Theo báo cáo mới đây, Chủ tịch và Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) đã mua tổng cộng 1,5 triệu cổ phiếu MWG. Cụ thể, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động đã mua 1 triệu cổ phiếu MWG trên tổng số 1 triệu cổ phiếu đăng ký mua. Thời gian thực hiện giao dịch từ ngày 14/11 đến 16/11, theo phương thức giao dịch thoả thuận hoặc giao dịch khớp lệnh trên sàn.
Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu vị chủ tịch nắm giữ thay đổi từ 34.129.892 đơn vị (chiếm tỷ lệ 2,331%) lên 35.129.892 đơn vị (chiếm tỷ lệ 2,4%). Tạm tính theo giá trung bình các phiên 14/11 đến 16/11 là 39.320 đồng/cp, ước tính ông Tài đã chi khoảng 39,32 tỷ đồng để thực hiện giao dịch trên.
Ông Trần Huy Thanh Tùng, Tổng Giám đốc khiêm Thành viên HĐQT Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động đã mua 500.000 cổ phiếu MWG trên tổng số 500.000 cổ phiếu đăng ký mua. Thời gian thực hiện giao dịch từ ngày 11/11 đến ngày 14/11, theo phương thức giao dịch thoả thuận hoặc giao dịch khớp lệnh trên sàn.
Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu ông Tùng nắm giữ thay đổi từ 10.630.544 đơn vị (chiếm tỷ lệ 0,726%) lên 11.130.544 đơn vị (chiếm tỷ lệ 0,760%). Tạm tính theo giá trung bình các phiên 11/11 và 14/11 là 42.440 đồng/cp, ước tính ông Tùng đã chi khoảng 21,22 tỷ đồng để thực hiện giao dịch trên.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/11, cổ phiếu MWG tăng 3,34% lên mức 41.800 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất đạt hơn 4,2 triệu đơn vị.
Diễn biến giá cổ phiếu MWG 2 tháng trở lại đây (Nguồn: TradingView) |
MWG ghi nhận doanh thu 9 tháng hơn 102.800 tỷ đồng, tăng khoảng 18% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 3.480 tỷ đồng, tăng khoảng 4%. MWG hoàn thành gần ba phần tư chỉ tiêu doanh thu nhưng mới đạt hơn một nửa kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Kể từ khi công bố thông tin vào năm 2014, đây là lần đầu tiên "đế chế" bán lẻ của ông Nguyễn Đức Tài chỉ hoàn thành hơn một nửa kế hoạch cả năm sau 9 tháng.
Kết quả kinh doanh có phần chững lại cũng thể hiện rõ trong quý III. Doanh thu tăng 32%, lợi nhuận tăng 15% nhưng cùng kỳ năm ngoái có nền thấp khi MWG phải đóng cửa hàng nghìn điểm bán để chống dịch. Đây là quý thứ 3 liên tiếp lợi nhuận công ty sụt giảm.
Tiêu điểm trong câu chuyện kinh doanh của MWG năm nay là Bách Hóa Xanh. Sau 9 tháng, doanh thu chuỗi này giảm 12% so với cùng kỳ 2021 (thời điểm đỉnh dịch). Trong đó, doanh thu quý III giảm 23% so với mức đỉnh cùng kỳ nhưng ban lãnh đạo cho biết đây vẫn là con số cao thứ 3 trong lịch sử hoạt động. Với số điểm bán ít hơn (hơn 1.700 cửa hàng), tổng số hóa đơn trong quý tiệm cận mức cao nhất (quý II/2021) và tổng sản lượng hàng hóa bán ra đạt hơn 90% so với mức đỉnh (quý III/2021).
Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng trong tháng 9 là 1,36 tỷ đồng. Ban lãnh đạo cho biết Bách Hóa Xanh định hướng chỉ bán rau trong ngày nên khi thời tiết mưa nhiều dẫn tới tỷ lệ hàng bán giảm giá cuối ngày tăng lên, ảnh hưởng đến doanh thu của chuỗi. Dự kiến, doanh thu bình quân sẽ đạt 1,5-1,6 tỷ đồng trong mùa cao điểm mua sắm vào tháng 12.
Những tháng qua, Bách Hóa Xanh tái cấu trúc mạnh khi đóng khoảng 400 cửa hàng, thay đổi cách bố trí, sắp xếp (layout) mới, lược bỏ nhóm hàng có hiệu suất kém. Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) ước tính chi phí một lần từ đóng cửa hàng của Bách Hoá Xanh khoảng 264 tỷ đồng và lỗ hoạt động (gồm các chi phí liên quan đến thay đổi layout) khoảng 866 tỷ trong quý II. Đến hết quý III, công ty này đã hoàn tất hạch toán những chi phí phát sinh một lần liên quan đến quá trình tái cấu trúc của Bách Hóa Xanh.
SSI Research dự báo, Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động vẫn phải đối mặt với lạm phát trong thời gian tới khi chi phí tăng lên và sức mua của người tiêu dùng sụt giảm. Do đó, công ty khó có thể chuyển phần tăng lên của chi phí sang giá bán cho khách hàng.
Theo SSI Research, lợi nhuận sau thuế của MWG trong quý IV/2022 có thể đạt 1.670 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng cả năm 2022 khoảng 5.160 tỷ đồng, năm 2023 là 5.860 tỷ đồng tăng lần lượt 5%, 14% so với cùng kỳ.
Nhìn vào thực tế, nếu lạm phát kéo dài trong vài quý tới sẽ khiến tốc độ tăng trưởng doanh thu của các cửa hàng Điện Máy Xanh, Thế Giới Di Động và Topzone chậm lại. Điều này dẫn đến việc mở mới cửa hàng chậm lại và gây áp lực giảm lợi nhuận của mảng ICT & CE (công nghệ thông tin và điện tử gia dụng) của công ty vào năm 2023.
Theo SSI Research, nguyên nhân khiến chi phí tài chính tăng do xu hướng tăng của lãi suất, VND mất giá và công ty cơ cấu lại nợ sang kỳ hạn dài hơn. Ước tính, đồng USD sẽ tăng giá 4,2% trong khi lãi suất cho vay dự kiến sẽ tăng 50 -100 điểm cơ bản trong quý IV khiến doanh thu tài chính của Thế giới Di Động suy giảm.
Sang năm 2023, SSI Research cho rằng đồng USD sẽ tăng giá ở mức nhẹ hơn, khoảng 1 - 2% vào năm 2023 so với 9% vào năm 2022. Còn lãi suất dự kiến sẽ tăng 100 - 150 điểm cơ bản so với 300 - 400 điểm cơ bản vào năm 2022.
Như vậy, dự báo trong giai đoạn 2022 – 2023, Thế Giới Di Động có thể ghi nhận khoản lỗ lần lượt là 227 tỷ đồng và 104 tỷ đồng từ hoạt động tài chính.
Thanh Tùng