Tờ Politico dẫn phân tích do Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA) cho hay, Pháp là quốc gia mua LNG của Nga nhiều nhất ở châu Âu. Trong quý I/2024, Pháp đã trả cho Nga hơn 600 triệu Euro để mua khí đốt.
Đồng thời, Pháp khẳng định việc mua khí đốt là cần thiết để cung cấp cho các hộ gia đình trên khắp châu Âu và bản thân Paris được cho đã ký kết thỏa thuận dài hạn với Nga.
Bộ Kinh tế Pháp cho rằng, sự gia tăng nhập khẩu LNG từ Nga là do các cuộc đình công “làm gián đoạn nghiêm trọng dòng chảy khí đốt”. Ngoài ra, Pháp còn cung cấp LNG cho các nước khác, trong đó có Italia.
Dữ liệu của S&P Global cho thấy, sự phụ thuộc của EU vào nhập khẩu khí đốt của Nga chỉ tăng lên trong năm qua. Từ đầu năm 2024, Nga cung cấp 4,89 triệu tấn LNG cho châu Âu, tương đương hơn 16% tổng nguồn cung loại nhiên liệu này (33,65 triệu tấn) so với 12,74% trong 4 tháng đầu năm 2023. Phần lớn nguồn cung LNG của Nga được 3 nước châu Âu tiếp nhận là Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ.
Cắt đứt nguồn cung năng lượng từ Nga là điều không dễ đối với các quốc gia châu Âu. Ảnh: RIA Novosti |
Đối với Tây Ban Nha, thị phần LNG của Nga lên tới 32% trong tổng khối lượng nhập khẩu 1,56 triệu tấn LNG. Tỷ trọng LNG của Nga trong tổng nhập khẩu LNG của Bỉ và Pháp lần lượt là 49% và 27%.
Theo S&P Global, từ tháng 10/2023-3/2024, nguồn cung LNG của Nga cho Tây Ban Nha lên tới 2,57 triệu tấn, so với 2,28 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.
Ông Igor Yushkov, chuyên gia tại Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Nga và Quỹ An ninh năng lượng quốc gia nhận định: “Đối với Pháp, nguồn cung LNG của Nga nhìn chung có ý nghĩa đặc biệt do có mối quan hệ hợp tác lâu dài trong lĩnh vực này. Công ty Total Energy của Pháp vẫn giữ cổ phần tại nhà sản xuất khí đốt tự nhiên Novatek và cổ phần trong dự án Yamal LNG, đồng thời chưa chấm dứt hợp đồng cung cấp LNG từ dự án này. Đáng chú ý hầu hết LNG của Nga đều đến từ Yamal LNG”.
Ông Yushkov giải thích, tại sao LNG của Nga lại được chuyển đến Pháp, Bỉ và Tây Ban Nha?
Thứ nhất, vì đây là những quốc gia ven biển. “Không phải tất cả LNG của Nga đến cảng Pháp, Bỉ và Tây Ban Nha đều được tái hóa khí và sau đó đến thị trường châu Âu. Một phần LNG được nạp lại tại các cảng sau đó được phân phối rộng rãi trên khắp thế giới, bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ”, ông Yushkov nói.
Thứ hai, ngay cả sau khi Nga tái hóa khí LNG tại các cảng của Bỉ, Pháp và Tây Ban Nha, lượng khí này không nhất thiết phải tiêu thụ ở các quốc gia đó mà có thể đi qua các đường ống dẫn khí đốt để tiến sâu vào lục địa đến các nước khác.
“Bỉ chấp nhận mua khối lượng lớn LNG của cả Nga và không phải của Nga, nhưng sau khi tái chế, phần lớn sẽ được gửi tiếp sang Đức. Do đó, Đức là khách hàng mua LNG có nguồn gốc từ Nga. Nhưng vì số LNG đi qua Bỉ nên số liệu thống kê của EU cho thấy chúng là nguồn cung cấp cho Bỉ”, vị chuyên gia lưu ý.
Tuy nhiên, theo ông Yushkov, một lý do khác khiến các nước châu Âu đang tăng nguồn cung LNG của Nga là do LNG của Mỹ đang ngày càng di chuyển sang thị trường châu Á, qua đó “giải phóng” không gian thị trường cho LNG của Nga. Lý do này đúng đối với Tây Ban Nha, quốc gia mà đường ống của Nga chưa bao giờ vươn tới, nên nước này đã sử dụng LNG từ trước và ngay lập tức cảm nhận được sự rời bỏ LNG của Mỹ sang châu Á. Ngoài ra, Tây Ban Nha cũng thường xuyên gặp vấn đề với nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống từ Algeria.
Thứ ba, từ quan điểm kinh tế, việc mua LNG của Nga phù hợp với tất cả khách hàng vì mang lại lợi nhuận và thuận tiện cho các bên. Đối với dự án Yamal LNG, việc vận chuyển khí đốt đến châu Âu sẽ có lợi hơn khi giá ở châu Á xấp xỉ ở châu Âu. Bởi vì khoảng cách vận chuyển ngắn hơn.
Theo ông Yushkov, nếu EU đưa ra lệnh cấm đối với LNG của Nga, điều này một lần nữa sẽ làm phát sinh thêm chi phí cho tất cả các bên. Đồng thời, châu Âu sẽ phải mua LNG của Mỹ hoặc Qatar thay vì LNG của Nga, do đó các bên sẽ phải cạnh tranh với thị trường châu Á và sẽ trở thành yếu tố đẩy giá xăng trên thị trường châu Âu tăng cao.
Cơ quan Hợp tác Điều tiết Năng lượng châu Âu (ACER) cho biết, EU vẫn cần nhập khẩu LNG của Nga, bất chấp sự phản đối của một số quốc gia trong khối. Nga hiện đứng thứ hai về nguồn cung cấp LNG cho châu Âu, đứng sau Mỹ, trong khi Qatar chỉ giữ vị trí thứ ba. ACER khẳng định, EU vẫn khó tìm được sự cân bằng giữa an ninh năng lượng và mong muốn trừng phạt vào tài chính của Nga. Theo ACER, việc giảm nhập khẩu LNG của Nga cần được thực hiện một cách thận trọng, đặc biệt là trong bối cảnh hợp đồng trung chuyển khí đốt Nga qua đường ống dẫn khí ở Ukraine sắp hết hạn vào cuối năm 2024. |