Hoàn thành sửa đổi, bổ sung Hiến pháp về chính quyền địa phương trước 30/6 Chủ tịch Quốc hội thông tin về việc sửa đổi Hiến pháp Kỳ họp thứ 9: Quốc hội sẽ quyết định 54 nội dung lập hiến, lập pháp |
Sẽ sửa 8/120 điều của Hiến pháp
Chiều 4/5, trả lời báo chí tại cuộc họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy cho biết, Đảng ủy Quốc hội đã phối hợp với Đảng ủy Chính phủ và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.
![]() |
Họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (Ảnh: Q.N) |
Theo bà Nguyễn Phương Thủy, kết quả nghiên cứu của Đảng ủy Quốc hội và các cơ quan đã được báo cáo Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có tờ trình gửi đại biểu và sẽ báo cáo Quốc hội tại phiên khai mạc ngày 5/5, trong đó có nội dung sửa đổi Hiến pháp.
Mặc dù nội dung sửa đổi cụ thể chưa đề cập, nhưng các vấn đề tập trung nghiên cứu đã được nêu trong tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cụ thể là các nội dung liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các quy định tại Chương 9 Hiến pháp liên quan chính quyền địa phương các cấp.
Với nội dung phạm vi nghiên cứu sửa đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Quốc hội cho phép nghiên cứu theo hướng ban hành nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013. "Số điều của Hiến pháp có khả năng sửa khoảng 8 điều trên tổng số 120 điều" - bà Nguyễn Phương Thủy thông tin.
Cũng theo bà Nguyễn Phương Thủy, ngay tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Quốc hội xem xét quyết định thành lập Ủy ban sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013. Sau khi thành lập, Ủy ban này sẽ nghiên cứu, xây dựng dự thảo nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp.
Dự thảo nghị quyết này sẽ được công bố lấy ý kiến toàn dân. Nội dung này dự kiến thực hiện rất sớm, theo kế hoạch là từ 6/5, tức là sau khi ủy ban được thành lập sẽ công bố dự thảo lấy ý kiến nhân dân và lấy ý kiến trong khoảng 1 tháng.
Sau đó, Ủy ban sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp sẽ tổng hợp tiếp thu ý kiến của nhân dân và đại biểu tại kỳ họp để báo cáo Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp chậm nhất trước ngày 26/6 để làm cơ sở pháp lý để Quốc hội xem xét thông qua các luật liên quan đến tổ chức bộ máy và chính quyền địa phương 2 cấp.
Có thể lấy ý kiến thông qua app VNeID
Có ý kiến cho rằng, việc lấy ý kiến nhân dân trong 1 tháng là hơi gấp, nhưng bà Thủy cho biết, lần sửa đổi bổ sung này phạm vi không nhiều, chỉ 8/120 điều Hiến pháp, nội dung cũng tương đối cụ thể, rõ ràng.
![]() |
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy (Ảnh: Q.N) |
Trong lần lấy ý kiến nhân dân lần này, Chính phủ đề xuất ngoài hình thức tổ chức lấy ý kiến truyền thống đã thực hiện trong các lần sửa Hiến pháp trước đây, thì có thể áp dụng hình thức tham gia ý kiến, lấy ý kiến thông qua app VNeID.
"Hiện Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công an tích cực triển khai để lấy ý kiến nhân dân thông qua ứng dụng này. Đây cũng là điểm mới trong lấy ý kiến nhân dân" - bà Thủy nói.
Cũng theo bà Nguyễn Phương Thủy, Quốc hội, Chính phủ và toàn bộ hệ thống chính trị cần nỗ lực tối đa trong việc hoàn thiện pháp luật, hoàn thiện thể chế.
Trong đó, việc tháo gỡ các điểm nghẽn pháp lý được xác định là khâu then chốt. Đây là những rào cản lớn đối với hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh cũng như các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.
Thực tế cho thấy, công tác rà soát, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật đã được các cơ quan của Quốc hội triển khai thường xuyên từ cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa X.
Những nội dung bất cập, chồng chéo luôn được đưa ra xem xét sửa đổi, bổ sung tại các kỳ họp. Tinh thần đó tiếp tục được phát huy tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV - kỳ họp có khối lượng công tác lập pháp lớn nhất từ trước đến nay.
Tại họp báo, đại diện Văn phòng Quốc hội cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc hết sức hệ trọng, khối lượng công việc cần triển khai rất lớn, có nhiều đổi mới trong cách làm, nhưng thời gian thực hiện không nhiều và phải hết sức khẩn trương, bảo đảm hoàn thành trước ngày 30/6/2025, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Mục đích, yêu cầu của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là nhằm thể chế hoá kịp thời kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng; căn cứ vào chủ trương, định hướng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật.
Phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tập trung vào 2 nhóm nội dung. Thứ nhất, quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tại các điều 9, 10 và 84 để sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, Hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (đồng bộ với cơ cấu tổ chức đảng).
Thứ hai, quy định về chính quyền địa phương tại Chương IX để tạo cơ sở pháp lý hiến định cho việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương với địa phương, tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương.
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; xem xét, thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. |