Tóm tắt:
Trong bối cảnh bão Yagi (bão số 3) gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Việt Nam, bài viết nhấn mạnh tác động sâu rộng đến các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch và xây dựng. Những tổn thất lớn về tài sản và cơ sở hạ tầng đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân. Để ứng phó với những khó khăn này, chính phủ và các tổ chức đã nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ như tín dụng ưu đãi và tái thiết hạ tầng. Việc áp dụng công nghệ số và cải thiện quy trình làm việc trở nên thiết yếu để nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai trong tương lai. Bài viết kêu gọi sự chung tay giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng, nhằm phục hồi và xây dựng một tương lai ổn định hơn cho Việt Nam.
Từ khóa: Bão Yagi, ngân hàng, phục hồi, kinh tế, doanh nghiệp.
Bão số 3 (có tên gọi là Yagi) đã gây ra thiệt hại lớn cho cả người và tài sản, để lại những hậu quả nặng nề đối với đời sống và tinh thần của người dân. Cơn bão được đánh giá là một trong những cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền, với cường độ tăng rất nhanh và sức tàn phá khủng khiếp. Theo số liệu cập nhật đến ngày 27/9/2024, bão số 3 và hoàn lưu của nó đã làm 334 người chết, trong đó có 318 người chết và 26 người mất tích, cùng với 1.976 người bị thương. Thiệt hại về tài sản cũng rất nghiêm trọng, với khoảng 282.000 căn nhà và 3.755 trường học bị hư hại, tốc mái, hoặc bị ngập lụt. Ngành nông nghiệp chịu tổn thất nặng nề khi có 285.000 ha lúa, hoa màu, và cây ăn quả bị ngập úng, cùng với 189.982 ha rừng và 11.832 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi. Khoảng 5,6 triệu con gia súc, gia cầm đã chết do bão và lũ lụt. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu lên đến trên 81.503 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều công trình hạ tầng thiết yếu cũng bị hư hại nghiêm trọng, với 796 sự cố đê điều và 820 vị trí trên các tuyến quốc lộ bị ách tắc, cùng với hàng ngàn công trình thủy lợi, cấp nước hư hỏng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến vào ngày 28/9/2024 để đánh giá và rút kinh nghiệm từ công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả do bão số 3. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khẩn trương ổn định tình hình và khôi phục sản xuất kinh doanh. Bão số 3 không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà còn tác động sâu sắc đến tăng trưởng kinh tế. Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo tốc độ tăng trưởng GDP trong quý III có thể giảm 0,35% và trong quý IV giảm 0,22%, dẫn đến một ước tính giảm tổng GDP cả năm khoảng 0,15%. Tăng trưởng GRDP của nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, và Lào Cai có thể giảm trên 0,5%.
Để ứng phó với thiệt hại do bão số 3, chính phủ cùng các tổ chức đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả. Chính phủ đã ban hành các nghị quyết và công điện khẩn trương yêu cầu các bộ, ngành và địa phương thực hiện các biện pháp phục hồi sản xuất nông nghiệp và ổn định đời sống nhân dân.... Qua những thiệt hại và bài học từ bão số 3, tinh thần đoàn kết và tương thân tương ái của nhân dân lại một lần nữa được khẳng định, tạo điều kiện cho các biện pháp khắc phục được thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.
Bài viết này được xây dựng với mục tiêu đánh giá một cách toàn diện những thiệt hại nghiêm trọng do bão số 3 gây ra, đồng thời khám phá các cơ hội phục hồi và những động lực thúc đẩy phát triển trong bối cảnh khó khăn này. Đồng thời, nêu bật vai trò của các bộ ngành, địa phương và ngân hàng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua những thử thách này.
Bên cạnh việc nhìn nhận lại những thiệt hại, bài viết cũng sẽ xem xét các cơ hội phục hồi mà bão số 3 mang lại. Sự cần thiết phải đổi mới trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng công nghệ tiên tiến và phát triển bền vững trong du lịch đã trở thành những động lực quan trọng. Ngành ngân hàng, với vai trò là cầu nối tài chính, sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp qua việc giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, và cung cấp các gói tín dụng linh hoạt.
Thông qua việc làm rõ những thiệt hại và cơ hội phục hồi, bài viết đề cập đến sức mạnh của tinh thần đoàn kết và sự hỗ trợ từ cộng đồng, đồng thời khẳng định rằng, từ những khó khăn hiện tại, chúng ta có thể xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Ngành nông nghiệp: Bão Yagi, được ghi nhận là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua tại Biển Đông, đã để lại hậu quả nghiêm trọng đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc và Thanh Hóa. Đây cũng là ngành hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất sau cơn bão. Theo thống kê ban đầu từ Tổng cục Thống kê, gần 350.000 ha lúa và hoa màu đã bị ngập úng nghiêm trọng, trong đó có tới 75.000 ha lúa mùa bị thiệt hại từ 70% trở lên, dẫn đến mất trắng tại nhiều vùng canh tác.
