Sự thật phũ phàng về tương lai ngành lọc dầu

29/08/2024 - 18:57
(Bankviet.com) Làn sóng năng lượng xanh đang thay đổi cảnh quan năng lượng toàn cầu, đặt ra câu hỏi lớn cho ngành lọc dầu, liệu “ngai vàng” có bị lung lay?
Thêm 1,2 tỷ USD đầu tư mở rộng: Bước ngoặt "đổi đời" của Lọc dầu Dung Quất Ấn Độ xây dựng số lượng lớn nhà máy lọc dầu; châu Á nhập khẩu dầu kỷ lục

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ước tính các nhà máy lọc dầu mới có khả năng đi vào hoạt động từ năm 2024 đến năm 2028 có thể bổ sung thêm công suất từ 2,6 - 4,9 triệu thùng /ngày. Theo EIA, hầu hết các công suất lọc dầu mới này sẽ được đưa vào hoạt động ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (chủ yếu ở Trung Quốc và Ấn Độ) và Trung Đông.

Tuy nhiên, cơ quan này lưu ý, việc phát triển các nhà máy lọc dầu mới có nhiều điều không chắc chắn. Các dự án thường xuyên bị trì hoãn do vấn đề tài chính, thỏa thuận cung cấp dầu thô, hậu cần, thử nghiệm, lưu trữ và các yếu tố khác gây khó khăn cho việc khởi động các cơ sở mới.

Sự thật phũ phàng về tương lai ngành lọc dầu
Cơ sở lọc dầu của Shell đặt tại Convent, bang Louisiana, Mỹ. Ảnh: Advocate

Ngoài ra, EIA không tính đến các nhà máy lọc dầu có thể đóng cửa vào năm 2028, nhưng đề cập đến nguy cơ đóng cửa cao hơn trên thị trường khu vực Đại Tây Dương và một số các nhà máy lọc dầu độc lập nhỏ hơn ở Trung Quốc.

Trong báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn vừa công bố EIA dự báo, vào năm 2024 mức tiêu thụ trung bình các sản phẩm dầu mỏ và nhiên liệu lỏng là 103 triệu thùng/ngày trên toàn cầu. Mức tiêu thụ này có thể đạt 105 triệu thùng/ngày vào năm 2028. Theo EIA, sự tăng trưởng toàn cầu này sẽ được thúc đẩy bởi Ấn Độ, Trung Quốc.

Cũng theo báo cáo của EIA, năm 2000, gần 45% công suất lọc dầu toàn cầu nằm ở Mỹ, Tây Âu hoặc Nhật Bản. Nhưng vào năm 2023, tỷ lệ này đã giảm xuống còn khoảng 34%, mức tương tự với công suất tích lũy của các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông.

EIA dự đoán chiến lược hạn chế khai thác của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh OPEC+ sẽ tiếp tục và do đó ước tính sự tăng trưởng trong khai thác dầu thô toàn cầu sẽ được thúc đẩy bởi các quốc gia khác, bắt đầu từ Mỹ, Canada, Brazil và Guyana, những nước có sản lượng dư thừa sẽ cung cấp cho các nhà máy lọc dầu mới ở Trung Quốc hoặc Ấn Độ.

Trong khi đó, mới đây công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie nêu trong báo cáo phân tích rằng trong tổng số 465 cơ sở lọc dầu được phân tích, công ty này xếp hạng khoảng 21% công suất lọc dầu toàn cầu năm 2023 đối diện nguy cơ đóng cửa.

Châu Âu và Trung Quốc là nơi có số lượng cơ sở lọc dầu gặp nguy cơ cao nhất, khiến công suất lọc dầu khoảng 3,9 triệu thùng/ngày gặp rủi ro, Wood Mackenzie đánh giá dựa trên ước tính về tỷ suất lợi nhuận ròng, chi phí phát thải carbon, quyền sở hữu, đầu tư bền vững vì môi trường và giá trị chiến lược của các nhà máy lọc dầu.

Báo cáo của Wood Mackenzie chỉ ra, 11 cơ sở lọc dầu ở châu Âu chiếm 45% tổng số nhà máy có nguy cơ cao phải đóng cửa.

Theo Wood Mackenzie, tỷ suất lợi nhuận từ xăng dầu được dự báo sẽ suy giảm vào cuối thập kỷ này do nhu cầu giảm và các biện pháp trừng phạt đối với Nga được nới lỏng, trong khi thuế carbon dự kiến cũng sẽ bắt đầu có hiệu lực.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương