Tính đến ngày 31/8, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 20,52 tỷ USD, trong đó, vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt khoảng 14,15 tỷ USD, tăng lần lượt 7% và 8% so với cùng kỳ.
Việt Nam thu hút 20,52 tỷ USD vốn FDI trong 8 tháng năm 2024 |
Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tiếp tục xu hướng tích cực. Đặc biệt, đầu tư mới và điều chỉnh tăng cả về số lượng dự án cũng như quy mô vốn đầu tư.
Cụ thể, có 2.247 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đạt gần 12 tỷ USD, tương ứng tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, có 926 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 5,7 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2024, cả nước có 41.142 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 491,39 tỷ USD. Vốn thực hiện ước đạt khoảng 311,33 tỷ USD, bằng 63,4% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 14,17 tỷ USD, chiếm hơn 69% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 7,4% so với cùng kỳ.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 3,36 tỷ USD, chiếm gần 16,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Theo sau là các ngành bán buôn bán lẻ; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 844,9 triệu USD và hơn 761,9 triệu USD. Còn lại là các ngành khác.
Về địa bàn đầu tư, hiện, Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,47 tỷ USD, chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp 2,94 lần cùng kỳ.
Đứng thứ hai về thu hút vốn FDI là Quảng Ninh với gần 1,78 tỷ USD, và theo sau là TP. Hồ Chí Minh với tổng vốn FDI đăng ký hơn 1,76 tỷ USD, lần lượt chiếm gần 8,7% và 8,6% tổng vốn đầu tư cả nước. Các cái tên quen thuộc còn lại là Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Hải Phòng,…
Riêng 10 địa phương gồm Bắc Ninh, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Giang, Thái Nguyên đã chiếm 77,3% số vốn đầu tư nước ngoài của cả nước trong 8 tháng.
Miền Bắc đang trở thành tâm điểm thu hút dòng vốn FDI nhờ vào vị trí chiến lược và sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp hiện đại. Những doanh nghiệp đầu ngành sở hữu quỹ đất công nghiệp rộng lớn phải kể tới như KBC, VGC, BCM và IDC đang đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy làn sóng FDI.
Nguồn: ACBS ước tính |
Theo thống kê của ACBS, Becamex IDC và Viglacera hiện là 2 doanh nghiệp có quỹ đất khu công nghiệp lớn nhất nhì miền Bắc với 848 ha còn lại (chưa tính quỹ đất đang hoàn thiện pháp lý hoặc đền bù) có thể cho thuê.
Becamex IDC (HOSE: BCM) hiện có 7 KCN với tổng diện tích hơn 4.700 ha tại tỉnh Bình Dương, chiếm hơn 30% thị phần tỉnh Bình Dương và 3,5% thị phần toàn quốc. Trong đó, KCN Cây Trường là dự án trọng điểm trong thời gian tới và dự kiến sẽ bắt đầu cho thuê từ 2025.
BCM nắm 49% VSIP – công ty BĐS KCN đứng đầu Việt Nam với 15 KCN thành lập có tổng diện tích hơn 7.500ha và 5,6% thị phần toàn quốc. Năm 2023 VSIP đã khởi công 4 KCN mới là VSIP Bắc Ninh 2, VSIP Nghệ An 2, VSIP Cần Thơ – GĐ1 và VSIP Quảng Trị với tổng diện tích gần 1.500ha và dự kiến sẽ bắt đầu ghi nhận doanh thu từ 2024. Năm 2024 VSIP dự kiến sẽ triển khai xây dựng KCN Bắc Thạch Hà, VSIP Thái Bình, VSIP Lạng Sơn và Khu dân cư ấp 4 - Vĩnh Tân ở Bình Dương.
Ngoài ra, BCM cũng nắm 25,5% BWID – công ty phát triển nhà xưởng và nhà kho xây sẵn hàng đầu Việt Nam với tổng quỹ đất tổng quỹ đất trên 900ha, phát triển hơn 3 triệu m2 sàn xây dựng. BWID dự kiến bổ sung thêm 12 dự án vào năm 2024 và xây dựng khoảng 700.000-800.000 m2 nhà kho/nhà xưởng mỗi năm.
Các dự án của BCM |
Về Tổng công ty Viglacera (HOSE: VGC), phần diện tích KCN thương phẩm còn lại của VGC ước tính khoảng 848 ha, chưa tính quỹ đất đang hoàn thiện pháp lý và đền bù. Tỉnh Bắc Ninh gần với tam giác trọng điểm kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Các KCN tại Bắc Ninh nói chung cũng như KCN của VGC tại Bắc Ninh nói riêng, đều ưu tiên phát triển các ngành chế biến chế tạo, điện tử, công nghiệp công nghệ cao.
VGC có quỹ đất KCN lớn thứ 3 chỉ sau BCM, KBC |
Hiện VGC đang trong giai đoạn đàm phán 2 hợp đồng lớn thuê KCN, đó là Tập đoàn BYD dự kiến thuê khoảng 40ha tại Phú Hà để đầu tư sản xuất linh kiện điện tử và Geleximco ký MOU xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại KCN Tiền Hải với quy mô 50 ha.
Về Công ty CP Phát triển đô thị Kinh Bắc (HOSE: KBC), hiện doanh nghiệp đang vận hành 7 KCN ở Bắc Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang và TP.HCM với diện tích thương phẩm còn lại có thể cho thuê là khoảng 200ha tại 3 KCN là Quang Châu mở rộng, Nam Sơn Hạp Lĩnh và Tân Phú Trung. Công ty rất tích cực trong việc mở rộng quỹ đất với diện tích thương phẩm mới đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý và đền bù gần 1.700 ha tại Hải Phòng, Long An và Hưng Yên. So với các công ty cùng ngành, KBC có thế mạnh trong việc thu hút các Tập đoàn lớn như LG và Foxconn, kéo theo nhiều công ty vệ tinh di dời/mở rộng sản xuất sang Việt Nam.
Các dự án của KBC |
Hiện, KBC đang có kế hoạch cho thuê 150 ha năm 2024 tại KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, Quang Châu, Tân Phú Trung, Tràng Duệ 3, các cụm công nghiệp tại Hưng Yên và Long An. Do KCN Tràng Duệ 3 vẫn chưa được phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư và tiến độ giải phóng mặt bằng KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh không đạt kỳ vọng nên khả năng hoàn thành kế hoạch cho thuê năm nay là một thử thách khá lớn. Mặc dù có rất nhiều nhà đầu tư châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan quan tâm đến KCN của KBC.
Phương Nguyễn