Ngoài thiệt hại lớn về cây trồng, bão Yagi còn ảnh hưởng sâu rộng đến ngành chăn nuôi. Theo số liệu ghi nhận, 44.000 gia súc và gần 5,8 triệu gia cầm đã bị chết do lũ lụt sau bão, làm giảm đáng kể nguồn cung thịt và sản phẩm chăn nuôi. Tình trạng này làm gia tăng nguy cơ khủng hoảng thực phẩm tại nhiều khu vực, khi cả nguồn cung lúa gạo và thịt đều bị thu hẹp.
Thiệt hại về cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Khoảng 36.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản và 11.100 lồng bè đã bị hư hỏng, gây gián đoạn hoạt động sản xuất thủy sản tại nhiều địa phương. Những khu vực trọng điểm như Hải Phòng, Quảng Ninh và các vùng ven biển bị ảnh hưởng nặng nề. Theo một báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, "thiệt hại về hạ tầng nuôi trồng thủy sản sẽ mất nhiều thời gian để khắc phục, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người dân và sự ổn định của chuỗi cung ứng thủy sản".
Cùng với những tổn thất về sản xuất nông nghiệp và thủy sản, bão Yagi cũng kéo theo sự suy giảm mạnh trong tăng trưởng kinh tế nông nghiệp. Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy tăng trưởng của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đã giảm 1,5% trong quý III/2024 tại các tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão. Con số này có thể kéo dài và ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của quý IV cũng như các dự định trong năm 2025.
Ngành du lịch: Cơn bão cũng đã gây ra những xáo trộn lớn trong ngành du lịch. Hàng loạt khách hàng đã phải hủy bỏ kế hoạch du lịch của mình do lo ngại về thiên tai, dẫn đến tình trạng giảm sút nghiêm trọng lượng khách đến các địa điểm du lịch nổi tiếng như Hạ Long, Hà Nội và Ninh Bình.
Thiệt hại do bão Yagi không chỉ dừng lại ở việc hủy tour và vé máy bay. Tỉnh Quảng Ninh, một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bão, đã ghi nhận thiệt hại ước tính lên tới hơn 23.700 tỷ đồng. Trong lĩnh vực du lịch, các cơ sở lưu trú tại thành phố Hạ Long hứng chịu thiệt hại nghiêm trọng, với nhiều trường hợp vỡ kính, sập mái, ảnh hưởng đến hầu hết các khách sạn và nhà nghỉ, từ cơ sở lưu trú cao cấp 4-5 sao đến các điểm nhỏ hơn; tổng số tàu du lịch và tàu chuyển tải bị đắm đã lên tới 31 chiếc; 70% cơ sở lưu trú tại huyện Cô Tô bị hư hại, làm cho việc đón khách trở lại trở nên khó khăn... Điều này đã tác động sâu sắc đến kinh tế địa phương, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của nhiều gia đình.
Ngành xây dựng và bất động sản: Không chỉ ngành nông nghiệp và du lịch bị ảnh hưởng, bão Yagi cũng đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho ngành xây dựng và bất động sản. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khoảng 257.000 căn nhà và 1.300 trường học đã bị hư hại hoặc sập đổ, cùng với hàng loạt công trình hạ tầng bị ảnh hưởng nặng nề. Việc khắc phục hậu quả thiên tai này không chỉ đòi hỏi nguồn lực lớn mà còn kéo dài thời gian thi công, làm gián đoạn tiến độ của nhiều dự án xây dựng.
Ngành xây dựng đặc biệt bị ảnh hưởng bởi sự hư hại của nhiều công trình, dẫn đến tình trạng đình trệ trong quá trình triển khai các dự án mới. Bão Yagi không chỉ ảnh hưởng đến các công trình mới mà còn làm lộ rõ những điểm yếu trong thiết kế và thi công của những tòa nhà đã hoạt động trong nhiều năm.
Nông nghiệp: Ngành nông nghiệp của Việt Nam đang trải qua một giai đoạn khó khăn sau bão Yagi, với nhiều thiệt hại nghiêm trọng đã xảy ra. Hàng triệu hecta cây trồng, như lúa, hoa màu và hàng triệu con gia súc, gia cầm đã bị ảnh hưởng nặng nề. Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhanh chóng đánh giá thiệt hại và triển khai các biện pháp hỗ trợ kịp thời cho nông dân. Những nỗ lực này không chỉ nhằm khắc phục thiệt hại trước mắt mà còn hướng đến việc xây dựng một nền nông nghiệp có khả năng chống chịu tốt hơn trước thiên tai trong tương lai.
