Sợi Thế Kỷ kỳ vọng đơn hàng tăng mạnh trước mùa World Cup, mục tiêu lợi nhuận tăng gấp 25 lần năm 2024

28/03/2025 - 23:00
(Bankviet.com) Sợi Thế Kỷ kỳ vọng đơn hàng tăng mạnh trước mùa World Cup khi nhu cầu quần áo thể thao phục hồi tại các thị trường lớn. Công ty chủ động hạ giá sợi tái chế, linh hoạt chiến lược bán hàng nhằm đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới trong năm 2025.

Kỳ vọng vào sự hồi phục của ngành sợi và "cú hích" từ World Cup 2026

Sáng 28/3, Công ty CP Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, với nhiều nội dung quan trọng xoay quanh triển vọng phục hồi ngành sợi, chiến lược kinh doanh trong năm nay, kế hoạch chia cổ tức và đặc biệt là tiến độ của dự án trọng điểm – nhà máy Unitex.

Sợi Thế Kỷ kỳ vọng đơn hàng tăng mạnh trước mùa World Cup, mục tiêu lợi nhuận tăng gấp 25 lần năm 2024
Năm 2025, Sợ Thế Kỷ kỳ vọng đạt 310 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cao gấp 25 lần so với kết quả năm 2024

Tổng giám đốc Đặng Triệu Hòa cho biết, ngành sợi đang dần bước ra khỏi giai đoạn khó khăn với những tín hiệu tích cực từ nhu cầu tiêu dùng toàn cầu. Các thương hiệu thời trang lớn đang tăng cường tích trữ hàng hóa, trong khi đơn hàng từ những thị trường chủ lực như Mỹ và châu Âu đã bắt đầu phục hồi rõ nét. Một số khách hàng đã chủ động đặt hàng trực tiếp hoặc thông qua các kênh chỉ định.

Sự kiện World Cup 2026 cũng được kỳ vọng là chất xúc tác quan trọng đối với nhu cầu quần áo thể thao. Theo ông Hòa, các đơn hàng cho mặt hàng này sẽ tập trung vào năm 2025 – thời điểm ngành dệt sợi bước vào chu kỳ sản xuất phục vụ cho mùa giải bóng đá lớn nhất hành tinh. Với nhà máy Unitex đã hoàn thành giai đoạn đầu, công ty có thể đẩy mạnh cung ứng cho phân khúc trang phục thể thao, vốn được đánh giá sẽ tăng đột biến nếu đội bóng người hâm mộ yêu thích giành chiến thắng.

Năm 2025, Sợi Thế Kỷ đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 3.270 tỷ đồng – tăng gần 270% so với thực hiện năm trước. Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đạt 310 tỷ đồng, cao gấp 25 lần so với kết quả năm 2024 vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình chung của ngành.

Sợi Thế Kỷ kỳ vọng đơn hàng tăng mạnh trước mùa World Cup, mục tiêu lợi nhuận tăng gấp 25 lần năm 2024
Nguồn: Dữ liệu kinhtechungkhoan.vn

Động lực tăng trưởng chính sẽ đến từ việc nhà máy Unitex chính thức đi vào vận hành trong quý II. Giai đoạn đầu của nhà máy có công suất khoảng 36.000 tấn/năm, nâng tổng công suất toàn hệ thống lên 99.000 tấn/năm – tăng 1,5 lần so với hiện tại.

Song song đó, Sợi Thế Kỷ tiếp tục chú trọng phát triển các dòng sản phẩm có giá trị gia tăng cao, duy trì tỷ trọng sợi tái chế ở mức xấp xỉ 45% doanh thu. Trong giai đoạn 2026–2028, công ty hướng tới mở rộng thêm các nhà máy mới và kỳ vọng đưa tỷ trọng sợi tái chế lên mức 60–70% trên toàn hệ thống.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng mức tăng trưởng cao năm nay một phần đến từ nền lợi nhuận thấp của năm ngoái, khi doanh thu năm 2024 giảm 15% còn 1.210 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 12 tỷ đồng – giảm tới 86% so với năm trước đó.

Bài toán cạnh tranh, chi phí và chiến lược dài hạn của STK

Trước những câu hỏi về tính khả thi của kế hoạch 2025, ông Hòa cho biết mục tiêu doanh thu hơn 3.200 tỷ đồng được xây dựng trên cơ sở công suất hoạt động khoảng 60.000 tấn, trong đó nhà máy Unitex đóng góp khoảng 35%. Công suất khai thác bình quân của ba nhà máy dự kiến đạt trên 60%.

