Xuất khẩu rau quả tăng 30,6% so với cùng kỳ
Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruite), tháng 6/2024, xuất khẩu rau quả đạt khoảng 800 triệu USD, so với tháng 6/2023, tăng 20,84%. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 6/2024, xuất khẩu rau quả mang về 3,5 tỷ USD, so với cùng kỳ tăng 30,60%. Trong đó, mặt hàng sầu riêng chiếm từ 1,2 – 1,5 tỷ USD, còn lại là các sản phẩm khác như chuối, thanh long...
Sầu riêng Việt Nam đang bước vào chính vụ thu hoạch. Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sản lượng sầu riêng năm nay ước đạt 1,5 triệu tấn, tăng mạnh so với năm ngoái.
Hiện nay, Việt Nam là nguồn cung cấp chuối chủ lực vào thị trường Trung Quốc, chiếm gần 50% thị phần, vượt qua Philippines - quốc gia lâu nay luôn chiếm thị phần số 1 tại thị trường tỷ dân. Có được kết quả này là nhờ chất lượng chuối cải thiện ngày càng tốt hơn, cộng chi phí logistics rẻ đã tạo lợi thế cạnh tranh so với chuối Philippines tại thị trường Trung Quốc.
Cơn sốt giá sầu riêng, cần hạn chế tình trạng "bẻ" kèo
Miền Tây đang thu hoạch sầu riêng nhưng dần về cuối vụ, sản lượng có giảm so với tháng trước, nhưng cũng là lúc Đông Nam bộ vào vụ. Khi Đông Nam bộ vào cuối vụ thì Tây Nguyên lại bắt đầu thu hoạch. Nhờ vậy, sầu riêng hầu như có quanh năm và cũng là lợi thế của Việt Nam so với các nước xuất khẩu khác.
Diện tích sầu riêng ở Tây Nguyên lớn gấp 2 lần so với miền Tây Nam Bộ, nên sản lượng sầu riêng trong tháng 8 và 9 rất nhiều, có thể đẩy kim ngạch rau quả tăng lên hàng tỷ USD/tháng. Một ưu thế khác của sầu riêng Tây Nguyên là cho trái nghịch vụ so với các nước xuất khẩu khác nên có giá bán cao gấp đôi so với miền Tây và miền Đông.
“Lúc này, trên thế giới hầu như chỉ Việt Nam có sầu riêng, nên giá bán thường cao gấp đôi so với bình thường, chính vì vậy mà thường xảy ra tình trạng bẻ kèo giữa nhà vườn và doanh nghiệp”, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Vinafruite cho biết.
Theo Tổng Thư ký Vinafruite, thông thường doanh nghiệp ký hợp đồng với nhà vườn trước khoảng 3 tháng, gần đến ngày hái trái nếu thị trường tăng giá mạnh nông dân sẽ bẻ kèo không giao hàng, để lại bán cho người khác giá cao hơn. Vụ sầu riêng năm nay nếu Tây Nguyên không có giải pháp khắc phục thì tình trạng bẻ kèo lại xảy ra.
“Hiện Tòa án thụ lý vụ kiện bội tín của doanh nghiệp ở tỉnh Đắk Lắk và nhà vườn ở huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận với số lượng hợp đồng khoảng 25 tấn sầu riêng. Tính đến thời điểm này, đây là vụ kiện đầu tiên và duy nhất về sự bội tín trong lĩnh vực sầu riêng”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Ở Thái Lan, trước đây doanh nghiệp thường chốt giá với nhà vườn trước khi thu hái đến 3 tháng, dễ dẫn đến bẻ kèo khi giá sầu riêng biến động tăng. Để khắc phục tình trạng này, bây giờ doanh nghiệp Thái Lan chỉ chốt giá với nhà vườn trước khi thu hoạch từ 10 - 15 ngày. Nhà vườn đồng ý bán doanh nghiệp đặt cọc xong, quay lại hái trái ngay nên độ rủi ro thấp.
Còn ở Việt Nam, thời gian chốt giá đến khi thu hái thường là 3 tháng, khi giá biến động tăng nhà vườn bẻ kèo, giá sụt thì doanh nghiệp lại yêu cầu giảm giá. Để tránh tình trạng trên, ông Nguyên cho rằng bên mua nên hạn chế mua xa, chờ tới gần ngày thu hoạch hãy chốt giá.
Nhận xét về thị trường sầu riêng nội địa, bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty XNK Rau quả Chánh Thu cho biết sự khốc liệt của ngành hàng này, đó là: kinh doanh luôn đoán già, đoán non thị trường, mà không nhìn thấy trước mắt những rủi ro.
Năm nay, lại một năm nữa đáng mừng về giá cho người nông dân nhưng cũng mở ra “cửa tử” tiếp tục cho thương lái và doanh nghiệp nếu cứ chạy theo cuộc đua tranh giành thị trường. Người nông dân, thương lái và doanh nghiệp đều cần sự bình ổn thị trường, vì vậy, người nông dân có lý trí sẽ chọn cách an toàn chứ không hẳn là chọn giá bán cao nhất.
“Hãy bình tĩnh suy xét mọi chiều hướng rủi ro trước khi đặt bút ký hợp đồng, uy tín mới làm nên giá trị bền vững, dù sao chúng ta cũng nên tìm hiểu và truyền thông có kiểm soát. Mức độ rủi ro đã tăng lên cấp độ đáng báo động, các thương lái nên bình tĩnh suy xét cẩn thận”, bà Tường Vy khuyến cáo.
Nguyễn Huyền