Tóm tắt: Với vai trò là chủ thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và là nhà đầu tư lớn trên thị trường, ngân hàng không chỉ hỗ trợ phân phối, bảo lãnh phát hành TPDN mà còn kiến tạo thanh khoản cho thị trường TPDN…. Bài viết làm rõ những lợi ích và rủi ro khi đầu tư TPDN, tác động của thị trường trái phiếu đến hoạt động ngân hàng, cũng như vai trò của ngân hàng trong phát triển thị trường TPDN. Từ đó, đề xuất một số giải pháp để NHTM tham gia thị trường TPDN hiệu quả và minh bạch hơn.
Từ khóa: Trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, thị trường vốn, thị trường chứng khoán
Impacts of corporate bond market on banking operations
Abstract: As a corporate bond issuer and a large investor in the market, banks not only support the distri-bution and underwriting of corporate bonds but also create liquidity for corporate bond mar-ket... The article clarifies benefits and risks while investing in corporate bonds, impacts of bond market on banking operations, as well as roles of banks in developing corporate bond market. Then, proposes some solutions for commercial banks to participate in the corporate bond mar-ket in effective and transparent manners.
Keywords: Corporate bonds, commercial banks, capital market, stock market
TPDN là một bộ phận không thể thiếu của thị trường vốn. Mối quan hệ giữa thị trường vốn và hệ thống ngân hàng ở nước ta có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước. Việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) huy động vốn qua thị trường chứng khoán sẽ tăng tích tụ vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM), bởi vốn tín dụng trên GDP của Việt Nam đã đạt đến mức rất cao. Ngược lại, các NHTM lại là các tác nhân xúc tác, thúc đẩy thị trường vốn phát triển. Trong thời gian qua, thị trường TPDN ở Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể, tác động không nhỏ đến hoạt động của ngân hàng. Việc chỉ ra những tác động này và giải pháp để phát triển thị trường TPDN hiệu quả và bền vững trong thời gian tới là vấn đề cần thiết.
Lợi ích/rủi ro khi đầu tư TPDN
Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận nghĩa vụ nợ của DN/Chính phủ với người nắm giữ. TPDN là loại hình trái phiếu do DN phát hành. Khi một cá nhân bất kỳ mua trái phiếu của một DN, đồng nghĩa với việc cá nhân này sẽ trở thành chủ nợ của DN đó.
Các giao dịch TPDN giúp nhà đầu tư hưởng lợi khá nhiều mặt, đó là: Lãi suất của TPDN cao hơn lãi suất tiền gửi; So với cổ phiếu, trái phiếu có độ rủi ro thấp hơn. Nếu trong trường hợp DN có nguy cơ vỡ nợ hoặc giải thể, các nhà đầu tư TPDN sẽ được ưu tiên thanh toán nợ trước; Tính thanh khoản của TPDN cao, nhà đầu tư có thể linh hoạt mua đi bán lại với mức lãi suất thực nhận trong thời gian đầu tư; Có thể dùng khoản tiền nhận được từ lãi suất định kỳ để tái đầu tư; Trường hợp giá TPDN tăng, lãi suất sẽ được cộng dồn vào giá vốn.
Tuy nhiên khi đầu tư TPDN sẽ có những rủi ro, đó là: TPDN không phải là tiền gửi ngân hàng, mà được DN phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Do đó, nhà đầu tư mua TPDN là có rủi ro, khi DN không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu. Đây là rủi ro lớn nhất đối với các nhà đầu tư khi đầu tư TPDN mà chưa tìm hiểu kỹ về DN.
Các tổ chức tín dụng (TCTD), công ty chứng khoán (CTCK) phân phối chào mời mua TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ DN phát hành mà không chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ của DN phát hành.
Trên thị trường TPDN riêng lẻ hiện nay, phần lớn tài sản bảo đảm là bất động sản (BĐS) và các chương trình, dự án, chứng khoán hoặc kết hợp các loại tài sản (BĐS, chứng khoán). Đối với các tài sản bảo đảm là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, khi thị trường chứng khoán, thị trường BĐS có nhiều biến động, giá trị tài sản bảo đảm có thể bị sụt giảm và không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Rủi ro thanh khoản: Trong một vài trường hợp, nhà đầu tư có thể không bán được TPDN nhanh do thị trường của trái phiếu đó quá nhỏ với số ít người mua và bán, dẫn đến giá cả bị biến động, tác động trực tiếp đến tỷ suất lợi nhuận của trái chủ.
