Sáp nhập các tỉnh thế nào để phát huy được thế mạnh?

02/04/2025 - 01:59
(Bankviet.com) Theo đại biểu Quốc hội, vấn đề quan trọng đang được đặt ra là sáp nhập các tỉnh thế nào để tỉnh mới phát huy được thế mạnh và phát triển sau sắp xếp.
Bài 3: Sáp nhập tỉnh, nâng tầm cấp xã tạo thế và lực mới Tổng Bí thư: Toàn quốc dự kiến còn 34 tỉnh, thành phố Sáp nhập tỉnh: Thông tin về chính sách đặc thù đối với người dân

Xung quanh câu chuyện về tinh gọn bộ máy, nhất là việc sáp nhập tỉnh, xã, không tổ chức cấp huyện, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - đoàn TP. Hà Nội.

Mở ra không gian và động lực phát triển mới

- Dự kiến, sau sắp xếp sẽ giảm 50% số đơn vị hành chính cấp tỉnh và giảm 60 - 70% đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay, giúp bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, mở ra không gian phát triển mới cho địa phương. Đại biểu đánh giá gì về vấn đề này?

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ: Trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, hướng tới các mục tiêu lịch sử vào năm 2030 và 2045, việc tinh gọn tổ chức bộ máy sẽ mở rộng không gian để phát triển ổn định trăm năm, có tính chất chiến lược dài hạn, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Thậm chí, đó là một nhân tố có ý nghĩa quyết định trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH Tp Hà Nội
Đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

Thực tế cho thấy, bất cứ một quốc gia, dân tộc nào cũng luôn cần một bộ máy chất lượng để đảm nhiệm tốt các chức năng, nhiệm vụ trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Lần này, quyết tâm của chúng ta rất lớn. Tinh gọn không chỉ bộ máy của Chính phủ, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mà còn chuyển động mạnh mẽ từ Trung ương xuống địa phương, sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, giảm số lượng cấp xã. Một cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy sẽ được tổ chức trong toàn hệ thống chính trị, tổng thể, đồng bộ và toàn diện. Cuộc cách mạng này là cấp bách, buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước.

Tôi cho rằng, sau khi thực hiện tinh gọn bộ máy tổ chức ở trung ương, hợp nhất các bộ, ngành, đây là thời điểm chín muồi để nghiên cứu, thực hiện việc sáp nhập các tỉnh, giúp tinh gọn tổ chức bộ máy, mở ra các không gian và động lực phát triển mới. Cùng với việc tổ chức lại chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp thì việc sáp nhập các xã là cần thiết. Cấp xã có quy mô đủ lớn mới bố trí được tổ chức và nhân sự phù hợp để giải quyết được một số công việc mà trước đây do cấp huyện đảm nhận.

Với diện tích 331.212km2, dân số hơn 100 triệu người, nhưng Việt Nam hiện có đến 63 tỉnh/thành phố, 705 quận/huyện và 10.595 xã/phường. So với các nước xung quanh như Trung Quốc (34 tỉnh), Nhật Bản (47 tỉnh), Hàn Quốc (16 tỉnh), số lượng tỉnh/thành của chúng ta lớn.

Với bộ máy hành chính cồng kềnh, thiếu tính liên kết, khó phát triển, việc hợp nhất, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh để thành lập các đơn vị hành chính lớn hơn, rộng hơn, đồng thời không tổ chức cấp huyện, giảm số lượng cấp xã là yêu cầu cấp bách.

Tuy nhiên, khi sắp xếp cần phù hợp với lịch sử, văn hóa, truyền thống, tôn giáo, dân tộc, quốc phòng, an ninh, song cũng cần gắn với điều kiện địa lý tự nhiên, địa kinh tế, địa văn hóa, đặc điểm dân cư; tạo điều kiện mới để các địa phương tương hỗ, tương tác, cùng nhau phát triển, vì lợi ích quốc gia là trên hết, trước hết.

Việc sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện theo đại biểu nên có sự tính toán như thế nào để đảm bảo bộ máy tăng hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả như kỳ vọng?

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ: Việc sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện là một bước đi đột phá, chiến lược trên cơ sở tiếp nối cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị mà chúng ta đang thực hiện.

Nhưng vấn đề quan trọng đang được đặt ra là sắp xếp các tỉnh thế nào để tỉnh mới phát huy được thế mạnh và phát triển sau sắp xếp. Trên cơ sở phân tích các nguyên tắc, tiêu chí, nhất là về dự kiến sắp xếp, tên gọi và trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính cấp tỉnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu, việc sắp xếp đơn vị hành chính ngoài tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, cần xem xét các tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, điều kiện địa lý, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng.

Chúng ta phải hiểu rằng, việc sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện không chỉ nhằm giảm số lượng đơn vị hành chính mà phải hướng tới nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tối ưu hóa nguồn lực và tạo không gian phát triển kinh tế - xã hội rộng lớn hơn. Theo đó, quá trình này phải đặt lợi ích của nhân dân, của dân tộc lên hàng đầu.