Trong bối cảnh này, một trong những cơ hội lớn để phục hồi ngành nông nghiệp chính là việc áp dụng công nghệ tiên tiến. Việc ứng dụng các giống cây trồng kháng sâu bệnh không chỉ có thể làm tăng năng suất mà còn giúp giảm thiểu thiệt hại trong các đợt thiên tai tiếp theo. Hệ thống tưới tiêu thông minh cũng được khuyến khích triển khai, giúp tiết kiệm nước và tăng cường hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó có việc cung cấp tín dụng ưu đãi cho nông dân, nhằm giúp họ khôi phục sản xuất. Đồng thời, việc chuyển đổi cây trồng để thích ứng với điều kiện khí hậu cũng đang được khuyến khích. Các địa phương đã tích cực triển khai các mô hình nông nghiệp bền vững, đặc biệt là phát triển nông nghiệp hữu cơ và sản xuất an toàn. Điều này không chỉ nhằm tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm mà còn đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, để thực sự đạt được sự phục hồi bền vững, cần có sự đồng lòng từ cả chính quyền và người dân. Sự tham gia của cộng đồng, cùng với sự hỗ trợ từ các tổ chức xã hội và doanh nghiệp, sẽ là yếu tố quyết định cho thành công của quá trình phục hồi này. Việc tổ chức các khóa đào tạo về kỹ thuật canh tác hiện đại và nâng cao nhận thức về nông nghiệp bền vững cũng sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Du lịch: Ngành du lịch đã phải đối mặt với những thách thức không nhỏ sau bão Yagi, với nhiều điểm đến nổi tiếng phải tạm dừng hoạt động hoặc giảm công suất để khắc phục thiệt hại. Tuy nhiên, đây cũng được xem như là cơ hội để ngành du lịch khởi động lại và hướng đến sự phát triển bền vững hơn.
Chính phủ và các địa phương cần chủ động trong việc quảng bá các giá trị văn hóa và điểm đến du lịch của địa phương mình. Việc này không chỉ giúp nâng cao nhận thức về các giá trị văn hóa đặc sắc mà còn khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động du lịch trong nước, từ đó hỗ trợ phục hồi nền kinh tế địa phương.
Ngoài ra, du lịch sinh thái và cộng đồng được xem là những lĩnh vực có tiềm năng lớn trong giai đoạn phục hồi này. Phát triển các tour du lịch sinh thái không chỉ giúp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên mà còn tạo ra cơ hội cho người dân địa phương tham gia vào hoạt động du lịch, từ đó nâng cao đời sống kinh tế của họ. Các hoạt động này cũng góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng, giúp hình thành một nền tảng du lịch bền vững hơn trong tương lai.
Xây dựng và bất động sản: Ngành xây dựng và bất động sản đang đối diện với những thách thức lớn sau bão Yagi nhưng đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội phục hồi đáng kể. Theo chỉ đạo của Chính phủ, việc phát triển hạ tầng bền vững đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu. Chính phủ không chỉ muốn khôi phục các công trình bị thiệt hại mà còn nhấn mạnh việc xây dựng các công trình có khả năng chịu đựng tốt hơn trước thiên tai trong tương lai.
Báo cáo từ Bộ Xây dựng đã chỉ ra rằng các dự án phát triển hạ tầng cần được thiết kế với mục tiêu cải thiện khả năng chống chịu trước thiên tai. Điều này bao gồm việc áp dụng các tiêu chuẩn xây dựng tiên tiến, sử dụng vật liệu bền vững và thiết kế thông minh để giảm thiểu thiệt hại trong những tình huống khẩn cấp. Chẳng hạn, các công trình cần có khả năng thoát nước tốt hơn, hệ thống điện và nước phải được thiết kế để chịu đựng các điều kiện khắc nghiệt hơn, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân trong mọi hoàn cảnh.
Ngoài ra, ngành bất động sản cũng cần phải tái cấu trúc để thích ứng với những nhu cầu mới. Việc phát triển các khu đô thị thông minh đang trở thành xu hướng chủ đạo. Những khu đô thị này không chỉ tích hợp công nghệ thông tin trong quản lý mà còn chú trọng đến việc tạo ra môi trường sống chất lượng cho cư dân. Các hệ thống như camera giám sát an ninh, quản lý rác thải thông minh và năng lượng tái tạo đang ngày càng được áp dụng rộng rãi.