Thị trường TPDN và tác động đến hoạt động ngân hàng
Vài nét về thị trường TPDN giai đoạn 2011-2022
Thị trường trái phiếu Việt Nam hình thành sớm từ những năm 1990 so với thị trường cổ phiếu (năm 2000), cùng với sự phát triển của hệ thống tài chính và sự cải thiện chặt chẽ về khuôn khổ pháp lý. Tuy nhiên, thị trường TPDN chỉ bắt đầu khởi sắc từ sau năm 2009.
Bảng 1: Quy mô thị trường TPDN giai đoạn 2011 – 2022
Bảng trên cho thấy, trong giai đoạn 7 năm từ 2011 - 2017, quy mô toàn thị trường đạt trung bình chỉ khoảng 57.900 tỷ đồng/năm, chiếm tỷ lệ khoảng 3%/GDP. Nhưng đến năm 2020 con số này tăng nhảy vọt, lên gấp 8 lần giai đoạn 2011-2017, đạt mốc 466.826 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 17% GDP. Quy mô thị trường TPDN tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2021 khi quy mô đạt 723.000 tỷ đồng, cao gấp rưỡi so với năm 2021, chiếm 15% GDP. Tốc độ tăng trưởng của 5 năm qua đạt mức 45%. Tuy nhiên, sang năm 2022 quy mô thị trường TPDN giảm xuống còn 269.733 tỷ đồng. Năm 2023, 11 tháng giá trị phát hành khoảng 220.000 tỷ đồng.
Thị trường TPDN ở Việt Nam thời gian qua đã tăng trưởng đáng kể, góp phần vào sự phát triển và ổn định kinh tế vĩ mô nói chung, hoạt động của NHTM nói riêng.
Tác động của thị trường TPDN đến hoạt động ngân hàng
Trong bối cảnh nguồn vốn trung và dài hạn của hệ thống các TCTD bị hạn chế và các điều kiện vay vốn của NHTM khá chặt chẽ như hiện nay thì việc các DN tìm kiếm nguồn vốn tài trợ dài hạn qua kênh phát hành TPDN là tất yếu. Như Bảng 1 cho thấy, so với giai đoạn trước, thị trường TPDN đã tăng trưởng mạnh mẽ hơn rất nhiều, đặc biệt trong 3 năm 2019-2021. Việc tăng trưởng này có sự giúp sức của các NHTM lẫn các CTCK. Tính đến cuối năm 2021, có 41 TCTD tham gia với tổng dư nợ TPDN là 274.000 tỷ đồng, chiếm 2,63% tổng dư nợ tín dụng của hệ thống, qua đó góp phần gia tăng thanh khoản, thúc đẩy thị trường TPDN phát triển.
Một là, TPDN là kênh dẫn vốn quan trọng cho DN, giảm áp lực cho vay của các NHTM.
Đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là tăng trưởng dựa nhiều vào đòn bẩy tín dụng. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tỷ lệ tín dụng/GDP ở Việt Nam hiện đã rất cao (năm 2022, tỉ lệ này lên tới 124%), thuộc nhóm cao hàng đầu trên thế giới. Chính vì vậy, để hỗ trợ, chia sẻ gánh nặng cho đòn bẩy tín dụng truyền thống đã quá cao, việc phát triển thị trường TPDN là một giải pháp giúp dẫn vốn đặc thù cho DN. Thị trường TPDN đã khẳng định được vai trò là kênh huy động vốn quan trọng đối với DN, góp phần cân đối cơ cấu thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc vốn trung, dài hạn quá lớn vào kênh tín dụng ngân hàng.
Hai là, phát hành trái phiếu góp phần cân đối thanh khoản của NHTM.
Chức năng chủ yếu của NHTM là huy động tiền gửi. Với tỷ lệ tiền gửi ngắn hạn cao (82%), người gửi có thể thường xuyên rút tiền, trong khi đó áp lực cho vay lớn, đặc biệt nhu cầu vốn về trung, dài hạn, dẫn đến một số thời điểm, ngân hàng gặp khó khăn thanh khoản. Do đó, NHTM phát hành TPDN góp phần giải quyết khó khăn về cân đối thanh khoản.
