Thị trường đồ trang trí Tết 2021 "vào mùa" Thị trường đồ trang trí Tết sôi động, đa dạng mẫu mã |
Sức mua tại các cửa hàng truyền thống chậm
Theo ghi nhận của Báo Công Thương, chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Giáp Thìn 2024, hoạt động mua sắm tại các kênh bán hàng trực tiếp như chợ truyền thống, siêu thị, các cửa hàng… vẫn khá chậm chạp.
Dạo quanh một tuyến phố lớn có cửa hàng bán hàng trang trí Tết cho thấy, năm nay, các sản phẩm đồ trang trí khá đa dạng mẫu mã đáp ứng nhiều nhu cầu của khách hàng, song nhìn chung đa số các cửa hàng đều vắng khách.
Các sản phẩm đồ trang trí đa dạng mẫu mã |
Theo các chủ cửa hàng cho biết, các sản phẩm chủ yếu được các cửa hàng nhập năm nay chủ yếu như đèn lồng, dây trang trí, dây đèn cá chép, câu đối đỏ, decal dán kính, dán tường... có hai màu chủ đạo là đỏ và vàng đã được bày bán rất phong phú. Đặc biệt, linh vật Tết Nguyên đán Giáp Thìn với biểu tượng con Rồng nên hầu hết sản phẩm trang trí đều có hình ảnh con rồng in cách điệu.
Được biết, các sản phẩm trang trí dịp Tết năm nay có giá bán tương đối ổn định, dây trang trí nhỏ có giá từ 10.000 - 20.000 đồng/dây, các đồng tiền vàng tùy kích cỡ có giá bán từ 120.000 - 500.000 đồng/sản phẩm, câu đối giá 120.000 - 240.000 đồng/đôi...
“Năm nay, mẫu mã sản phẩm đồ trang trí Tết phong phú, đa dạng và được cải tiến hơn. Câu đối, hình ảnh trang trí, đèn lồng, bao lì xì... đều được làm cẩn thận, in sắc nét, thiết kế, màu sắc bắt mắt hơn” – một tiểu thương tại chợ Đồng Xa, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết.
Ngoài ra, các loại hoa giả trang trí Tết cũng được thiết kế nhiều mẫu mã bắt mắt hơn năm trước. Hiện 1 bó 10 cành hoa mai, hoa đào giả dài 1m giá khoảng 110.000 - 250.000 đồng, hoa tầm xuân có giá 40.000 - 100.000 đồng/bó. Với các mẫu bình hoa cắm sẵn có giá dao động từ 200.000 đồng đến vài triệu đồng/bình tùy loại lớn, nhỏ.
Dù hàng hóa dồi dào, đa dạng mẫu mã, kiểu dáng và giá thành cũng vừa phải nhưng theo các chủ kinh doanh đồ trang trí Tết, khách mua vẫn chậm.
Các sản phẩm trang trí dịp Tết năm nay có giá bán tương đối ổn định |
Theo chị Ngọc Lan (chủ cửa hàng đồ trang trí trên đường Hoàng Công Chất, Phú Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội), kinh tế khó khăn, người dân cũng "thắt lưng buộc bụng" trong chi tiêu hơn. Tuy sức mua giảm mạnh, nhưng các chủ cửa hàng cho biết, vẫn hy vọng lượng khách lẻ tăng mạnh những ngày cận Tết vì nhu cầu sắm Tết của người dân vẫn cao.
Thị trường online sôi động
Trái ngược với thị trường truyền thống, theo khảo sát ý kiến một số người tiêu dùng cho thấy, họ sẽ ưu tiên lựa chọn các kênh mua sắm trực tuyến cho mùa Tết Nguyên đán năm nay.
Chị Nguyễn Trà (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Do công việc bận rộn mình ít có thời gian đi chợ. Cần gì mình thường tranh thủ lướt mạng và đặt hàng. Đặc biệt, mua qua online cũng có rất nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn. Mình đã đặt một số sản phẩm trang trí Tết năm nay”.
Theo ông Nguyễn Bình Minh – đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, hành vi mua sắm của người Việt đang có những thay đổi rõ rệt theo nhiều khía cạnh khác nhau. Trong đó, nổi bật nhất là xu hướng nhiều người đã chuyển sang mua sắm trên các nền tảng, livestream và mạng xã hội như Tiktok Shop, Shopee, Lazada, Tiki, VnShop, Sendo... Nguyên nhân người dân lựa chọn kênh mua sắm trực tuyến một phần do khách hàng chủ động tham khảo được giá cả, cân đối kế hoạch chi tiêu trước khi mua, đồng thời tận dụng được các chương trình giảm giá, khuyến mại sâu.