Trong bối cảnh phục hồi, các doanh nghiệp bất động sản cần chú trọng vào việc thiết kế những công trình không chỉ đẹp mà còn an toàn và thân thiện với môi trường. Việc áp dụng công nghệ xanh, sử dụng năng lượng tái tạo và vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường sẽ góp phần tạo ra một môi trường sống bền vững cho cư dân. Chẳng hạn, nhiều dự án hiện nay đã bắt đầu áp dụng các giải pháp năng lượng mặt trời và hệ thống thu nước mưa để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên nước.
Như vậy, cơ hội phục hồi cho ngành xây dựng và bất động sản không chỉ là việc khôi phục lại những gì đã mất mà còn là xây dựng một tương lai bền vững hơn, giúp giảm thiểu thiệt hại trong tương lai và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Bão Yagi đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho ngành Ngân hàng Việt Nam trong thời gian ngắn. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, dư nợ tín dụng của các khách hàng và cá nhân bị thiệt hại bởi bão số 3 khoảng 190 nghìn tỷ đồng. Điều này đã tạo ra một áp lực lớn lên hệ thống ngân hàng, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều khách hàng không thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn.
Nhiều ngân hàng đã phải đối mặt với áp lực lớn trong việc giảm lợi nhuận, do các biện pháp hỗ trợ khách hàng và doanh nghiệp gặp khó khăn trở thành ưu tiên hàng đầu. Một số ngân hàng thương mại đã tạm hoãn thu hồi nợ, nhằm tạo điều kiện cho khách hàng có thời gian khôi phục hoạt động kinh doanh sau bão. Điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng sẽ phải chấp nhận mức lợi nhuận thấp hơn, hoặc thậm chí là thua lỗ trong ngắn hạn.
Ngoài ra, một số ngân hàng cũng đã triển khai các chính sách giảm lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ bão. Thêm vào đó, nhiều ngân hàng khác cũng đã ra mắt các gói hỗ trợ tài chính linh hoạt, với mục đích thúc đẩy sự phục hồi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhóm đối tượng vốn dĩ đang gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh thiên tai.
Trong bối cảnh dài hạn, bão Yagi đã tạo ra một loạt thách thức mới cho ngành ngân hàng Việt Nam. Một trong những vấn đề lớn nhất mà các ngân hàng có thể phải đối mặt là tăng tỷ lệ nợ xấu. Khi nhiều khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ sau cơn bão, điều này dẫn đến việc các ngân hàng sẽ ghi nhận tỷ lệ nợ xấu gia tăng.
Sự gia tăng nợ xấu không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của ngân hàng, mà còn tạo ra rủi ro cho hệ thống tài chính. Điều này có thể dẫn đến tình trạng ngân hàng phải trích lập dự phòng cao hơn, làm giảm lợi nhuận và khả năng cho vay trong tương lai. Đồng thời, việc tăng nợ xấu cũng có thể tác động tiêu cực đến xếp hạng tín dụng của ngân hàng, điều này ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn và chi phí vốn của họ.
Trong bối cảnh này, các ngân hàng sẽ cần phải xem xét lại các chính sách cho vay và chiến lược kiểm soát rủi ro. Việc đánh giá rủi ro liên quan đến thiên tai và tình hình kinh tế sẽ trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Một số chuyên gia trong ngành đã đề xuất rằng, ngân hàng cần phát triển các sản phẩm tài chính linh hoạt hơn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong các tình huống khẩn cấp như thiên tai. Hơn nữa, khả năng phòng ngừa và ứng phó với thiên tai cần được nâng cao thông qua việc đầu tư vào công nghệ và đào tạo nhân viên, từ đó giúp ngân hàng sẵn sàng đối phó với các thách thức trong tương lai.
Trong bối cảnh hậu quả nghiêm trọng từ bão Yagi, ngành Ngân hàng Việt Nam đã nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ để giúp khách hàng khắc phục khó khăn.
Một trong những giải pháp nổi bật là giảm lãi suất cho vay. Nhiều ngân hàng thương mại đã thực hiện chính sách này với mức giảm có thể lên tới 1% cho các khoản vay trong các lĩnh vực trọng điểm như nông nghiệp và du lịch.
Ngoài việc giảm lãi suất, các ngân hàng còn triển khai các gói hỗ trợ tài chính dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), một trong những thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Các gói hỗ trợ này bao gồm việc cấp tín dụng ưu đãi, linh hoạt trong thời gian trả nợ, và tư vấn miễn phí về kế hoạch tài chính.
Hơn nữa, một số ngân hàng cũng đã triển khai các hoạt động cộng đồng nhằm hỗ trợ những người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thiên tai. Chẳng hạn, một số ngân hàng đã thực hiện các chương trình quyên góp và tài trợ cho các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, giúp đỡ những hộ gia đình mất nhà cửa do bão.
