Sự thống trị của đồng USD trong hệ thống dự trữ ngoại hối quốc tế đang giảm dần

20/06/2024 - 17:18
(Bankviet.com) Dữ liệu gần đây của IMF về cơ cấu tiền tệ trong dự trữ ngoại hối đã chỉ ra sự sụt giảm dần dần tỷ trọng đồng USD trong dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương và chính phủ.

Sự thống trị của đồng đô la - vai trò to lớn của đồng đô la Mỹ (USD) trong nền kinh tế thế giới - gần đây đã được chú ý khi sự vững mạnh của nền kinh tế Mỹ, chính sách tiền tệ thắt chặt và rủi ro địa chính trị tăng cao đã góp phần khiến đồng bạc xanh được định giá cao hơn. Đồng thời, sự phân mảnh kinh tế, khả năng tổ chức lại hoạt động kinh tế và tài chính toàn cầu thành các khối riêng biệt, không chồng chéo có thể khuyến khích một số quốc gia sử dụng và nắm giữ các loại tiền tệ quốc tế và dự trữ khác.

Dữ liệu gần đây của IMF về cơ cấu tiền tệ trong dự trữ ngoại hối đã chỉ ra sự sụt giảm dần dần tỷ trọng đồng USD trong dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương và chính phủ. Điều đáng chú ý là sự suy giảm của đồng USD trong hai thập kỷ qua không tương xứng với sự gia tăng tỷ trọng của 4 loại tiền tệ lớn khác - đồng Euro, Yên Nhật và bảng Anh. Thay vào đó là sự gia tăng tỷ trọng của cái gọi là "tiền dự trữ phi truyền thống” của các đồng đô la Úc, đô la Canada, đồng Nhân dân tệ Trung Quốc, đồng Won Hàn Quốc, đô la Singapore và một số loại tiền tệ Bắc Âu.

Các loại tiền dự trữ phi truyền thống này hấp dẫn các nhà quản lý dự trữ vì chúng đem lại sự đa dạng hóa và lợi suất tương đối hấp dẫn, đồng thời vì chúng ngày càng trở nên dễ mua, bán và nắm giữ với sự phát triển của các công nghệ tài chính kỹ thuật số mới (như hệ thống khớp lệnh tự động và quản lý thanh khoản tự động).

Xu hướng gần đây này càng rõ nét hơn khi xét đến sức mạnh của đồng USD, điều này cho thấy các nhà đầu tư tư nhân đã chuyển sang các tài sản được định giá bằng đồng USD. Hoặc nó sẽ xuất hiện từ sự thay đổi trong giá cả tương đối. Đồng thời, quan sát này là một lời nhắc nhở rằng sự biến động của tỷ giá hối đoái có thể có tác động một cách độc lập đến cơ cấu tiền tệ trong danh mục dự trữ của ngân hàng trung ương. Những thay đổi về giá trị tương đối của các chứng khoán chính phủ khác nhau, phản ánh sự biến động của lãi suất, có thể có tác động tương tự, mặc dù tác động này sẽ có xu hướng nhỏ hơn, bởi lợi suất trái phiếu của các loại tiền tệ chính thường biến động cùng nhau. Trong mọi trường hợp, những hiệu ứng định giá này chỉ củng cố xu hướng chung. Nhìn xa hơn, trong hai thập kỷ qua, thực tế là giá trị của đồng USD nhìn chung không thay đổi, trong khi tỷ trọng dự trữ toàn cầu của đồng USD giảm, cho thấy các ngân hàng trung ương thực sự đang dần rời xa đồng bạc xanh này.

Đồng thời, các thử nghiệm mang tính thống kê không cho thấy sự giảm nhanh của tỷ trọng đồng USD trong cơ cấu dự trữ ngoại hối, trái ngược với tuyên bố rằng các biện pháp trừng phạt tài chính của Mỹ đã đẩy nhanh việc rời xa đồng bạc xanh. Để chắc chắn, như một số người đã lập luận, có thể chính những quốc gia đang tìm cách thoát khỏi việc nắm giữ đồng USD vì lý do địa chính trị đã không báo cáo thông tin về thành phần danh mục dự trữ của họ cho dữ liệu COFER của IMF. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng 149 nền kinh tế được báo cáo của IMF chiếm tới 93% dự trữ ngoại hối toàn cầu. Nói cách khác, số không báo cáo chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong nguồn dự trữ toàn cầu.

