Chỉ số hoạt động chuỗi cung ứng giúp các doanh nghiệp đánh giá được tình trạng hoạt động của mình và đưa ra các khía cạnh cần phải chú trọng để đạt được các mục tiêu đề ra.
Việc đánh giá được căn cứ theo 5 chỉ số: Thân thiện với môi trường; sự minh bạch của các nhà cung cấp trực tiếp và gián tiếp hay các nhà cung cấp thứ cấp; sức khỏe tài chính; tính linh hoạt và khả năng thích ứng; sự hợp tác cũng như tính kết nối trong suốt hệ sinh thái.
Khách hàng có thể sử dụng kết quả này để xác định các điểm yếu và tìm kiếm giải pháp cũng như sự tư vấn từ ngân hàng nhằm hiện thực hóa các mục tiêu kinh doanh.
Các vấn đề nảy sinh từ đại dịch COVID-19 đã buộc các doanh nghiệp xem xét lại chuỗi cung ứng khi mà thế giới đang hướng tới xây dựng một nền kinh tế toàn cầu bền vững hơn. Công cụ này được phát triển dựa trên những chỉ số quan trọng của các chuỗi cung ứng bền vững và kết quả khảo sát gần 1.000 công ty trên thế giới, đồng thời tập trung vào khả năng duy trì hoạt động hiệu quả cũng như tính bền vững của các chuỗi cung ứng ở trong khu vực và trong các lĩnh vực khác nhau dựa trên 5 chỉ số nêu trên - từ đó những phương án hành động cho doanh nghiệp.
Cuộc khảo sát cho thấy trong khi 90% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng tính bền vững và khả năng duy trì hoạt động hiệu quả là các yêu cầu mang tính chiến lược, tuy nhiên, gần 2/3 các công ty cho biết hiệu suất thực tế thường có độ trễ so với việc đạt được các chỉ số nêu trên.
Các điểm đáng lưu ý khác bao gồm:
Những thực tiễn liên quan đến yếu tố môi trường và xã hội trong chuỗi cung ứng có thể tiềm ẩn nguồn rủi ro lớn. Chỉ có 40% số doanh nghiệp tham gia khảo sát tin rằng họ có thể đạt được hiệu quả hoạt động cao khi hiểu rõ và kiểm soát được các tiêu chuẩn về môi trường và cách thức sử dụng lao động.
Các nhà cung cấp gián tiếp hoặc thứ cấp dường như là mắt xích yếu nhất. Chỉ có 43% các công ty coi trọng yếu tố môi trường và sự minh bạch của các nhà cung cấp gián tiếp.
Sức khỏe tài chính của các chuỗi cung ứng là khía cạnh cần được chú ý – chỉ có 2 trên tổng số 5 công ty được hỏi cho rằng việc cung cấp tài chính cho các nhà cung cấp gián tiếp là quan trọng.
Khoảng 80% các công ty đang phát triển các giải pháp công nghệ để giải quyết các khó khăn của chuỗi cung ứng.
Mặc dù kết quả cuộc khảo sát chỉ ra rằng còn nhiều việc cần phải làm, các công ty tham gia khảo sát cho thấy một tinh thần sẵn sàng trong việc hợp tác với các tổ chức tài chính nhằm giải quyết những bất cập.
Cách tiếp cận đối với việc quản lý chuỗi cung ứng cần được mở rộng ra ngoài khía cạnh hiệu quả hoạt động, từ đó cải thiện tính linh động, năng lực tài chính, đồng thời quản lý được các rủi ro liên quan tới ESG (môi trường, xã hội và quản trị). Điều này bao gồm việc tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho các chuỗi cung ứng, đặc biệt là các nhà cung cấp thứ cấp không có đủ nguồn lực tài chính; thực hiện các giao dịch tài trợ thương mại minh bạch hơn và an toàn hơn để đảm bảo hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng; và thúc đẩy việc áp dụng các phương thức hoạt động bền vững trong toàn chuỗi cung ứng.
Theo ông Simon Cooper, Giám Đốc toàn cầu, Khối Khách hàng doanh nghiệp và các định chế tài chính, kiêm Tổng Giám đốc khu vực châu Âu và châu Mỹ, Ngân hàng Standard Chartered cho biết, các sản phẩm tài trợ thương mại bền vững là một trong những cách có thể đảm bảo các chuỗi cung ứng phức tạp tuân thủ những tiêu chuẩn tốt nhất liên quan đến phát triển bền vững và giúp các doanh nghiệp đạt được mục tiêu bền vững trong quá trình phát triển hoạt động kinh doanh.
“Với nỗ lực xây dựng một nền kinh tế bền vững hơn, chúng tôi có thể cung cấp cho khách hàng những công cụ và giải pháp để giúp chuỗi cung ứng của họ trở nên bền vững hơn, có khả năng hoạt động tốt hơn và phù hợp với xu thế của tương lai”, ông Simon Cooper nhấn mạnh.
Công cụ mới này được ra mắt sau khi các giải pháp hỗ trợ chuỗi cung ứng bền vững được triển khai hồi tháng 3 vừa qua, từ đó, củng cố hơn nữa năng lực của Standard Chartered trong việc hỗ trợ khách hàng áp dụng các tiêu chuẩn bền vững và xây dựng những chuỗi cung ứng có khả năng hoạt động hiệu quả hơn. Ngoài các sản phẩm tài trợ thương mại, Standard Chartered cũng cung cấp nguồn vốn tài trợ thương mại phi lợi nhuận cho các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí của gói tài chính trị giá 1 tỷ USD nhằm đẩy lùi COVID-19 của ngân hàng – triển khai từ hồi tháng 3/2020.
Thanh Hải
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