Tóm lại, thông qua việc giảm lãi suất, cung cấp gói hỗ trợ tài chính, và tham gia vào các hoạt động cộng đồng, ngành ngân hàng đã thể hiện một cam kết mạnh mẽ trong việc hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn. Những nỗ lực này không chỉ góp phần giảm thiểu tác động của bão Yagi mà còn củng cố niềm tin của khách hàng đối với ngành ngân hàng trong bối cảnh đầy thách thức.
Sau những cơn bão lớn như bão số 3 Yagi, các doanh nghiệp và ngân hàng phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc phục hồi và duy trì hoạt động. Công nghệ và số hóa đã đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ các tổ chức này, khắc phục những thiên tai, đảm bảo tính liên tục trong quá trình vận hành và cải thiện khả năng ứng phó với khủng hoảng. Một trong những yếu tố quan trọng giúp duy trì sự ổn định là hệ thống ngân hàng điện tử và các dịch vụ số hóa. Tự động hóa các quy trình thông qua hệ thống số hóa không chỉ tiết kiệm thời gian và chi phí, mà còn giảm thiểu sai sót trong quá trình xử lý.
Cùng với đó, các giải pháp tài chính và kế toán trên tảng đám mây đã chứng tỏ tính linh hoạt cao trong giai đoạn khủng hoảng. Khả năng truy cập dữ liệu tài chính theo thời gian thực từ mọi nơi giúp doanh nghiệp dễ dàng quản lý tài chính từ xa, đồng thời nền tảng này cung cấp các biện pháp sao lưu dữ liệu an toàn, đảm bảo doanh nghiệp có thể nhanh chóng khôi phục dữ liệu quan trọng khi hạ tầng vật lý bị hư hại.
Ngoài ra việc sử dụng Blockchain trong quản lý chuỗi cung ứng đã góp phần đảm bảo tính minh bạch và an toàn trong việc theo dõi và quản lý chuỗi cung ứng. Sau thiên tai, khi quy trình vận chuyển và cung cấp nguyên liệu bị gián đoạn, Blockchain giúp giảm thiểu rủi ro giả mạo dữ liệu, đồng thời cung cấp một hệ thống thông tin đáng tin cậy, giúp các bên liên quan có thể hành động hiệu quả hơn.
Quá trình phục hồi cũng phụ thuộc nhiều vào việc xử lý bồi thường bảo hiểm và công nghệ số hóa đã cải tiến quy trình này đáng kể. Nhờ trí tuệ nhân tạo và máy móc, việc thu thập thông tin, đánh giá thiệt hại và xử lý yêu cầu bồi thường trở nên nhanh chóng và chính xác hơn, giúp doanh nghiệp nhận được hỗ trợ tài chính kịp thời để khôi phục hoạt động.
Một yếu tố cuối cùng không thể thiếu trong quá trình phục hồi là bảo mật hệ thống và an ninh mạng. Thiên tai thường làm gia tăng nguy cơ về các cuộc tấn công mạng do sự gián đoạn hệ thống và việc truy cập trái phép vào dữ liệu quan trọng. Đầu tư vào các giải pháp an ninh mạng tiên tiến giúp bảo vệ các tài sản số và đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu trong giai đoạn khủng hoảng.
Sự kết hợp giữa các giải pháp công nghệ và số hóa không chỉ giúp doanh nghiệp và ngân hàng phục hồi nhanh chóng sau thiên tai, mà còn tăng cường khả năng chống chịu với các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Hơn nữa, việc áp dụng công nghệ hiện đại vào quy trình quản lý và vận hành mang lại hiệu quả dài hạn, góp phần vào sự phát triển bền vững và ổn định của các tổ chức.
Sự hợp tác giữa ngân hàng và doanh nghiệp sau thiên tai đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ. Các doanh nghiệp, sau khi chịu thiệt hại về cơ sở hạ tầng và tài chính, cần nhanh chóng phục hồi sản xuất. Việc hợp tác với ngân hàng giúp họ tiếp cận các khoản vay ưu đãi và tín dụng khẩn cấp, cùng với các chính sách hỗ trợ từ chính phủ. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tái thiết mà còn giảm thiểu rủi ro tài chính thông qua các chương trình bảo hiểm và bảo lãnh.
Ngoài ra, việc chia sẻ nguồn lực và kỹ năng giữa các ngành kinh tế cũng góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi. Các doanh nghiệp trong các ngành như xây dựng, nông nghiệp và công nghiệp có thể hợp tác để sử dụng chung nguyên vật liệu, trang thiết bị và nhân lực, giúp giảm chi phí tái thiết. Đồng thời, việc chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng quản lý khủng hoảng giữa các doanh nghiệp giúp nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai trong tương lai, đặc biệt với sự hỗ trợ của công nghệ số.