Vì vậy, hình thức phát hành TPDN tạo thuận lợi cân đối thanh khoản cho các NHTM, dù thực tế, số huy động trái phiếu này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng huy động. Khi NHTM là người phát hành trái phiếu, tức là người bán trái phiếu của mình cho người dân thì việc phát hành này như một hình thức huy động tiền của người dân. Khi đó, người dân có thể đến gửi tiền dưới dạng chứng chỉ tiền gửi, nhưng cũng có thể mua trái phiếu của NHTM phát hành, trái phiếu này kỳ hạn trên 1 năm. Có một thuận lợi cho người dân là có thể nắm giữ trái phiếu này, khi đến hạn thì nhận được tiền như đi rút tiền gửi. Còn đối với các NHTM phát hành TPDN giống như huy động nhưng kỳ hạn 1 năm/trên 1 năm, tạo thuận lợi cho các NHTM trong việc cân đối nguồn vốn.
Khi NHTM phát hành trái phiếu chuyển đổi, người dân thay vì nắm giữ tiền gửi có thể trở thành cổ đông nhỏ lẻ của NHTM, góp phần cân đối nguồn vốn cho NHTM.
Ba là, thị trường TPDN phát triển sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các NHTM.
Khi ngân hàng mua TPDN: Các ngân hàng thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu với nhiều mục tiêu khác nhau. Tuy nhiên, mục tiêu chủ yếu vẫn là phục vụ hỗ trợ cho việc quản lý kinh doanh nguồn vốn khả dụng của bản thân ngân hàng, đảm bảo duy trì khả năng thanh toán toàn hệ thống, bên cạnh đó là mục tiêu đem lại thu nhập cho ngân hàng.
Khi thực hiện bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh phát hành, đại lý phát hành, đại lý quản lý tài sản bảo đảm…, ngân hàng sẽ thu được một khoản phí, tăng thu nhập cho ngân hàng.
Vai trò của ngân hàng trong phát triển thị trường TPDN
Thị trường TPDN đã tác động không nhỏ đến hoạt động của ngân hàng, ngược lại các ngân hàng lại là tác nhân thúc đẩy thị trường này phát triển. Các tác động đó là:
Vai trò của NHTM trong phương án phát hành TPDN, với sự đa chức năng, vừa là NHTM, vừa là ngân hàng đầu tư, các NHTM tại Việt Nam có thể tham gia vào việc hỗ trợ phát hành trái phiếu và phân phối trái phiếu trên thị trường với các vai trò như tổ chức bảo lãnh phát hành, đại lý phân phối, bảo lãnh thanh toán hay đơn vị quản lý tài khoản thanh toán, quản lý TSBĐ.
Bảng 2: Thị phần phát hành/đầu tư TPDN của các NHTM giai đoạn 2018-2022
Vai trò là ngân hàng đầu tư, NHTM là chủ thể phát hành TPDN. Bảng 2 cho thấy, trong thời gian qua, lượng TPDN do các NHTM phát hành chiếm tỷ lệ khá lớn (năm 2018 chiếm 48% thị phần TPDN, 2019 là 41,2%, nhưng đến năm 2022 giảm xuống còn 28% thị phần TPDN). Trái phiếu của NHTM thường nhận được sự tin tưởng cao mặc dù không có tài sản bảo đảm và lãi suất của trái phiếu cũng ở mức thấp hơn so với các loại DN khác. Những con số cho thấy NHTM đóng một vai trò rất quan trọng trên thị trường TPDN tại Việt Nam.
Với vai trò là tổ chức bảo lãnh phát hành, NHTM cam kết sẽ bán hết trái phiếu mà DN phát hành. Nếu các nhà đầu tư không mua hết thì ngân hàng bảo lãnh sẽ mua toàn bộ phần còn lại. Tuy nhiên, đây lại là một trong những rủi ro của nghiệp vụ này mà NHTM phải đối mặt, nếu bảo lãnh cho những DN không đủ tiêu chuẩn với các dự án thiếu hiệu quả và không bán hết được.
Bên cạnh đó, NHTM cũng sẽ cung cấp dịch vụ bảo lãnh thanh toán (ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm thanh toán gốc, lãi thay tổ chức phát hành nếu họ không trả được) hoặc cam kết mua lại trái phiếu. Tuy nhiên, khách hàng sẽ phải chịu một mức phí bảo lãnh tuỳ theo các loại trái phiếu khác nhau, với trái phiếu của những DN ít có tên tuổi, mức phí bảo lãnh thanh toán sẽ càng cao. Nhiều khi, mức phí này sẽ chiếm hết phần chênh lệch với lãi suất tiết kiệm. Do đó, phần lớn khách hàng sẽ không lựa chọn phương án mua thêm bảo lãnh nhằm hưởng được mức lợi suất cao nhất. Trên thực tế, lượng TPDN được bảo lãnh thanh toán bởi ngân hàng chiếm tỷ trọng thấp.
Với chức năng đại lý phát hành, NHTM sẽ thực hiện bán trái phiếu cho các nhà đầu tư theo đúng cam kết với tổ chức phát hành. Trường hợp không bán hết, đại lý được trả lại cho tổ chức phát hành số trái phiếu còn lại.
Với vai trò là đại lý quản lý tài sản bảo đảm, NHTM có trách nhiệm nhận và quản lý tài sản bảo đảm cho trái phiếu; thực hiện các thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm cho trái phiếu và một số vấn đề liên quan đến tài sản thế chấp phát sinh theo quy định của pháp luật (TCTD, CTCK thực hiện phân phối trái phiếu chỉ cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ DN phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc thẩm định/đánh giá về tình hình tài chính và khả năng trả nợ của DN phát hành).
Vai trò của NHTM trong kiến tạo thanh khoản. Với vai trò là chủ thể phát hành TPDN và là nhà đầu tư lớn TPDN trên thị trường, NHTM đã góp phần kiến tạo thanh khoản cho thị trường TPDN (Bảng 2 cho thấy năm 2018, tỷ lệ TPDN do ngân hàng đầu tư trên thị trường sơ cấp chiếm tới 35,8% thị phần TPDN, năm 2022 tỷ lệ này lên tới 53%; Bình quân giai đoạn 2018-2022 tỷ lệ này là 34,5%). Đặc biệt cuối năm 2022 và đầu năm 2023, khi thị trường TPDN trầm lắng, các NHTM là “cứu tinh” tính thanh khoản cho thị trường này. Bên cạnh tham gia tái cơ cấu, tạo thanh khoản cho thị trường trái phiếu, ngân hàng có thể giúp DN bất động sản giảm áp lực dòng tiền đáo hạn trái phiếu bằng cách tăng tín dụng lĩnh vực này…
NHTM góp phần làm cho thị trường TPDN hiệu quả hơn. NHTM hỗ trợ về kỹ thuật để các DN đủ điều kiện phát hành. Sau đó, NHTM còn hỗ trợ phân phối lượng trái phiếu đó. Khi NHTM thu xếp bảo lãnh phát hành trái phiếu cho DN, ngân hàng cũng đặt ra các điều kiện về tài sản thế chấp, kiểm soát dòng tiền của DN thông qua một tài khoản nhất định mở tại ngân hàng bảo lãnh phát hành, điều này cũng góp phần làm cho thị trường TPDN hiệu quả, minh bạch hơn.
Như vậy, thị trường TPDN đã có tác động nhất định đến hoạt động của ngân hàng ở nước ta trong thời gian qua. Ngược lại, các NHTM cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc tạo lập và phát triển thị trường TPDN. Chính vì vậy, giải pháp để phát triển thị trường TPDN hiệu quả và minh bạch trong thời gian tới sẽ góp phần mở rộng hoạt động của các NHTM.
Cơ hội, thách thức và giải pháp để ổn định và phát triển thị trường TPDN
Cơ hội cho các NHTM tham gia thị trường TPDN trong thời gian tới
Lãi suất huy động trên thị trường năm 2023 đã giảm rất nhanh, một số ngân hàng giảm lãi suất huy động về dưới 5%/năm. Đây chính là cơ hội cho các NHTM phát hành TPDN để tăng vốn điều lệ với giá rẻ.
Mặt khác, do việc nhiều DN trong thời gian qua đã phát hành TPDN nhưng không hiệu quả hoặc dùng vốn sai mục đích hoặc phát hành quá mức khả năng tài chính của DN… nên đã dẫn đến không thanh toán nợ đúng hạn cho nhà đầu tư, làm cho nhà đầu tư mất niềm tin. Do vậy, thời gian tới những DN nào có đủ tiềm lực để phát hành trái phiếu sẽ thu hút được các nhà đầu tư, đặc biệt là các NHTM lớn, có uy tín trên thị trường.
Các NHTM có thể tham gia đầu tư TPDN và/hoặc bảo lãnh cho các DN phát hành trái phiếu sẽ làm tăng thu nhập cho mình, tăng tính thanh khoản và hiệu quả cho hoạt động phát hành TPDN.
Thị trường TPDN còn rất nhiều tiềm năng, quy mô thị trường TPDN chiếm khoảng 11,79% GDP, khá thấp so với các nước trong khu vực (Thái Lan đạt 26,1%; Malaysia đạt tới 53,6%, Philippines đạt 50%; thậm chí Hàn Quốc đạt gần 120% GDP…).
Lạm phát của Việt Nam đang được kiểm soát tốt, lãi suất có xu hướng giảm, tạo thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, có thể có nhiều cơ hội hơn cho các công ty phát hành TPDN để huy động vốn, tạo điều kiện để phát triển mạnh hơn thị trường TPDN trong tương lai. Mặt khác, Việt Nam đã hội nhập sâu hơn với nền kinh tế toàn cầu trong những năm gần đây, dẫn đến sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường TPDN. Điều này cũng có thể giúp tăng tính thanh khoản và mở rộng cơ sở đầu tư cho TPDN tại Việt Nam.
Những thách thức đối với thị trường TPDN
Mặc dù thị trường TPDN Việt Nam phát triển rất mạnh trong thời qua, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế, tồn tại nhất định như sau:
Thứ nhất, số lượng công ty phát hành TPDN ở Việt Nam còn khá ít, tập trung vào một nhóm DN trong một số lĩnh vực như ngân hàng, BĐS, công nghiệp. Thị trường TPDN ở Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như: có DN không thể hoạt động nhưng vẫn đi vay vốn, hoặc những doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu với lãi suất cao. Cả ngân hàng cũng như các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ nắm giữ các trái phiếu doanh nghiệp đều có thể bị vạ lây, thậm chí phá sản nếu các doanh nghiệp BĐS này gặp khó khăn.
Thứ hai, thị trường TPDN ở Việt Nam tương đối nhỏ và kém thanh khoản so với các thị trường khác trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Singapore. Khối lượng giao dịch và tần suất giao dịch thấp cùng với quy mô nhỏ có thể không khuyến khích các nhà đầu tư tham gia thị trường TPDN.
Thứ ba, thông tin về TPDN còn chưa minh bạch là một trong những yếu tố kìm hãm sự phát triển của thị trường trái phiếu nói chung và thị trường TPDN nói riêng. Chẳng hạn như, năm 2022, Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy 9 lô trái phiếu đã phát hành vì cáo buộc công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Thứ tư, hệ thống xếp hạng tín nhiệm chưa được quy định rõ ràng. Nhiều tổ chức phát hành TPDN tại Việt Nam chưa được xếp hạng tín nhiệm, khiến nhà đầu tư khó đánh giá mức độ tín nhiệm của tổ chức phát hành.
Thứ năm, khung pháp lí cho thị trường TPDN ở Việt Nam chưa được hoàn thiện, có thể dẫn đến những bất ổn trên thị trường. Ví dụ, có những hạn chế đối với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường, điều này hạn chế tiềm năng tăng trưởng của thị trường.
Thứ sáu, phần lớn các tổ chức phát hành TPDN ở Việt Nam tập trung vào các nhóm DN trong cùng lĩnh vực như BĐS, công nghiệp,… dẫn đến rủi ro tập trung trên thị trường. Điều này có thể dẫn đến việc thiếu đa dạng hóa cho các nhà đầu tư và các lỗ hổng tiềm ẩn cho thị trường.
Trong thời gian tới, để phát triển và tăng cường tính minh bạch của thị trường TPDN Việt Nam, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đủ điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng thông qua việc nghiên cứu, sửa đổi thủ tục cấp phép chào bán chứng khoán. Ngoài ra, các nền tảng giao dịch TPDN riêng lẻ được thiết lập bởi các Sở giao dịch chứng khoán cần được triển khai nhằm tạo ra một thị trường thứ cấp minh bạch cho thị trường TPDN.
