Tấm lòng

08/04/2021 - 23:38
(Bankviet.com) Ông cụ ôm lấy cánh tay chị mãi, nhìn theo đến khi chị vào tận trong cửa ngân hàng rồi mới lên chiếc xe đạp lách cách từng vòng chậm chạp...

Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Lê Thị Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội). 

Tôi ló đầu ra khỏi chiếc chăn mỏng, đưa mắt về phía ô cửa kính. Mưa phùn lất phất, thời tiết ẩm ương này thật khiến người ta muốn cuộn tròn mãi trong chăn. Lăn lộn một hồi, cuối cùng cũng đành nhấc người lên. Phải mau chóng ăn sáng rồi còn đưa mẹ đi làm một cái thẻ ngân hàng. Mẹ muốn tự mình nộp tiền điện nước mà không phiền đến con gái. Tôi muốn gửi tiền về cho mẹ cũng thuận tiện hơn, không cần gửi nhờ qua chị Diệp hàng xóm nữa.

Tôi và mẹ cùng trùm chiếc áo mưa mỏng, vừa đi vừa nói chuyện, dăm ba câu đã tới cái ngân hàng to nhất huyện. Ngân hàng mới được sơn sửa lại, lẫn trong mùi mưa, mùi nồng nồng của nước sơn vẫn phảng phất. Tôi và mẹ nhanh nhẹn bước vào, lấy số rồi tìm chỗ ngồi chờ. Mấy hàng ghế chờ vừa dài vừa rộng thế mà đã gần chật kín.

Tôi ngẩn người ngồi nhìn những chị giao dịch viên mặc sơ mi trắng thẳng thớm, cổ thắt nơ đỏ sẫm, tay áo xắn những đường nếp phẳng phiu. Tiếng nói chuyện rầm rì nho nhỏ của mọi người, tiếng giấy bút loẹt xoẹt, tiếng bàn phím lách tách liên tục. Ở quê ai cũng ôm niềm ao ước con mình có thể làm trong ngành ngân hàng, nói đến ngân hàng là hãnh diện và sung sướng lắm.

Vừa ngồi đợi, mẹ vừa thì thầm kể cho tôi chuyện nhà bà Thìn bán bò, chuyện bác tôi mở một tiệm tạp hóa nhỏ, lại cả chuyện nhỏ em tôi ở nhà nhác học ra sao. Tiếng rầm rì chợt lặng đi, rồi lại rộ lên. Ngoài kia, một ông cụ chạc 70 tuổi đang loay hoay dựng chiếc xe đạp không có chân chống. Chiếc xe cũ kĩ đến thương, những vết hoen gỉ chạy dài, giỏ xe móp và mất hẳn một góc. Chú bảo vệ thấy thế vội chạy ra giúp cụ dựng chiếc xe dựa vào tường. Ông cụ tháo chiếc áo tơi mỏng tang và cái nón lá rách tả tơi để vào giỏ xe, vừa chậm chạp vừa khó nhọc bước lên mấy bậc thềm. Có người bảo cụ lấy số rồi chờ, thấy cụ loay hoay chẳng biết, anh thanh niên ngồi gần đó hỏi cụ vài câu rồi dõng dạc:

- Ông cứ ngồi xuống đây, để con giúp ông lấy số.

Cụ ông có vẻ mệt, thở nặng nhọc rồi gật gật đầu cười hiền.

Sáng thứ hai mà đông quá, tôi và mẹ chờ đến sốt ruột. Mẹ cứ mong sao cho nhanh đến lượt để về cơm nước, chuẩn bị cho tôi còn lên thành phố. Công việc quay cuồng, tôi chẳng thể xin nghỉ thêm ngày thứ ba. Kim đồng hồ nhích đến mười hai giờ kém hai mươi thì cũng tới lượt hai mẹ con. Nhưng nhìn ông cụ ngồi im lặng ở góc, chốc chốc mới khẽ hỏi anh ngồi cạnh “sắp tới lượt tôi chưa?”, tôi lại không đành lòng để ông cụ chờ đến chiều. Tôi ngỏ ý muốn nhường lượt của mình cho ông, mẹ tôi và chị giao dịch viên đều đồng ý.

Ông cụ chậm rãi ngồi xuống ghế đối diện, cẩn thận lôi từ trong túi áo ra một tờ giấy với chiếc chứng minh thư bọc kĩ trong chiếc túi bóng đưa cho chị giao dịch viên. Chị giao dịch viên đọc đi đọc lại rồi ái ngại lắc đầu trả lại tờ giấy cho ông cụ:

- Đây không phải sổ tiết kiệm của bên cháu.