Sự hỗ trợ từ chính phủ là yếu tố quan trọng trong quá trình phục hồi sau thiên tai. Chính phủ thường triển khai các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, và các chương trình tái thiết để đảm bảo doanh nghiệp có đủ nguồn lực để phục hồi nhanh chóng. Sự phối hợp giữa chính phủ, ngân hàng và doanh nghiệp không chỉ giúp khắc phục hậu quả thiên tai mà còn thúc đẩy phát triển bền vững, tăng cường khả năng chống chịu trước các rủi ro tương lai.
Giữa những khó khăn chồng chất, nhu cầu về vốn trở thành vấn đề cấp bách mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phải đối mặt. Nhiều tỉnh đã nỗ lực thiết lập quỹ hỗ trợ DNNVV, cung cấp các khoản vay với lãi suất ưu đãi và thời hạn linh hoạt. Những chính sách này không chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội sống sót mà còn như ánh sáng le lói giữa bão tố. Điều này đã giúp họ giữ vững ngọn lửa đam mê, tiếp tục hành trình chinh phục thị trường, duy trì không chỉ hoạt động kinh doanh mà còn cả những ước mơ và khát vọng của hàng nghìn lao động.
Để khôi phục niềm tin của người tiêu dùng, nhiều tỉnh đã tổ chức các chương trình kích cầu tiêu dùng, giảm giá sản phẩm và tổ chức hội chợ. Những hoạt động này không chỉ đơn thuần là giao dịch thương mại, mà còn là những buổi lễ hội, nơi con người được kết nối, giao lưu và cảm nhận sự đồng lòng vượt qua thử thách. Đặc biệt, trong những lúc khó khăn, an sinh xã hội trở thành bức tường thành vững chắc bảo vệ người dân. Nhiều địa phương đã triển khai các gói hỗ trợ tài chính cho những lao động mất việc, giúp họ tìm lại được sự ổn định trong cuộc sống. Hơn cả một khoản tiền hỗ trợ, đó là lòng nhân ái, sự đồng cảm và tinh thần tương thân tương ái, giúp mọi người hiểu rằng họ không đơn độc trong hành trình này.
Tất cả những câu chuyện này đều thể hiện sức mạnh của tinh thần đoàn kết và sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Các giải pháp được triển khai không chỉ giúp ổn định tình hình hiện tại mà còn tạo ra những nền tảng vững chắc cho sự phục hồi kinh tế và phát triển bền vững trong tương lai. Giữa những khó khăn, chính những nỗ lực và lòng quyết tâm đã biến thách thức thành cơ hội, mở ra cánh cửa cho những giấc mơ và hy vọng mới.
Sự phối hợp giữa ngân hàng, bộ ngành và chính quyền địa phương đã đóng vai trò then chốt trong quá trình phục hồi kinh tế sau khủng hoảng. Các ngân hàng đã chủ động hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách giảm lãi suất, gia hạn thời gian trả nợ và cung cấp các chương trình tín dụng ưu đãi, giúp duy trì hoạt động sản xuất. Các bộ ngành cũng đã điều chỉnh chính sách kịp thời, tổ chức đào tạo và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, nhằm giúp họ thích ứng với tình hình kinh tế mới.
Chính quyền địa phương đã tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp với thị trường, và hỗ trợ thông tin kịp thời. Cam kết từ lãnh đạo các cấp đã giúp đảm bảo hiệu quả của các chính sách hỗ trợ, tạo động lực cho doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng. Đồng thời, khả năng thích ứng nhanh của doanh nghiệp với công nghệ mới và mô hình kinh doanh sáng tạo đã góp phần vào quá trình phục hồi, cùng với chính sách an sinh xã hội, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và nâng cao nhận thức cộng đồng là những biện pháp quan trọng trong quản lý rủi ro thiên tai. Cần đầu tư vào công nghệ dự báo và liên kết với cơ quan khí tượng để cung cấp thông tin kịp thời. Bên cạnh đó, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững như hệ thống thoát nước, đê điều cũng giúp giảm thiểu thiệt hại. Ngoài ra, các ngành kinh tế cần lập kế hoạch tái cấu trúc và phục hồi sau thiên tai. Việc thành lập quỹ hỗ trợ thiên tai và khuyến khích bảo hiểm sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục hoạt động, đảm bảo sự phát triển bền vững.