Sợi Thế Kỷ đang áp dụng chính sách điều chỉnh giá bán linh hoạt, đặc biệt là với dòng sợi tái chế – vốn đã dần trở thành sản phẩm phổ thông thay vì cao cấp như trước. Dù giá bán được điều chỉnh giảm, biên lợi nhuận gộp quý I vẫn giữ được ở mức hơn 20%, và cả năm dự kiến khoảng 18%, nhờ các mặt hàng đặc biệt có tỷ suất sinh lời cao hơn bù đắp.

Về kết quả kinh doanh sơ bộ quý I, doanh thu ước đạt 380 tỷ đồng – tăng 43% so với cùng kỳ năm 2024. Lợi nhuận gộp hai tháng đầu năm ước khoảng 57,3 tỷ đồng, cho thấy đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì trong quý II và III.

Trước áp lực từ các đối thủ trong nước và khu vực, ban lãnh đạo STK cho rằng chiến lược cạnh tranh năm nay sẽ mang tính chủ động hơn. Trong nước, những tên tuổi lớn như Formosa hay Far Eastern vẫn là đối thủ đáng gờm, tuy nhiên Sợi Thế Kỷ đang tận dụng lợi thế về sản phẩm mới và khả năng phát triển công nghệ nhanh để tạo khác biệt.

Với hàng hóa nhập khẩu, ông Hòa cho rằng sản phẩm Trung Quốc chủ yếu cạnh tranh về giá nhờ nguồn cung dồi dào. Tuy nhiên, những sản phẩm chuyên môn hóa mà STK cung cấp lại ít chịu áp lực từ nhóm này. Công ty cũng đã nộp hồ sơ kiến nghị điều chỉnh thuế chống bán phá giá và đang chờ quyết định từ cơ quan chức năng.

Ban lãnh đạo nhấn mạnh vai trò của nghiên cứu và phát triển (R&D) trong chiến lược dài hạn. STK đang hợp tác với đối tác từ Đức, Nhật và Đài Loan để liên tục cải tiến sản phẩm. Công ty đặt mục tiêu tung ít nhất ba sản phẩm mới trong năm nay.

Dù từng gặp sự cố kỹ thuật trong năm 2024 do hệ thống kiểm tra chất lượng không đảm bảo, công ty đã rút kinh nghiệm, tạm dừng hợp tác với nhà thầu trong nước và sẽ mời nhà thầu quốc tế thay thế. Hệ thống đóng gói tự động vẫn được duy trì để đảm bảo dòng chảy sản phẩm không bị gián đoạn.

Hội đồng quản trị đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 45%, tương đương gần 49,6 triệu cổ phiếu, nâng vốn điều lệ lên gần 1.600 tỷ đồng. Kế hoạch này sẽ triển khai sau khi hoàn tất đợt chào bán riêng lẻ 13,5 triệu cổ phiếu mới với giá tối thiểu 27.500 đồng/cổ phiếu, dự kiến thu về ít nhất 371 tỷ đồng phục vụ đầu tư và bổ sung vốn lưu động.

Công ty hiện có khoản vay dài hạn 41 triệu USD. Biến động tỷ giá đang được theo dõi chặt chẽ, và dù có thể ảnh hưởng đến báo cáo tài chính, nhưng không tác động trực tiếp đến dòng tiền. STK đang làm việc với các ngân hàng để cải thiện phương án tài trợ trong năm nay.

Lợi nhuận giảm sâu bốn năm liên tiếp, Sợi Thế Kỷ (STK) vẫn lên kế hoạch kỷ lục trong năm 2025

Sau bốn năm liên tục đi lùi, lợi nhuận STK chạm đáy chỉ 45,6 tỷ đồng trong năm 2024. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn ...

Sợi Thế Kỷ (STK) đặt cược vào nhà máy Unitex tạo bứt phá, kỳ vọng cú nhảy vọt lợi nhuận năm 2025

Sợi Thế Kỷ đặt nhiều kỳ vọng vào nhà máy Unitex, coi đây là động lực tăng trưởng chính trong năm 2025. Với kế hoạch ...

Thu Hà

Thu Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán