Trong một thông báo cập nhật cho cộng đồng ngân hàng được đăng trên trang web của mình vào ngày 2/3, SWIFT tuyên bố rằng họ sẽ tuân thủ Quy định của Hội đồng Liên minh Châu Âu (EU) 2022/345 ngày 1/3/2022 để loại 7 ngân hàng Nga theo lệnh trừng phạt của Mỹ và các đồng minh phương Tây vào ngày 12/3.
SWIFT cho biết, "Như đã nêu trước đây, chúng tôi sẽ tuân thủ đầy đủ các luật trừng phạt hiện hành. Để đạt được mục tiêu này, tuân thủ hướng dẫn pháp lý trong Quy định của Hội đồng Liên minh Châu Âu (EU) 2022/345 ngày 1/3/2022, chúng tôi sẽ ngắt kết nối với 7 ngân hàng được chỉ định của Nga (và các công ty phụ thuộc có trụ sở tại Nga được chỉ định) khỏi mạng SWIFT. Quy định này yêu cầu chúng tôi ngắt kết nối với các tổ chức đã xác định vào ngày 12/3/2022 và chúng tôi sẽ làm như vậy".
Trong một tuyên bố trước đó vào ngày 1/3, SWIFT nói rằng họ đang phối hợp với các cơ quan chức năng để tìm hiểu những ngân hàng nào sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt và sẽ ngắt kết nối khi nhận được hướng dẫn pháp lý.
Vào ngày 26/2, Nhà Trắng thông báo rằng các nhà lãnh đạo của Ủy ban châu Âu, Pháp, Đức, Ý, Vương quốc Anh (Anh), Canada và Mỹ, sau đó có sự tham gia của Nhật Bản, cam kết "đảm bảo rằng các ngân hàng Nga được chọn sẽ bị xóa khỏi hệ thống SWIFT. Điều này sẽ đảm bảo các ngân hàng này bị ngắt kết nối với hệ thống tài chính quốc tế và gây tổn hại đến khả năng hoạt động của họ trên toàn cầu."
Thông cáo báo chí chung cũng nêu rõ các nhà lãnh đạo cam kết "áp đặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn ngân hàng trung ương Nga triển khai dự trữ quốc tế theo những cách làm giảm tác động của các lệnh trừng phạt của chúng tôi".
Thông cáo của Nhà Trắng cho biết: "Các nhà lãnh đạo quyết tâm tiếp tục áp đặt chi phí lên Nga sẽ khiến Nga bị cô lập hơn nữa khỏi hệ thống tài chính quốc tế và nền kinh tế của chúng ta. Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp này trong những ngày tới".
Là một liên minh độc lập cung cấp một tiện ích nhắn tin tài chính chung, bản thân SWIFT không tự áp đặt hoặc thực hiện các giao dịch tài chính bị trừng phạt. Tuy nhiên, là một công ty được thành lập theo luật của Bỉ, SWIFT phải tuân thủ các quy định liên quan của Liên minh Châu Âu (EU), như đã được xác nhận bởi chính phủ Bỉ. Ngoài ra, SWIFT có nghĩa vụ hỗ trợ các ngân hàng thành viên tuân thủ các luật hiện hành trong nước và quốc tế, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt.
Đã có tiền lệ về việc SWIFT tuân thủ các biện pháp trừng phạt như vậy để loại các ngân hàng khỏi mạng lưới của mình. Vào tháng 3/2012, tuân theo các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Iran, SWIFT được yêu cầu tuân theo Quy định 267/2012 của EU để chấm dứt dịch vụ đối với các ngân hàng Iran bị EU trừng phạt. Trong một tuyên bố sau đó, cựu Giám đốc điều hành của SWIFT, Lázaro Campos, cho biết: "Quyết định này của EU buộc SWIFT phải hành động. Việc ngắt kết nối các ngân hàng là một bước đi bất thường và chưa từng có đối với SWIFT. Đây là kết quả trực tiếp của hành động quốc tế và đa phương nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt tài chính chống lại Iran. ”
Vì EU là một trong các bên tuân theo các lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng Nga đã được công bố cùng với Mỹ, nên EU sẽ có quyền pháp lý để áp việc thực thi tuân thủ của SWIFT.
Hải Yến
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