- Bão Yagi thử thách lợi nhuận ngành ngân hàng. Được truy lục từ Báo Đấu Thầu: https://baodauthau.vn/bao-yagi-thu-thach-loi-nhuan-nganh-ngan-hang-post166072.html
- Chính phủ ban hành 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh. Được truy lục từ Báo Điện tử Chính phủ: https://baochinhphu.vn/chinh-phu-ban-hanh-6-nhom-nhiem-vu-giai-phap-trong-tam-khac-phuc-hau-qua-bao-so-3-day-manh-khoi-phuc-san-xuat-kinh-doanh-102240918010252135.htm
- Ngân hàng triển khai các giải pháp để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả bão Yagi. Được truy lục từ Báo Điện tử Chính phủ: https://baochinhphu.vn/ngan-hang-trien-khai-cac-giai-phap-de-ho-tro-khach-hang-khac-phuc-hau-qua-bao-yagi-102240909171434356.htm
- Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ. Được truy lục từ Báo Điện tử Chính phủ: https://baochinhphu.vn/thu-tuong-yeu-cau-tap-trung-trien-khai-cac-bien-phap-nhanh-chong-phuc-hoi-san-xuat-nong-nghiep-sau-bao-so-3-va-mua-lu-102240927175119191.htm
- Khắc phục hậu quả bão Yagi: Doanh nghiệp hướng đến phục hồi. Được truy lục từ Báo Mới: https://baomoi.com/khac-phuc-hau-qua-bao-yagi-doanh-nghiep-huong-den-phuc-hoi-c50389501.epi
- Bão Yagi và mưa lũ gây thiệt hại gần 3,3 tỉ USD . Được truy lục từ Báo Tuổi Trẻ: https://tuoitre.vn/bao-yagi-va-mua-lu-gay-thiet-hai-gan-3-3-ti-usd-20240928111005126.htm
- Nỗ lực khôi phục sản xuất sau bão Yagi. Được truy lục từ Báo Tuổi Trẻ: https://tuoitre.vn/no-luc-khoi-phuc-san-xuat-sau-bao-yagi-20240913080532723.htm
- Bão Yagi ảnh hưởng như thế nào đến tăng trưởng nông nghiệp. (2024). Tạp chí Kinh tế và Dự báo.
- Khách sạn 5 sao có vị trí đắc địa tại Hạ Long tạm ngừng hoạt động vì bị bão Yagi. Được truy lục từ CafeF: https://cafef.vn/khach-san-5-sao-co-vi-tri-dac-dia-tai-ha-long-tam-ngung-hoat-dong-vi-bi-bao-yagi-188240910084821818.chn
- Ảnh hưởng từ bão Yagi, khách hàng nào sẽ được giảm lãi suất vay tới 1% từ các ngân hàng? Được truy lục từ Chứng Khoán DNSE: https://www.dnse.com.vn/senses/tin-tuc/anh-huong-tu-bao-yagi-khach-hang-nao-se-duoc-giam-lai-suat-vay-toi-1-tu-cac-ngan-hang-33898996
- Hải Phòng cho người dân vay vốn bổ sung sau bão số 3. Được truy lục từ Công an nhân dân: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/hai-phong-cho-nguoi-dan-vay-von-bo-sung-sau-bao-so-3-i747187/
- Phục hồi sản xuất, kinh doanh sau bão Yagi. Được truy lục từ Cổng thông tin đài tiếng nói Việt Nam: https://vovworld.vn/vi-VN/binh-luan/phuc-hoi-san-xuat-kinh-doanh-sau-bao-yagi-1327784.vov
- Sau bão Yagi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị hỗ trợ ngành nông nghiệp và du lịch. Được truy lục từ Đầu tư CHỨNG KHOÁN: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/sau-bao-yagi-bo-ke-hoach-va-dau-tu-kien-nghi-ho-tro-nganh-nong-nghiep-va-du-lich-post355405.html
- Báo cáo nhanh về ngành ngân hàng - Bão Yagi: Ảnh hưởng tiêu cực nhưng không lớn. Được truy lục từ Đầu tư Cổ phiếu: https://dautucophieu.net/bao-cao-nhanh-ve-nganh-ngan-hang-bao-yagi-anh-huong-tieu-cuc-nhung-khong-lon/
- Sau bão Yagi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị hỗ trợ ngành nông nghiệp du lịch. Retrieved from Đầu tư CHỨNG KHOÁN: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/sau-bao-yagi-bo-ke-hoach-va-dau-tu-kien-nghi-ho-tro-nganh-nong-nghiep-va-du-lich-post355405.html
- Ngân hàng tiếp sức doanh nghiệp phục hồi sau bão. Được truy lục từ Tạp chí của Tổng cục Hải quan: https://haiquanonline.com.vn/ngan-hang-tiep-suc-doanh-nghiep-phuc-hoi-sau-bao-190355.html
- Nhìn nhận lại nền kinh tế Việt Nam sau trận bão Yagi. Được truy lục từ Tạp chí của UBND TPHCM: https://thesaigontimes.vn/nhin-nhan-lai-nen-kinh-te-viet-nam-sau-tran-bao-yagi/