Các tỉnh sáp nhập cần có sự bổ trợ lẫn nhau về kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ) để tạo động lực phát triển vùng. Nước ta đã được chia thành 6 vùng kinh tế - xã hội và mỗi vùng có nghị quyết riêng của Bộ Chính trị thì khi sáp nhập có thể đưa tiêu chí là các tỉnh sáp nhập phải trong một vùng kinh tế - xã hội. Sau khi sáp nhập, phải tạo lợi thế về không gian, thu hút đầu tư, kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Sáp nhập tỉnh

Chúng ta có thể sáp nhập tỉnh “giàu với giàu”, tương đồng về tiềm năng phát triển hay tỉnh có “rừng kết hợp với biển” thì hàng hóa sản xuất ra có thể qua đường biển để xuất khẩu nhanh hơn, gắn với việc tăng cường đầu tư hạ tầng logistics.

Tỉnh giàu cũng có thể ghép với tỉnh nghèo để cùng nâng đỡ nhau lên; hoặc các tỉnh đều có biển thì càng phát huy thế mạnh khai thác kinh tế biển. Nghĩa là phải gắn với không gian phát triển kinh tế thì mới bứt phá được. Làm sao để sau sắp xếp tất cả các tỉnh đều có lợi thế phát triển cả. Chứ 2 tỉnh nghèo nhập vào nhau thì chỉ tăng về diện tích và dân số nhưng về mặt kinh tế thì lại khó phát triển.

Đi đôi với sáp nhập, cần tính đến sắp xếp nhân sự

- Quá trình sắp xếp tinh gọn bộ máy cũng đối mặt với những khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí nhân sự và bảo đảm quyền lợi chính đáng của cán bộ, công chức. Đại biểu có thể gợi mở một số giải pháp để khắc phục những thách thức này?

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ: Đi đôi với sáp nhập, chúng ta cần tính đến câu chuyện cán bộ. Vì chủ trương này được thực hiện trên phạm vi cả nước, từ cấp xã, cấp huyện, cho đến cấp tỉnh, nên số lượng cán bộ trong diện sắp xếp sẽ rất nhiều. Khi sắp xếp bộ máy sẽ có những cán bộ, công chức dôi dư, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hoặc không thể sắp xếp vị trí công tác mới.

Vì thế, cần tiếp tục có cơ chế, chính sách vượt trội như Nghị định 178/2024/NĐ-CP. Vừa qua, cũng có nhiều cán bộ, đảng viên, lãnh đạo đã gương mẫu, chủ động xin về với tinh thần, trách nhiệm rất cao để đáp ứng yêu cầu về sắp xếp bộ máy.

Quá trình giảm biên chế cần tập trung vào các đối tượng sắp đến tuổi nghỉ hưu, còn ít thời gian công tác. Đối với những người còn thời gian công tác dài, có thể thành lập hội đồng đánh giá khách quan năng lực để đảm bảo chất lượng đội ngũ cán bộ. Đồng thời, cần có thời gian thử thách trong bộ máy mới để kiểm tra mức độ đáp ứng yêu cầu công việc.

Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn khẳng định trong công tác xây dựng Đảng thì công tác cán bộ là khâu "then chốt của then chốt". Vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng, đặc biệt càng có ý nghĩa khi tiếp hành sắp xếp tổ chức bộ máy.

Mục tiêu đặt ra là bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, thì đều liên quan nhân tố con người; chính con người quyết định tổ chức bộ máy mạnh hay yếu, tốt hay xấu, được nhân dân tín nhiệm cao hay thấp, vì uy tín của một tổ chức là do con người làm nên.

Do đó, việc đánh giá, lựa chọn đúng người, bố trí đúng việc là điều quan trọng. Lãnh đạo các địa phương, đơn vị được sáp nhập, sắp xếp, tinh gọn và cấp có thẩm quyền cần quan tâm lắng nghe tâm tư, xem xét nguyện vọng của cán bộ, đồng thời đánh giá cán bộ đảm bảo công tâm, công khai, khách quan, minh bạch để lựa chọn, bố trí cán bộ ở các đơn vị, địa phương mới đảm bảo đúng người, đúng việc theo đúng phương châm “vì việc mà bố trí người”.

Khi bộ máy tinh gọn, giảm đúng người, người ở lại được "ngồi đúng chỗ" thì năng suất, chất lượng hoạt động của bộ máy công quyền sẽ tăng cao, công việc được giải quyết hiệu quả hơn với chi phí thấp hơn. Sáp nhập mà chọn cán bộ không tốt cũng không phát huy được hiệu quả như mong đợi.

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ: Một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là cơ sở để giải phóng sức sáng tạo, khơi thông các điểm nghẽn, đưa đất nước vận hành trơn tru, phát triển không ngừng. Ngược lại, một bộ máy cồng kềnh, hoạt động chồng chéo, trì trệ, kém hiệu quả sẽ tạo ra những nút thắt, cản trở quá trình vận hành, phát triển đất nước.

Xin cảm ơn đại biểu!

Quỳnh Nga (thực hiện)

Theo: Báo Công Thương