Cần có những biện pháp xử lí thật nghiêm các sai phạm để hạn chế rủi ro trong đầu tư TPDN cho các nhà đầu tư trái phiếu không chuyên nghiệp, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Tiếp tục cải thiện khung pháp lí về thị trường TPDN Việt Nam. Tại Nghị định 08 ngày 5/3/3023, Chính phủ đã cho phép DN đàm phán với trái chủ để gia hạn kỳ hạn trái phiếu, hoặc thanh toán bằng tài sản khác, cùng với việc tạm ngưng áp dụng một số điều kiện về nhà đầu tư chuyên nghiệp so với Nghị định 153/2020 và Nghị định 65/2022. Chính phủ cần tiếp tục có cơ chế, chính sách để khơi thông dòng vốn TPDN đang bị tắc nghẽn ở một số DN và cần có giải pháp tổng thể với sự tham gia của nhiều bộ, ban ngành trong thời gian tới.
NHNN cần rà soát, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán TPDN.
Cần triển khai nhanh xếp hạng tín nhiệm DN. Bộ Tài chính nên cân nhắc áp dụng ngay quy định bắt buộc DN phát hành TPDN phải có xếp hạng tín nhiệm DN thay vì hoãn thời gian áp dụng đến năm 2024 để tránh lặp lại tình trạng không minh bạch trong phát hành trái phiếu hoặc cố tình sai phạm, ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư cũng như gây ảnh hưởng tiêu cực đối với thị trường chứng khoán. Nên khuyến khích DN thực hiện xếp hạng tín nhiệm bằng các cơ chế ưu đãi riêng và nâng cao điều kiện phát hành đối với những DN không có xếp hạng tín nhiệm DN khi phát hành trái phiếu để huy động vốn.
Giải pháp để NHTM tham gia thị trường TPDN hiệu quả và minh bạch
Tăng cường kiểm soát việc NHTM mua trái phiếu
Trong trường hợp các TCTD đóng vai trò người đi mua, đầu tư TPDN thì cần kiểm soát như là một khoản TCTD cho vay để bảo đảm được khi mua trái phiếu cũng như khi cho vay thì phải thu hồi được nợ.
NHNN đã có các quy định kiểm soát TCTD mua TPDN như: “các TCTD có nợ xấu trên 3% không được mua TPDN. TCTD được mua trái phiếu của các DN phát hành khi TCTD thẩm định DN phát hành có đủ khả năng trả nợ, thanh toán trái phiếu. TCTD mua TPDN không có nợ xấu trong vòng 12 tháng và phải có quy trình nội bộ để kiểm soát hoạt động này”. Trên thực tế, số dư nợ mua TPDN của TCTD hiện nay chiếm khoảng 3% trong tổng dư nợ của các TCTD… Trong thời gian qua, NHNN cũng chỉ đạo các TCTD phải rà soát kỹ và cũng nhận diện rủi ro để có các biện pháp phòng ngừa và xử lý.
Vấn đề kiểm soát ngân hàng mua TPDN, đề phòng rủi ro cần được tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.
Sớm phân định rõ ngân hàng đầu tư và NHTM
Nếu như ở các nước phát triển, việc tách bạch hoạt động của NHTM và ngân hàng đầu tư là thật sự cần thiết nhằm hạn chế rủi ro cho thị trường tài chính, thì Việt Nam hiện nay chưa có một quy định rõ ràng. Về cơ bản, sự khác biệt giữa hai loại hình này là NHTM nhận tiền gửi trực tiếp từ khách hàng, sau đó cho vay lại, còn ngân hàng đầu tư huy động vốn bằng cách phát hành chứng khoán rồi sau đó lại mua chính chứng khoán mà DN phát hành hoặc giúp DN phát hành chứng khoán cho các tổ chức, cá nhân khác. Do vậy, thời gian tới cần nghiên cứu xem xét về việc thành lập ngân hàng đầu tư ở Việt Nam.
Kết luận
Thị trường TPDN là một bộ phận quan trọng của thị trường vốn, góp phần huy động, định hướng phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực vào các mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội. Việc phát triển thị trường TPDN lành mạnh, ổn định, hiệu quả, bền vững là rất cần thiết, giúp tạo ra một nền tài chính đa dạng, giảm sự phụ thuộc quá mức vào ngân hàng trong cung cấp vốn trung và dài hạn. Ngân hàng đã, đang và sẽ giữ vai trò quan trọng thúc đẩy thị trường TPDN phát triển lành mạnh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Báo cáo thường niên của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA)
2. Chính phủ. Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; ban hành ngày 31/12/2020.
3. Chính phủ. Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán; ban hành ngày 31/12/2020.
4. Chính phủ. Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; ban hành ngày 16/9/2022.
5. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán TPDN; ban hành ngày 10/11/2021.
Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 1 năm 2024
TS. Đỗ Thị Thủy