- Phục hồi hậu bão Yagi: những biến số mới. Được truy lục từ Tạp chí của UBND TPHCM: https://thesaigontimes.vn/phuc-hoi-kinh-te-hau-bao-yagi-nhung-bien-so-moi/
- Ngân hàng đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp sau bão Yagi. Được truy lục từ Tạp chí Kinh doanh: https://vnbusiness.vn/ngan-hang/ngan-hang-dong-hanh-cung-nguoi-dan-va-doanh-nghiep-sau-bao-yagi-1102359.html
- Bão Yagi ảnh hưởng như thế nào đến tăng trưởng nông nghiệp. Được truy lục từ Tạp chí Kinh tế và Dự báo: https://kinhtevadubao.vn/bao-yagi-anh-huong-nhu-the-nao-den-tang-truong-nong-nghiep-29955.html
- Bão Yagi ảnh hưởng như thế nào đến tăng trưởng nông nghiệp . Được truy lục từ Tạp chí Kinh tế và Dự báo: https://kinhtevadubao.vn/bao-yagi-anh-huong-nhu-the-nao-den-tang-truong-nong-nghiep-29955.html
- Ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp. Được truy lục từ Tạp chí Ngân hàng: https://tapchinganhang.gov.vn/ung-dung-cong-nghe-so-trong-hoat-dong-ngan-hang-tai-viet-nam-thuc-trang-va-giai-phap.htm
- Ngành Ngân hàng tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3. Được truy lục từ Tạp chí Ngân hàng: https://tapchinganhang.gov.vn/nganh-ngan-hang-tich-cuc-ho-tro-nguoi-dan-doanh-nghiep-khac-phuc-hau-qua-sau-con-bao-so-3.htm
- Ngành Ngân hàng triển khai các giải pháp nhằm góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi). Được truy lục từ Tạp chí Ngân hàng: https://tapchinganhang.gov.vn/nganh-ngan-hang-trien-khai-cac-giai-phap-nham-gop-phan-ho-tro-nguoi-dan-doanh-nghiep-gap-kho-khan-do.htm
- Bão Yagi "hủy diệt" ngành Du lịch như thế nào? Được truy lục từ Thanh tra Việt Nam: https://thanhtra.com.vn/xa-hoi/du-lich/bao-yagi-huy-diet-nganh-du-lich-nhu-the-nao-231427.html
- Ngân hàng đa dạng giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sau bão. Được truy lục từ Thời báo Ngân hàng: https://thoibaonganhang.vn/ngan-hang-da-dang-giai-phap-ho-tro-doanh-nghiep-vuot-qua-kho-khan-phuc-hoi-sau-bao-155652.html
- Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ. (2024, 09 27). Retrieved from Báo Điện tử Chính phủ: https://baochinhphu.vn/thu-tuong-yeu-cau-tap-trung-trien-khai-cac-bien-phap-nhanh-chong-phuc-hoi-san-xuat-nong-nghiep-sau-bao-so-3-va-mua-lu-102240927175119191.htm
- 4 tại chỗ bão số 3 2024 (bão Yagi) là gì? Chỉ đạo mới nhất về bão số 3 của Thủ tướng Chính phủ ra sao? Được truy lục từ Thư viện Pháp luật: https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/ho-tro-phap-luat/4-tai-cho-bao-so-3-2024-bao-yagi-la-gi-chi-dao-moi-nhat-ve-bao-so-3-cua-thu-tuong-chinh-phu-ra-sao-790137-174603.html
VietnamPlus. (2024, 10 08). Khắc phục hậu quả bão Yagi: Doanh nghiệp hướng đến phục hồi . Được truy lục từ VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/khac-phuc-hau-qua-bao-yagi-doanh-nghiep-huong-den-phuc-hoi-post981788.vnp
- Siêu bão Yagi - phép thử về chất lượng các công trình xây dựng. Được truy lục từ VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/sieu-bao-yagi-phep-thu-ve-chat-luong-cac-cong-trinh-xay-dung-post977113.vnp
- 100.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi: Tác động không đáng kể đến lợi nhuận nhóm ngân hàng. Được truy lục từ VnEconomy: https://vneconomy.vn/100-000-ty-dong-du-no-tin-dung-bi-anh-huong-boi-bao-yagi-tac-dong-khong-dang-ke-den-loi-nhuan-nhom-ngan-hang.htm
- Doanh nghiệp Logistics hồi phục nhanh chóng sau siêu bão Yagi. Được truy lục từ VnEconomy: https://vneconomy.vn/techconnect/doanh-nghiep-logistics-hoi-phuc-nhanh-chong-sau-sieu-bao-yagi.htm
PGS, TS. Đào Lê Kiều Oanh - Hoàng Thị Như Ý - Cao Xuân Tươi - Ngô Ngọc Huyền - Trịnh Thị Hương Thảo