Việc các nhà bán khống đặt cược chống lại cổ phiếu VinFast sẽ là một quyết định vô cùng mạo hiểm và đầy rủi ro |
Theo Bloomberg, sau màn trình diễn ấn tượng của VinFast trên đất Mỹ, các nhà bán khống (short seller) đã “để mắt” đến cổ phiếu của họ. Hãng tin tài chính hàng đầu thế giới dẫn số liệu từ công ty phân tích tài chính S3 Partners cho hay, tính đến ngày 17/8, đã có khoảng 1,2 triệu cổ phiếu VFS được đem ra bán khống. Con số này chiếm khoảng 0,05% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành của nhà sản xuất ô tô điện đến từ Việt Nam.
Cần nói thêm rằng, đối lập với hoạt động đầu tư thông thường, người bán khống kỳ vọng giá cổ phiếu trong tương lai sẽ giảm so với điểm mua, và giá trị cổ phiếu càng giảm mạnh sẽ càng đem về nhiều lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Ban đầu người bán không sở hữu cổ phiếu vào thời điểm thực hiện giao dịch và tiến hành đầu tư dựa trên cơ sở dự đoán rằng giá cổ phiếu đó sẽ giảm. Theo đó, các nhà bán khống sẽ “vay” cổ phiếu từ tài khoản của nhà môi giới rồi đặt lệnh bán với giá cao và đợi đến khi giá xuống thấp thì mua để trả lại. Khoản chênh lệch giữa giá mua và giá bán chính là lợi nhuận mà nhà đầu tư thu về, sau khi trừ đi khoản lãi, hoa hồng phải trả cho việc vay mượn này. Ví dụ, cổ phiếu A hiện đang có giá 80 USD/cp, nhưng các nhà bán khống dự đoán rằng mã này sẽ sớm lao dốc. Giả sử họ “vay” 1.000 cổ phiếu A để bán khống ở mức giá 80 USD/cp, thu về 80.000 USD rồi bắt đầu chờ đợi. Trong trường hợp cổ phiếu A giảm giá đúng như họ dự đoán, giả sử xuống còn 70 USD/cp thì khi mua lại 1.000 cổ phiếu để trả số nợ ban đầu, nhà đầu tư sẽ chỉ phải bỏ ra 70.000 USD. Theo đó, họ đã “bỏ túi” 10.000 USD (chưa bao gồm tiền lãi, hoa hồng). Ngược lại, trong trường hợp thị giá của V không giảm mà tăng lên mức 100 USD/cp, nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra 100.000 USD để mua lại 1.000 cổ phiếu trả bên cho vay và hậu quả, họ lỗ 20.000 USD (chưa kể lãi, hoa hồng). Như vậy, nếu thị trường đi xuống và cổ phiếu mất giá thê thảm, các nhà bán khống sẽ là những người vui mừng nhất. |
Nhìn qua câu chuyện mà Bloomberg đưa ra, các nhà bán khống “đặt cược” vào cổ phiếu VFS của VinFast là bởi họ tin rằng, mã này sẽ lao dốc trong tương lai. Trên thực tế, dự đoán của “phe” bán khống không phải là không có cơ sở.
Trước hết, nếu xét theo quy luật thông thường, đà tăng giá của cổ phiếu VFS được cho là không phù hợp với nguyên tắc cơ bản khi mà hãng xe điện này vẫn đang thua lỗ và đang phải đối diện với không ít thách thức khi tấn công thị trường Mỹ.
Thêm vào đó, những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm tại Phố Wall cũng đã quá quen với việc các doanh nghiệp niêm yết qua SPAC “quay đầu” giảm điểm sau khi “chứng sỹ” hết hưng phấn.
Đáng nói, kể từ khi lên sàn Nasdaq hôm 15/8, cổ phiếu VinFast chỉ ghi nhận 3 phiên giảm điểm, sau đó liên tục tăng sốc. Tính đến ngày 28/8 (giờ Mỹ), VFS đã xác lập 6 phiên tăng điểm liên tiếp, đóng cửa ở mức 82,35 USD/cp. So với mức giá chào sàn là 22 USD/cp, mã này đã tăng tới 688%. Điều này không chỉ khiến giới đầu tư ngỡ ngàng mà còn là chỉ báo cho rủi ro đối với các nhà bán khống.
Cổ phiếu VFS đã tăng tới 688% kể từ khi chào sàn |
Theo số liệu của S3 Partners, các nhà bán khống “bạo tay” đặt cược cổ phiếu VinFast lao dốc đã thua lỗ gần 1 triệu USD (trên giấy tờ) kể từ khi VinFast hoàn tất thương vụ sáp nhập với công ty SPAC Black Spade và lên sàn Nasdaq.
Mặt khác, các chuyên gia chỉ ra rằng, việc chỉ 1% cổ phiếu của VinFast được lưu hành tự do (free-float) khiến cho các nhà bán khống sẽ phải chịu mức chi phí rất cao nếu muốn đi vay cổ phiếu này.
Như phân tích ở trên, do bản chất của bán khống là phải đi vay, nên nó sẽ không chỉ đơn giản là câu chuyện nhà đầu tư mua cao bán thấp để “ăn chênh lệch” mà họ còn phải tính lãi suất và hoa hồng.
