Tái cấp vốn 7.500 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội

22/07/2021 - 21:50
(Bankviet.com) Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 10/2022/TT-NHNN quy định về tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Thông tư được ban hành nhằm triển khai kịp thời các chính sách của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Với 10 Điều, Thông tư quy định các nội dung cơ bản: phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, số tiền tái cấp vốn, lãi suất tái cấp vốn, thời hạn tái cấp vốn, giải ngân tái cấp vốn, tài sản bảo đảm, trình tự tái cấp vốn, trả nợ vay tái cấp vốn và trách nhiệm của các đơn vị liên quan.

Cụ thể, tổng số tiền tái cấp vốn tối đa 7.500 tỷ đồng, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất quá hạn là 0%/năm, thời hạn tái cấp vốn là 364 ngày, tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày Ngân hàng Nhà nước giải ngân tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội và được áp dụng đối với từng lần giải ngân. Thời hạn giải ngân tái cấp vốn từ ngày ký khế ước nhận nợ đầu tiên đến hết ngày 31/3/2022 hoặc đến khi giải ngân hết 7.500 tỷ đồng tùy theo điều kiện nào đến trước.

Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn không có tài sản bảo đảm đối với Ngân hàng Chính sách xã hội.

Khi khoản vay tái cấp vốn đến hạn, Ngân hàng Chính sách xã hội phải trả hết nợ gốc vay tái cấp vốn cho Ngân hàng Nhà nước từ tiền trả nợ của người sử dụng lao động vay.

Trường hợp đến hết ngày 5/4/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội không giải ngân hết số tiền đã nhận giải ngân thì trước ngày 15/4/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội phải trả Ngân hàng Nhà nước số tiền không giải ngân hết.

Trường hợp dư nợ khoản vay tái cấp vốn đến hạn, Ngân hàng Chính sách xã hội không trả hết nợ thì Ngân hàng Nhà nước chuyển dư nợ khoản tái cấp vốn sang theo dõi quá hạn.

Trường hợp phát sinh tiền trả nợ của người sử dụng lao động, trong thời hạn 10 ngày làm việc đầu tháng tiếp theo, Ngân hàng Chính sách xã hội phải sử dụng toàn bộ số tiền trả nợ của người sử dụng lao động trong tháng để trả nợ vay tái cấp vốn theo thứ tự từ khế ước nhận nợ còn dư nợ được ký sớm nhất (bao gồm dư nợ vay tái cấp vốn đã chuyển sang theo dõi quá hạn, dư nợ vay tái cấp vốn chưa đến hạn), trừ trường hợp phát sinh tiền thu hồi quy định tại khoản 4 Điều 42 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

Trường hợp phát hiện Ngân hàng Chính sách xã hội có tiền trả nợ của người sử dụng lao động mà không trả nợ vay tái cấp vốn và/hoặc Ngân hàng Chính sách xã hội không trả nợ vay tái cấp vốn, Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp xử lý: Áp dụng lãi suất bằng lãi suất cho vay quá hạn của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với người sử dụng lao động (12%/năm) đối với số tiền chưa trả đúng; Trích tài khoản của Ngân hàng Chính sách xã hội tại Ngân hàng Nhà nước để thu hồi số tiền vay tái cấp vốn chưa trả đúng và tiền lãi; Sau khi trích tài khoản mà chưa thu hồi đủ số tiền vay tái cấp vốn chưa trả đúng và tiền lãi, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi, trích tài khoản của Ngân hàng Chính sách xã hội tại Ngân hàng Nhà nước cho đến khi thu hồi hết nợ.

Ngân hàng Chính sách có trách nhiệm sử dụng tiền vay tái cấp vốn đúng mục đích; theo dõi, hạch toán, quản lý riêng khoản vay tái cấp vốn này. Trước ngày 20/4/2022, báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước số liệu tiền vay tái cấp vốn đã giải ngân, đồng thời gửi Vụ Chính sách tiền tệ, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc đầu tháng, báo cáo Ngân hàng Nhà nước (Vụ Chính sách tiền tệ, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế) về việc trả nợ vay tái cấp vốn từ tiền trả nợ của người sử dụng lao động theo Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này. Đồng thời, đôn đốc, thu hồi khoản cho vay người sử dụng lao động để trả nợ vay.

Bùi Trang

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