Ông lão nhận lại tờ giấy, đôi mắt lo lắng nhìn kỹ lại một lượt, lại đưa tờ giấy cho chị giao dịch viên

- Cô xem kỹ lại giúp tôi.

Chị giao dịch viên ân cần hỏi ông cụ:

- Tờ giấy này ai đưa cho ông ạ?

- Có cái cậu, cậu ấy đến nhà tôi, bảo là người của ngân hàng đang đi làm chương trình giúp đỡ những hộ dân khó khăn, hỏi thăm người ta biết được nhà tôi chỉ có hai ông cháu. Cậu ấy hỏi tôi có muốn gửi tiền tiết kiệm không, lãi suất cao lắm. Tôi đưa cho cậu ấy một triệu bảy, tiền tôi nhanh nhặt bìa hộp với bán mấy con gà. Cậu ấy biên cho tôi tờ giấy này đây, có cả chữ ký rõ ràng, rồi lại đưa tôi năm mươi nghìn tiền lãi trước của tháng đấy. Thằng Tí mấy nay cứ ậm ừ chuyện gì chẳng nói. Chị Hoa hàng xóm nói tôi mới biết lớp nó còn mấy đứa quá hạn rồi mà còn nợ tiền học. Chắc nó sợ tôi lại khổ sở đi vay khất người ta tiền, chẳng dám xin.

Giọng ông cụ run run, vừa nói vừa nhìn chị giao dịch viên như mong chị nhớ ra gì đó.

Mọi người ái ngại nhìn nhau nhưng không ai lên tiếng, ai cũng biết cụ bị cái quân đốn mạt ấy nó lừa rồi. Chị giao dịch viên cũng chẳng dám nói ra cái sự thật ấy, chỉ nhắc đi nhắc lại “Đây không phải giấy của bên cháu đâu ông ạ”. Ông cụ hình như nhận ra điều gì ấy. Ông cầm lại tờ giấy, gấp gọn, bọc kĩ trong lớp giấy bóng rồi lại nhét lại vào túi. Đôi mắt mờ đục của ông cụ cụp hẳn xuống, những nếp nhăn trên khuôn mặt dường như khắc khổ hơn. Ông lủi thủi lê từng bước chân về phía chiếc xe đạp cà tàng. Ánh mắt mọi người trân trân về phía ông cụ. Chị giao dịch viên tay chân cứ luống cuống như người vừa mắc lỗi. Chị như muốn nói gì lại thôi.

Ông cụ bước thấp bước cao dắt mãi mới chiếc xe ra gần tới cổng. Chị giao dịch viên bỗng đứng phắt dậy, chị lúi húi tìm trong chiếc túi xách, lôi ra một tờ hai trăm nghìn. Rồi chẳng ai bảo ai, mấy chị khác ai cũng lúi húi theo. Người một trăm, người hai trăm, mọi người nhao nhao, “Đủ chưa? Đủ một triệu bảy chưa?”. Lại có mấy cô mấy bác, người hai chục người năm chục, mẹ tôi cũng chạy lại nhét vào tay chị giao dịch viên tờ một trăm, được hai triệu không trăm ba mươi nghìn. Chị vội vàng sắp gọn xấp tiền trên tay, định chạy ra thì có tiếng của chị giao dịch viên khác gọi với:

- Bảo ông cụ đấy là tiền gửi với tiền lãi, tìm thấy giấy gửi của ông cụ rồi.

Chị gật gật đầu cười hiền xoe.

Tôi thấy ông cụ cứ chắp tay lại, rồi lại kéo vạt áo nâu rách tươm lên lau nước mắt. Ông cụ ôm lấy cánh tay chị mãi, nhìn theo đến khi chị vào tận trong cửa ngân hàng rồi mới lên chiếc xe đạp lách cách từng vòng chậm chạp.

Chị giao dịch viên bước qua chỗ tôi, chiếc bảng tên “Nguyễn Thị Minh Hà” sáng lấp lánh. Nhìn nụ cười nhẹ nhõm của chị và mấy đồng nghiệp, câu nói của thầy dạy Văn ùa về trong tôi "Nghề không phải chỉ là cái cho con cái ăn cái mặc. Nghề cần con hết lòng yêu thương nó, đồng hành cùng nó bằng cả tấm lòng. Có thế con mới sáng hân hoan đi, tối phấn khởi về. Cuộc đời con không cần ngày nào cũng nặng trĩu tâm tư, đầu óc mòng mòng với câu hỏi "Bao giờ mới tới ngày nghỉ hưu?"".

LÊ THỊ HÒA

Theo Tạp chí Thị Trường Tài Chính Tiền Tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