Theo tờ Barron’s, lãi suất bán khống được tính toán dựa trên số cổ phiếu thả nổi công khai, mà trong trường hợp của VinFast là từ 17 triệu đến 21 triệu cổ phiếu. Điều đó tương đương với lãi suất ngắn hạn mà các nhà bán khống phải chịu là khoảng 6%. Tuy nhiên, do tỷ lệ free-float thấp nên lãi suất ngắn hạn có thể sẽ cao hơn.
Còn theo InvestorPlace - một trong những công ty nghiên cứu tài chính độc lập lớn và lâu đời nhất nước Mỹ, phí chi phí đi vay (CTB: “cost to borrow”) đối với cổ phiếu VFS hiện đang cao bất thường, đã tăng từ mức 51,64% vào ngày 17 tháng 8 lên mức 74,04% vào ngày 23/8.
Đơn vị này cho biết, CTB thể hiện khoản phí hàng năm mà người bán khống phải trả để vay cổ phiếu. Mức phí cao cho thấy nhu cầu bán khống cao, trong khi mức phí thấp cho thấy điều ngược lại. Hiện tại, CTB cho một cổ phiếu VFS đang cao hơn rất nhiều so với mức CTB trung là từ 0,3% đến 3%. InvestorPlace chỉ ra rằng, phí CTB cao bất thường cũng có thể ảnh hưởng đến người bán khống không thể duy trì vị thế bán mà phải mua lại tài sản cơ sở nhằm cố gắng thoát khỏi mức phí cao.
Hiểu một cách đơn giản, trong thời gian “vay” cổ phiếu và chuyển hướng từ bán sang mua, nhà đầu tư sẽ phải chịu một mức phí nhất định. Khi mức phí này quá cao khiến các nhà bán khống không thể chi trả, họ có thể sẽ phải “cắt lỗ”.
Ngoài ra, tỷ lệ free-float thấp đồng nghĩa chỉ một động thái nhỏ của một nhà đầu tư riêng lẻ cũng sẽ khiến giá cổ phiếu biến động mạnh.
“Bất kỳ ai mua vào 100.000 cổ phiếu VFS cũng có thể khiến giá dịch chuyển”, Nicholas Colas, nhà đồng sáng lập của công ty nghiên cứu DataTrek Research nhận định.
Đồng quan điểm, chuyên gia phân tích Tyler Mạnh Dũng Nguyễn từ Maybank cho hay: “Việc bán khống cổ phiếu thoạt nhìn có vẻ hợp lý nhưng vào thời điểm này, đó không phải là chiến lược giao dịch tốt nhất”.
Mặc dù, những diễn biến hiện tại của cổ phiếu VinFast khiến nhiều người liên tưởng đến những cổ phiếu xe điện khác như Lucid hay Rivian, tăng vọt sau khi niêm yết rồi giảm mạnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc xác định thời điểm chuyển hướng là vô cùng khó khăn.
Còn theo Bloomberg, niềm tin vào các startup xe điện không phải là không có cơ sở.
Nghiên cứu mới đây của Bloomberg New Energy Finance chỉ ra rằng, số xe điện được bán ra trên toàn cầu sẽ đạt khoảng 27 triệu chiếc vào năm 2026, tăng mạnh so với mức 10,5 triệu chiếc của năm 2022.
Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, chuyên gia Nicholas Colas của Datatrek cho biết, đối với các nhà đầu tư thì sức hấp dẫn của VinFast nằm ở 2 thế mạnh riêng: thuần tuý sản xuất xe điện và đến từ thị trường mới nổi. Kể cả khi cổ phiếu VFS rơi xuống mức giá thấp nhất vào tuần trước, VinFast vẫn là nhà sản xuất xe điện lớn thứ 3 đang niêm yết cổ phiếu ở thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ sau Tesla và Li Auto.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích George Gianarikas tại Canaccord Genuity khẳng định: “Chúng ta đang đi qua giai đoạn mà thị trường ô tô chứng kiến những thứ chưa từng xuất hiện trong hơn 100 năm trở lại đây. Thị trường đã đúng khi nhận định những tân binh hoàn toàn có khả năng chiếm lĩnh thị phần”.
Sốc: Cổ phiếu VinFast lập đỉnh mới, sẵn sàng "soán ngôi" Toyota về vốn hóa toàn cầu Cổ phiếu VFS vừa xác lập chuỗi tăng điểm 5 phiên liên tiếp với mức giá đóng cửa kỷ lục 68,77 USD/cp. Trên đường đua ... |
Doanh nghiệp tuần qua: VinFast "bùng nổ" trên đất Mỹ, Xây dựng Hòa Bình "tiến công" thị trường Trung Đông Nổi bật trong tuần qua là những bước đi chiến lược của VinFast, Vinhomes, VNG và Xây dựng Hoà Bình trong quá trình phát triển ... |
Cổ phiếu VinFast "tăng ga" phiên đầu tuần, tỷ phú Phạm Nhật Vượng giàu thứ 2 châu Á Cổ phiếu VinFast vừa phiên đầu tuần bứt phá mạnh, khiến cho cuộc rượt đuổi của VinFast và Toyota cho ngôi nhì bảng trên cuộc ... |
Hà Lê