Năm 2023 ước tính số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến khoảng 59-62 triệu người, tức là chiếm hơn một nửa tổng dân số. Thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, tổng giá trị thương mại điện tử của thị trường Việt năm 2023 đạt khoảng 20,5 tỉ USD, tăng 25% so với năm 2022 (tương đương tăng hơn 4 tỉ USD).
Mua sắm online cũng sẽ giúp người tiêu dùng có thể thoải mái so sánh giá giữa nhiều nhà cung cấp và tiết kiệm chi phí hơn so với mua sắm trực tiếp tại chợ, siêu thị,... nhờ áp dụng được nhiều mã khuyến mãi.
Theo nhiều khách hàng, họ ưu tiên lựa chọn các kênh mua sắm trực tuyến cho mùa Tết Nguyên đán năm nay. |
Báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam về xu hướng tiêu dùng hàng Tết cũng cho thấy, người tiêu dùng có thể không cắt giảm những mặt hàng thiết yếu và quà tặng dịp Tết trong giỏ chi tiêu mà có xu hướng chuyển dịch thứ tự, ưu tiên hàng hóa sản phẩm tốt cho sức khỏe, tăng trải nghiệm tại nhà, cá nhân hóa nhu cầu và tối ưu hóa chi tiêu bằng lựa chọn sản phẩm giảm giá, so sánh giá giữa các kênh phân phối…
Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tik Tok Shop hiện nay cũng đang triển khai đồng loạt nhiều khuyến mãi cùng các chính sách, dịch vụ giúp khách hàng mua sắm thuận lợi hơn. Ngoài các đợt siêu giảm giá ngày lễ, mã khuyến mãi cho từng ngành hàng, hoạt động livestream diễn ra liên tục… các sàn này cũng đưa ra những ưu đãi với tính năng cụ thể như: Giá cước vận chuyển 0 đồng, đổi hàng trong 5 - 7 ngày, hủy đơn hàng dễ dàng, quét mã QR nhận thưởng, săn hàng đồng giá, kiểm tra hàng trước khi nhận, tư vấn, tương tác với khách hàng, đóng gói sản phẩm kỹ lưỡng...
Theo báo cáo của Metric - nền tảng số liệu E-Commerce chỉ ra, trước Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng là thời điểm “vàng” tiêu thụ các mặt hàng đồ trang trí nhà cửa ngày Tết. Các sản phẩm nổi bật trong thị trường trang trí nhà cửa Tết Nguyên đán 2024 gồm đèn lồng, cây đào đông đỏ, decal trang trí và dải treo thần tài.
Do đó, từ ngày 25/11 – 24/12/2023, doanh thu của thị trường đồ trang trí Tết Nguyên đán trên 4 sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đạt 9,2 tỉ đồng.
Có 1.763 shop có phát sinh đơn hàng trên 4 sàn thương mại điện tử nói trên với 427,2 ngàn đơn vị sản phẩm được giao thành công, tăng 56% so với cùng kỳ trước Tết Quý Mão 2023.
Các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội tận dụng tối ưu hiệu quả từ livetream bán hàng |
Với mức tăng trưởng doanh thu ghi nhận hiện tại đạt 56% so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến thị trường đồ trang trí Tết Nguyên đán sẽ thu về 64,7 tỉ đồng doanh thu trên các sàn thương mại điện tử trong 2 tháng trước mùa Tết Giáp Thìn 2024 với khoảng 2,7 triệu sản phẩm được bán ra.
Các số liệu thống kê cũng phản ánh tốc độ tăng trưởng nhanh chóng mặt của thị trường đồ trang trí Tết trên kênh bán hàng online trong những năm gần đây.
Như Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 (từ 24/11/2022 đến 21/1/2023), có 3.199 shop (gian hàng) phát sinh đơn hàng trên 4 sàn thương mại điện tử nói trên với 1,6 triệu sản phẩm được giao thành công trên sàn, mang về tổng doanh thu 41,5 tỉ đồng, tăng 82% so với Tết 2022.
Đỗ Nga