Linh hoạt, thích ứng để “vượt bão”
Từ khi bùng phát dịch Covid-19, các startup tại TP. Đà Nẵng liên tục gặp khó khăn. Nhất là các startup trong lĩnh vực du lịch và tổ chức sự kiện, giáo dục, dịch vụ đồ ăn và thức uống (F&B). Tuy nhiên, thách thức này cũng được nhìn nhận như một cơ hội, cho các start-up linh hoạt, thích ứng mở ra hướng đi mới.
Cô Phạm Thị Thu Hà, CEO Mầm non Mầm hạnh phúc ECE cho biết: Dự án giáo dục sớm dành cho độ tuổi mầm non theo phương pháp Montessori được cơ sở đầu tư khoảng 6 tỉ đồng tuy nhiên đóng băng nhiều tháng do ảnh hưởng của dịch bệnh, đến nay mới bắt đầu khởi động lại.
“Chúng tôi cũng xác định những khó khăn hiện tại của mình cũng là khó khăn chung của tất cả các doanh nghiệp, chủ đầu tư. Trong thời gian "ngủ" vì dịch, chúng tôi đã thay đổi hướng triển khai, chuẩn bị cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ giáo viên, đồng thời chuyển đổi một số công việc để đảm bảo đời sống cho nhân viên”, cô Hà cho biết.
Trong các lĩnh vực khởi nghiệp, lĩnh vực công nghệ thông tin vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ cho các startup với ưu điểm là môi trường thoải mái, linh động, vốn đầu tư ít, đặc biệt là không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh.
Anh Tạ Ngọc Thiên Bình, Giám đốc Công ty CP Công nghệ IRTECH cho biết: Do doanh nghiệp là đơn vị công nghệ nên không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh mọi quản lí nội bộ đều sử dụng các công cụ nền tảng quản trị trực tuyến. Tuy nhiên doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi thành phố giãn cách xã hội, một số hoạt động liên quan đến giấy tờ, một số hoạt động cần làm việc trực tiếp với khách hàng cũng không triển khai được và dự án bị kéo dài mà không nghiệm thu hoặc khảo sát thực hiện.
“Để ổn định, công ty đã duy trì làm việc từ xa, tích cực giao tiếp qua các buổi họp để đảm bảo chất lượng công việc, hỗ trợ liên tục 24/7 để đảm bảo cho hoạt động của khách hàng, đặc biệt là khách hàng chuyển đổi số. Mục tiêu của doanh nghiệp thời gian tới sẽ ra mắt một số sản phẩm sử dụng công nghệ mới hỗ trợ tích cực cho vận hành các doanh nghiệp, đảm bảo được thông tin thông suốt cho các đơn vị hỗ trợ.” Anh Bình cho biết thêm.
Theo bà Đoàn Thị Xuân Trang, Trưởng bộ phận Ươm tạo Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES), số lượng dự án nộp đơn cho chương trình ươm tạo giảm mạnh, chỉ còn 2/3 so với trước khi dịch bùng phát, các công ty startup thay vì tập trung vào các hoạt động sales, marketing ra bên ngoài thì đang hướng vào hoạt động phát triển nội bộ như training nhân sự, hoàn thiện sản phẩm và tập trung vào các hoạt động online marketing.
Nhiều chính sách hỗ trợ startup vực dậy
Đồng hành cùng các startup “vượt khó” DNES đã triển khai các biện pháp hỗ trợ cho dự án chia sẻ khó khăn trong và sau dịch như: Giảm phí chương trình ươm tạo (hiện tại chỉ thu 10 triệu/ khoá cho 4 tháng của chương trình); Hỗ trợ dự án phát triển sản phẩm hoàn và hoàn thiện mô hình kinh doanh; Hỗ trợ dự án kiếm thêm các nguồn thu (Kết nối với mentor, nhà đầu tư, kết nối với nguồn tài trợ từ Sở KHCN). Ngoài ra, Sở Khoa học & Công nghệ thành phố đã tổ chức các hội thảo trực tuyến để ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của các startup, từ đó đề xuất những giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, từ đầu năm 2021 đến nay Sở Khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng cũng đã hỗ trợ chuyển giao máy móc công nghệ cho 16 lượt doanh nghiệp, trong đó có 4 đơn vị là các doanh nghiệp khởi nghiệp, đơn vị ươm tạo hỗ trợ khởi nghiệp.
Song song với đó, TP. Đà Nẵng đã phê duyệt đề án xây dựng Đà Nẵng thành Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Theo đó, các cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp, doanh đổi mới sáng tạo tại địa phương sẽ được ưu tiên nhận tài trợ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, tham quan, học tập kết nối cung cầu của các Bộ ngành liên quan; Được xem xét hỗ trợ kinh phí văn phòng, không gian làm việc, và ươm tạo trong một năm làm việc; Được ưu tiên xem xét, cấp đất, cho thuê đất trong Khu công nghệ cao Đà Nẵng phù hợp với các quy định của pháp luật; Được ưu tiên tham gia giai đoạn ươm tạo, xem xét cấp vốn không quá 30% từ quỹ đầu từ của tổ chức tài chính nhà nước cùng với các quỹ đầu tư tư nhân khác.
TP. Đà Nẵng cũng đã đề ra những mục tiêu cụ thể phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bao gồm: thành lập 8-10 vườn ươm doanh nghiệp; đẩy mạnh ươm tạo dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp (150 dự án/năm); tăng cường thu hút các chuyên gia tư vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; khuyến khích thành lập các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, thu hút 1-3 quỹ đầu tư mạo hiểm đặt văn phòng đại diện tại thành phố; hợp tác ít nhất 5 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo uy tín trên thế giới để gia tăng nguồn lực...
Đức Thảo - Vũ Lê
Theo Báo Công thương