Tận dụng lợi thế từ EVFTA, xuất khẩu thủy sản có cơ hội phục hồi

24/11/2023 - 02:10
(Bankviet.com) Nhờ các cam kết của Hiệp định EVFTA, thuỷ sản Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế để tiếp cận thị trường EU trong thời gian tới.
Xuất khẩu thủy sản “tấn công” vào các thị trường ngách Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc trở lại cuộc đua kim ngạch

Thị trường dần phục hồi

Năm 2023, trước những biến động từ thế giới và nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, nhiều thị trường lớn đã giảm nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều quốc gia trong khối EU vẫn được coi là thị trường ổn định khi xuất khẩu tôm, cá tra liên tục ghi nhận tăng trưởng dương trong nhiều tháng. Điển hình như tại thị trường Đức, số liệu thống kê của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)- cho thấy, nửa đầu tháng 10/2023, xuất khẩu cá tra sang Đức đạt kim ngạch gần 2 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến 15/10/2023, quốc gia châu Âu này tiêu thụ hơn 30 triệu USD cá tra Việt Nam, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2022.

Hay như thị trường Ba Lan, từ đầu năm đến nay trong khi xuất khẩu của Philippines sang thị trường Ba Lan giảm liên tục thì xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam lại đang khởi sắc. Trong số các sản phẩm cá ngừ xuất sang thị trường này, cá ngừ đóng hộp chiếm tỉ trọng lớn nhất hơn 83% và so với cùng kỳ, nhóm sản phẩm này tăng mạnh 211%. Tính lũy kế 10 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này vẫn tăng 1%, đạt hơn 143 triệu USD. Trong khi đó, với thị trường Italy, trong tháng 10/2023, xuất khẩu cá ngừ đã tăng 30 lần. Và với tốc độ tăng trưởng này, Italy đã vươn lên trở thành thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong khối EU.

Tận dụng lợi thế từ EVFTA, xuất khẩu thủy sản có cơ hội phục hồi
Tận dụng lợi thế Hiệp định EVFTA, đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang EU

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, nhu cầu về thủy sản Việt Nam tại EU dần tăng trở lại do thời điểm chuẩn bị cho mùa lễ hội cuối năm. EU kỳ vọng sẽ là điểm sáng xuất khẩu những tháng cuối năm nay khi được đánh giá là có nền kinh tế ổn định hơn so với các thị trường trọng điểm khác.

Theo các chuyên gia thủy sản, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8/2020 đã mang lại nhiều ưu đãi, tạo thêm sức cạnh tranh cho hàng thủy sản của Việt Nam và là cơ hội để các doanh nghiệp Việt xuất khẩu trực tiếp vào thị trường châu Âu.

Bên cạnh đó, việc đoàn kiểm tra của EU vào Việt Nam làm việc đã đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện các biện pháp giải trừ thẻ vàng IUU. Đồng thời, EU cũng đã nghiên cứu chương trình phát triển thuỷ hải sản của Việt Nam và đưa ra nhiều khuyến nghị nhằm giám sát việc đánh bắt và nuôi trồng thuỷ hải sản. Điều này sẽ giúp Việt Nam có thể nhanh chóng gỡ thẻ vàng thủy sản, từ đó gia tăng xuất khẩu vào thị trừng này.

Xây dựng chuỗi sản xuất để tận dụng lợi thế

Mặc dù, nhờ các cam kết của Hiệp định EVFTA, thuỷ sản Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế để tiếp cận thị trường EU trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện nay, các yêu cầu đối với mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang EU ngày càng trở nên nghiêm ngặt hơn. Đáng lưu ý, đó là số lượng quy định và yêu cầu ngày càng tăng xuất phát từ phản ứng của Ủy ban châu Âu đối với việc dán nhãn sai và gian lận, các tác động môi trường.

Theo đó, hiện tại EU đã quy định thêm một số nội dung như: Chứng nhận an toàn thực phẩm; Chứng nhận tuân thủ xã hội (các siêu thị ở châu Âu thường yêu cầu nhà cung cấp của họ phải chứng nhận về tuân thủ xã hội bởi một bên thứ ba, chứng nhận này chủ yếu liên quan đến các cơ sở chế biến). Chương trình công nhận tuân thủ xã hội được chấp nhận rộng rãi nhất là tiêu chuẩn SA8000 (SAI) và sáng kiến tuân thủ xã hội của doanh nghiệp (BSCI). Ngoài ra còn có Chứng nhận bền vững.

Bà Vũ Thị Ngọc Diệp - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan khuyến nghị các doanh nghiệp cần tăng cường rà soát các chương trình quản lý chất lượng an toàn thực phẩm theo hệ thống quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (HACCP). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động thiết lập chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu đáp ứng quy định của các thị trường, như: Thiết lập điều kiện cơ sở sản xuất ban đầu, tiêu chuẩn nguyên liệu; kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, sơ chế nguyên liệu, bán thành phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm; định kỳ hoặc đột xuất giám sát, kiểm tra việc thực hiện các quy định về sử dụng hóa chất kháng sinh của những cơ sở cung cấp nguyên liệu, kiên quyết từ chối thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác IUU.

Liên quan đến việc tận dụng cơ hội xuất khẩu vào thị trường EU, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam khuyến nghị, thời gian tới, các doanh nghiệp phải tăng cường các sản phẩm thế mạnh như sản phẩm hữu cơ, bền vững, giá trị gia tăng; có biện pháp bán hàng và thanh toán phù hợp; đồng thời, tận dụng triệt để các lợi thế từ Hiệp định EVFTA để nâng sức cạnh tranh để xuất khẩu vào thị trường này. Đồng thời, cần tích cực tham gia vào các hội chợ, triển lãm quốc tế chuyên ngành, đặc biệt tại Pháp, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha để tăng cường quảng bá sản phẩm, mở rộng giao thương với các đối tác nhập khẩu tại thị trường châu Âu.

Hà Linh

Theo: Báo Công Thương