh doanh) và giữa các địa phương tham gia sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ giải quyết các vấn đề lớn, tổng thể của ngành; tư vấn cho lãnh đạo Chính phủ chương trình chính sách lớn.

Hiện, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất thành lập Hội đồng Lúa gạo quốc gia. Hội đồng là tổ chức phối hợp liên ngành, tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành đối với sự phát triển ngành hàng lúa gạo.

Các chuyên gia kỳ vọng, thời gian tới, với vai trò “nhạc trưởng” cho ngành lúa gạo, hội đồng sẽ góp phần tham vấn và tham mưu cho Chính phủ về thị trường, sản lượng lúa gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, gia tăng xuất khẩu cũng như thu nhập của người trồng lúa. Hội đồng sẽ tạo nên mối liên kết trong chuỗi giá trị, từ chuỗi cung ứng vật tư đầu vào đến thị trường đầu ra nhằm đảm bảo ổn định sản xuất, nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho gạo Việt.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương