Ông Nguyễn Thanh Hưng không còn là người công bố thông tin của Cenland. |
Giấy uỷ quyền có hiệu lực kể từ ngày 6/1 đến khi có thông báo huỷ bỏ bằng văn bản của công ty. Ông Mậu Minh Tuyến, sinh năm 1987, đang giữ chức người phụ trách quản trị công ty từ ngày 25/9/2018.
Về phía ông Nguyễn Thanh Hưng bắt đầu phụ trách người được ủy quyền công bố thông tin của Cenland từ ngày 2/3/2020. Hiện, ông Hưng đang giữ vị trí Phó chủ tịch HĐQT, đồng thời đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT CTCP Thẩm định giá Thế Kỷ và CTCP Cen Academy; Chủ tịch Công ty TNHH TMĐT Ngôi Nhà Thế Kỷ; Thành viên HĐQT CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Thế Kỷ và CTCP Tập đoàn Thế Kỷ (Cengroup).
Bên cạnh những vị trí lãnh đạo liên quan đến “hệ sinh thái” Cengroup, ông Nguyễn Thanh Hưng còn được biết đến là gương mặt thân quen của chương trình Shark Tank (Thương vụ bạc tỷ) với 5 mùa liên tiếp, cùng nhiều chương trình khởi nghiệp khác.
Từ sự nổi tiếng này, ông Nguyễn Thanh Hưng hay còn được gọi là Shark Hưng được nhiều thương hiệu mời làm gương mặt đại diện và tham dự sự kiện như Finhay, BBI Việt Nam... Tuy nhiên, Shark Hưng cũng dính không ít lùm xùm liên quan đến những đơn vị này.
Cụ thể, với Finhay, Shark Hưng từng gây chú ý khi xuất hiện trên các quảng cáo của ứng dụng này với nhận xét "Finhay đưa ra 5 portfolio khác nhau, theo 5 cấp độ rủi ro, vì vậy bạn có thể lựa chọn portfolio phù hợp với nguyện vọng, bản lĩnh của một nhà đầu tư mới chập chững vào nghề. Hãy biến smartphone của mình trở thành công cụ để kiếm tiền, chứ đừng dùng để giải trí".
Tuy nhiên, sau một thời gian ra mắt, Finhay đã xuất hiện trong khuyến cáo và hoạt động cung cấp dịch vụ chứng khoán trên không gian mạng khi chưa có sự cấp phép của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cùng với các tên khác Tikop, Passion Invest, Infina, BUFF…
Theo UBCKNN, các ứng dụng này đã sử dụng công cụ truyền thông, báo chí quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán.
Hoạt động này không được UBCKNN cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán. UBCKNN lưu ý nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Chính vì vậy, cơ quan này khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app giao dịch này, nhà đầu tư chịu trách nhiệm đối với các rủi ro có thể phát sinh.
Với ứng dụng BBI Mall của Công ty CP Công nghệ Internet BBI Việt Nam, hồi đầu năm 2019, doanh nghiệp này nổi đình đám khi được giới thiệu là một startup khởi nghiệp đột phá trong trong lĩnh vực thương mại điện tử, và từng được Shark Hưng rót vốn tham gia đầu tư (tháng 1/2019), đồng thời tham gia với vai trò cố vấn cấp cao.
Công ty quảng cáo sở hữu một mô hình kinh doanh giúp khách hàng và doanh nghiệp gắn kết với nhau dễ dàng. Đặc biệt, ứng dụng của công ty là BBI Mall có cơ chế tích điểm tối đa lên tới 100% giá trị sản phẩm và có thể tạo các giao dịch ảo, tự mua tự bán, tự trả chiết khấu.
Ngay sau khi ra mắt, mô hình này đã bị dư luận đặt nghi vấn giống đa cấp trá hình bởi cơ chế trả lãi suất theo dạng nhánh, cành. Đến cuối năm 2019, BBI Việt Nam thông báo, Shark Hưng đã thoái vốn đầu tư, không còn liên quan đến công ty.
Sau một thời gian ngắn hoạt động, ứng dụng này đã thu hút được hàng triệu người tham gia, đồng loạt gửi đơn tố cáo tới cơ quan công an lãnh đạo BBI Việt Nam đang chiếm đoạt nhiều tỷ đồng mà họ bỏ vào các ứng dụng của công ty. Nhiều người cho biết, vì họ tin tưởng vào sự chia sẻ và xuất hiện của Shark Hưng trong các sự kiện của BBI Việt Nam nên vét tiền, vét của đổ vào đây.
Quang Đăng