Một loại tiền tệ dự trữ phi truyền thống đang giành được thị phần là đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, mức tăng của nó tương ứng với một phần tư sự sụt giảm của thị phần đồng USD. Chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy các chính sách trên nhiều mặt nhằm thúc đẩy quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ, bao gồm phát triển hệ thống thanh toán xuyên biên giới, mở rộng nghiệp vụ hoán đổi và thí điểm tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, dữ liệu gần đây nhất không cho thấy tỷ trọng đồng Nhân dân tệ tăng thêm: một số nhà quan sát có thể nghi ngờ rằng việc tỷ giá đồng Nhân dân tệ giảm giá trong những quý gần đây đã che đi sự gia tăng dự trữ đồng Nhân dân tệ. Song, ngay cả khi có điều chỉnh bởi sự thay đổi tỷ giá hối đoái cũng cho thấy tỷ trọng dự trữ của đồng Nhân dân tệ đã giảm kể từ năm 2022.

Có thể có ý kiến cho rằng, sự sụt giảm liên tục trong việc nắm giữ đồng USD và sự gia tăng tỷ trọng dự trữ của các loại tiền tệ phi truyền thống trên thực tế chỉ phản ánh hành vi của số ít nắm giữ dự trữ lớn. Nga có lý do địa chính trị để thận trọng khi nắm giữ đồng USD, trong khi Thụy Sĩ, quốc gia đã tích lũy dự trữ trong cả thập kỷ qua, có lý do để nắm giữ một phần lớn dự trữ bằng đồng Euro, Khu vực đồng Euro là láng giềng địa lý và là đối tác thương mại quan trọng nhất của họ. Nhưng kể cả khi loại Nga và Thụy Sĩ khỏi tổng hợp COFER, sử dụng dữ liệu do ngân hàng trung ương của 2 quốc gia này công bố từ năm 2007 đến năm 2021, thì cũng có rất ít thay đổi trong xu hướng chung.

Trên thực tế, xu hướng tăng các loại tiền tệ phi truyền thống trong dự trữ đang ngày càng phổ biến. Báo cáo năm 2022 của IMF đã xác định 46 “nhà đầu tư đa dạng hóa tích cực”, được định nghĩa là các quốc gia có tỷ trọng dự trữ ngoại hối bằng các loại tiền tệ phi truyền thống ít nhất là 5% vào cuối năm 2020. Những quốc gia này bao gồm các nền kinh tế tiên tiến lớn và các thị trường mới nổi, bao gồm hầu hết các nền kinh tế phát triển thuộc Nhóm 20 (G20). Đến năm 2023, có thêm ít nhất 3 quốc gia nữa (Israel, Hà Lan, Seychelles) lọt vào danh sách này.

Chuyên gia của IMF cho rằng, các biện pháp trừng phạt tài chính áp dụng trước đây sẽ khiến các ngân hàng trung ương chuyển đổi danh mục dự trữ của họ ra khỏi các loại tiền tệ có nguy cơ bị đóng băng và được thay thế bởi vàng, loại tiền có thể được dự trữ trong nước và do đó không có rủi ro bị trừng phạt. Điều này cũng cho thấy nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương phản ứng tích cực trước sự bất ổn của chính sách kinh tế toàn cầu và rủi ro địa chính trị toàn cầu. Những yếu tố này có thể là nguyên nhân đằng sau việc một số ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi tích lũy thêm vàng. Tuy nhiên, trước khi đề cập quá nhiều đến xu hướng này, điều quan trọng cần nhớ là vàng với tư cách là một phần dự trữ vẫn ở mức thấp trong lịch sử.

Tóm lại, hệ thống tiền tệ và dự trữ quốc tế tiếp tục phát triển. Các mô hình thời gian tới sẽ vẫn được chứng kiến đó là sự dịch chuyển dần dần khỏi sự thống trị của đồng USD và vai trò ngày càng tăng của các loại tiền tệ phi truyền thống của các nền kinh tế nhỏ, mở, được quản lý tốt, được hỗ trợ bởi các công nghệ giao dịch kỹ thuật số mới.

H.Y

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