Mua bán doanh nghiệp: Kênh đầu tư quan trọng Triển vọng các kênh đầu tư trong năm 2023? |
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 1336/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035; Kế hoạch kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển đến năm 2025 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035; Kế hoạch kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển đến năm 2025 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước |
Theo đó, mục tiêu tổng quát của chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035 của SCIC là tiếp tục tập trung triển khai nhiệm vụ tiếp nhận, cổ phần hóa, tái cơ cấu, bán vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ vốn, thực hiện tốt và có hiệu quả vai trò là định chế, công cụ của Chính phủ để hỗ trợ, thúc đẩy tiến trình cơ cấu lại, sắp xếp đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
Theo chiến lược phát triển, tiếp tục củng cố SCIC để bảo đảm đủ các nguồn lực tài chính, quản trị để tập trung thực hiện nhiệm vụ đầu tư kinh doanh vốn, đầu tư và phát triển các dự án đầu tư có quy mô lớn, quan trọng, điều hành và định hướng phát triển các công ty con theo chiến lược phát triển của SCIC; hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng giai đoạn.
Đáng chú ý, chiến lược đặt mục tiêu từng bước chuyển đổi mô hình hoạt động của SCIC theo mô hình tổ chức đầu tư chuyên nghiệp. Định hướng sau năm 2025, SCIC trở thành tổ chức đầu tư tài chính có quy mô vốn chủ sở hữu hàng đầu tại Việt Nam.
Trong giai đoạn đến 2025, SCIC tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ các Bộ, ngành, địa phương để tiếp tục cơ cấu lại vốn tại các doanh nghiệp này thông qua hoạt động đầu tư, nắm giữ, thoái vốn, sắp xếp, chuyển đổi sở hữu...; tiếp nhận doanh nghiệp, phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao để hỗ trợ phục hồi, cơ cấu lại vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Đối với hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, SCIC thực hiện 2 nhóm nhiệm vụ, gồm: Đầu tư kinh doanh vốn theo cơ chế thị trường vào những ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả và SCIC có lợi thế theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bảo toàn và phát triển vốn, không giới hạn lĩnh vực đầu tư; đầu tư kinh doanh vốn theo nhiệm vụ chính trị được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong đó, tập trung những ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu mà Nhà nước cần nắm giữ, hoặc tham gia để hỗ trợ xử lý khó khăn tài chính cho doanh nghiệp do khủng hoảng tài chính hoặc các nguyên nhân bất khả kháng.
Giai đoạn 2026 - 2030, SCIC tập trung nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, trong đó tập trung đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng, các dự án lớn, quan trọng, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong từng giai đoạn.
Giai đoạn 2031 - 2035, SCIC hoạt động theo mô hình tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp, là công cụ, kênh đầu tư của Chính phủ vào nền kinh tế.
Năm 2022, SCIC ghi nhận doanh thu đạt 10.221 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2021. Trong đó, doanh thu đến từ doanh thu cổ tức và lợi nhuận được chia đạt 7.625 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ. Doanh thu còn lại đến từ doanh thu bán vốn đạt 1.933 tỷ đồng, doanh thu từ lãi tiền gửi, lãi trái phiếu đạt 1.430 tỷ đồng và doanh thu cho thuế bất động sản và khác đạt 9,6 tỷ đồng.
Tổng doanh thu dù tăng mạnh, nhưng lợi nhuận SCIC năm 2022 lại giảm mạnh 63%, ghi nhận 3.064 tỷ đồng so với mức 8.330 tỷ đồng năm 2021. Nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm mạnh đến từ việc công ty ghi nhận khoản trích lập dự phòng giảm giá đầu tư hơn 3.419 tỷ đồng. Bên cạnh đó, SCIC cũng ghi nhận lỗ từ công ty liên doanh liên kết hơn 3.100 tỷ đồng.
Song Hà