Nền kinh tế Nhật Bản đang có dấu hiệu khởi sắc khi những ảnh hưởng của dịch bệnh đang suy giảm, áp lực nguồn cung giảm và thị trường tài chính tiêu dùng dần phục hồi. Theo dự báo kinh tế mới nhất của IMF vào tháng 4, tăng trưởng GDP của Nhật Bản sẽ tăng lên 2,4% trong năm nay, nhanh nhất trong 12 năm và duy trì tốc độ gần như tương tự trong năm tới. Cũng theo đánh giá gần đây của IMF về nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, sự hỗ trợ chính sách mạnh mẽ và mức độ tiêm chủng cao, cùng nhu cầu tiêu dùng tăng dần sẽ giúp hỗ trợ việc mở rộng nền kinh tế của nước này. Tuy nhiên, chiến sự ở Ukraine tiếp tục gây ra những rủi ro đáng kể đối với triển vọng ngắn hạn. Nền kinh tế cũng phải đối mặt với những khó khăn dài hạn do dân số già tăng dẫn đến lực lượng lao động ngày càng bị thu hẹp, tăng trưởng năng suất trì trệ và những rủi ro lớn về biến đổi khí hậu.
Những thách thức đó cho thấy tầm quan trọng của nỗ lực đẩy mạnh tăng trưởng nền kinh tế Nhật Bản - có thể thúc đẩy hòa nhập, giảm bất bình đẳng và đảm bảo một tương lai bền vững. Nghiên cứu của IMF thấy rằng việc mở rộng đầu tư kỹ thuật số, cùng với việc thực hiện đầy đủ các cải cách thúc đẩy tăng trưởng nhằm tăng nguồn cung lao động và năng suất, có thể thúc đẩy tổng sản phẩm quốc nội.
Nền kinh tế Nhật Bản có thể sẽ phát triển với tốc độ nhanh hơn trong 12 năm. Nguồn: IMF |
Bên cạnh đó, số hóa có thể thúc đẩy động lực tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản khi đại dịch tác động không đồng đều trong lĩnh vực công nghệ. Mặc dù là một trong những quốc gia sử dụng rô-bốt công nghiệp lớn nhất thế giới và là quê hương của ngành công nghiệp điện tử, Nhật Bản vẫn tụt sau các nền kinh tế khác trong việc chấp nhận số hóa của các doanh nghiệp (ví dụ: tiếp tục phụ thuộc vào các hệ thống CNTT cũ), chính phủ và khu vực tài chính.
Điểm yếu về cơ cấu này càng rõ ràng hơn bởi nhiều người sử dụng lao động đã phải vật lộn để chuyển sang làm việc từ xa khi đại dịch bắt đầu, làm giảm sản lượng kinh tế và giảm năng suất vào thời điểm quan trọng. Các thủ tục dựa trên giấy tờ đã cản trở ứng phó của chính phủ đối với sự bùng phát của đại dịch, gây chậm trễ trong triển khai chương trình hỗ trợ tiền mặt khẩn cấp cho người tiêu dùng năm 2020. Việc áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt và thương mại điện tử cũng đã chậm lại.
Số hóa của Nhật Bản theo sau các nền kinh tế tiên tiến khác trong hai lĩnh vực quan trọng. Nguồn: IMF |
Theo đó, đẩy nhanh chuyển đổi kỹ thuật số với sự hỗ trợ của chính phủ sẽ thúc đẩy năng suất và tăng trưởng. Ví dụ, năm ngoái, các nhà lập pháp đã bãi bỏ hầu hết việc ủy quyền tài liệu bằng con dấu Hanko, loại dấu mực cá nhân được sử dụng trong nhiều thế kỷ ở Nhật Bản và tương tự như ở các quốc gia châu Á khác.
Việc chuyển đổi sang chữ ký điện tử từ con dấu truyền thống này là một yếu tố quan trọng vì cho phép số hóa các thủ tục hành chính, giúp chính phủ hoạt động hiệu quả hơn.
Các sáng kiến khác bao gồm thành lập Cơ quan Kỹ thuật số, trực thuộc nội các để tăng tốc độ số hóa của các chính quyền trung ương và địa phương cũng như khu vực tư nhân.
Để đảm bảo quá trình chuyển đổi toàn diện, chính sách hỗ trợ cần được thực hiện cẩn trọng để giảm thiểu các tác hại tiềm ẩn đối với người lao động phổ thông. Các ưu tiên chính trong việc đẩy nhanh áp dụng các dịch vụ tài chính kỹ thuật số bao gồm nâng cao lòng tin của công chúng bằng cách nâng cao hiểu biết về tài chính và kỹ thuật số; cải thiện khả năng kết nối giữa các nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt khác nhau; và tăng cường bảo mật dữ liệu, bảo vệ người tiêu dùng và an ninh mạng.
Tuy nhiên, số hóa tốt nhất nên kết hợp với các cải cách khác nhằm nâng cao tăng trưởng, vốn quan trọng để giải quyết các khó khăn về nhân khẩu học của Nhật Bản.
Ưu tiên đưa nhiều lao động nữ, lớn tuổi và người nước ngoài vào lực lượng lao động. Tăng cường đào tạo và cơ hội nghề nghiệp cho những người không có việc làm, chủ yếu là phụ nữ, sẽ giúp nâng cao năng suất và tiền lương. Ngoài ra, quản trị doanh nghiệp hiệu quả và giảm thiểu quy định sẽ thúc đẩy năng suất và đầu tư.
Trong tương lai, Nhật Bản không chỉ cần tăng trưởng mạnh hơn mà còn cần tăng trưởng bền vững với môi trường.
Nghiên cứu của IMF cho thấy, những chuyển biến sâu sắc của nền kinh tế được xây dựng dựa trên các khoản đầu tư xanh và định giá carbon sẽ hỗ trợ thêm cho sự phục hồi sau đại dịch, đồng thời tạo ra một động cơ kinh tế mới và sạch cho tương lai. Do đó, Nhật Bản cam kết đạt được mức độ trung tính carbon vào năm 2050 là một bước đi quan trọng và tích cực.
Cùng với đó, các mục tiêu chính sách này cho thấy Nhật Bản có thể tận dụng tối đa những gián đoạn từ đại dịch để thúc đẩy các cải cách nhằm nâng cao năng suất và tăng trưởng kinh tế.