Tăng cường áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng

23/02/2021 - 04:29
(Bankviet.com) Ngày 18/2/2021, Ngân hàng Nhà nước có công văn số 1007/NHNN-TTGSNH yêu cầu các ngân hàng tăng cường áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.

Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải tổ chức quán triệt đến các cán bộ quy định của Bộ luật hình sự 2015 và 2017 để ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi nhận hối lộ liên quan đến hành vi cấp tín dụng và các hoạt động kinh doanh tiền tệ, ngân hàng khác. Chủ động đề cao cảnh giác, phòng, chống tham nhũng, vi phạm pháp luật trong tổ chức, đơn vị.

Các ngân hàng phải thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 07/CT-NHNN về tăng cường phòng chống ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng cũng như một số văn bản chỉ đạo khác của Thống đốc. Đặc biệt chú trọng công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngân hàng. Đồng thời, các ngân hàng cần tăng cường công tác đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ, nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng, quản lý và kiểm soát rủi ro. Vận động cán bộ, nhân viên tích cức tham gia phòng, chống, ngăn ngừa, phát hiện, tố giác vi phạm pháp luật góp phần bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng.

Các ngân hàng cần thường xuyên rà soát, hoàn thiện, sửa đổi, bổ ung hoặc ban hành mới các quy định, quy trình, chính sách nội bộ phù hợp với quy định pháp luật và diễn biến tình hình, thủ đoạn tội phạm trong ngành ngân hàng, đặc biệt các quy định, quy trình kiểm soát về cho vay.

Các cán bộ nhân viên ngân hàng phải thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, quy định, chính sách nội bộ về thẩm định cho vay, thẩm định tài sản bảo đảm… Khi thẩm định tài sản bảo đảm, cần xác định rõ hiện trạng tài sản và hồ sơ pháp lý. Đồng thời, cán bộ thẩm định của ngân hàng phải giải thích, hướng dẫn cho người dân, khách hàng về quyền và nghĩa vụ khi ký hợp đồng thế chấp tài sản, đảm bảo quyền lợi các bên liên quan, hạn chế rủi ro cho ngân hàng.

Ngân hàng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật để có sự hỗ trợ kịp thời nhằm hạn chế tối đa tổn thất.

Trong trường hợp có khó khăn, vướng mắc, các ngân hàng đề xuất, kiến nghị NHNN các biện pháp xử lý.

Thống đốc yêu cầu Chủ tịch HĐQT, HĐTV, Tổng giám đốc các ngân hàng tổ chức thực hiện các chỉ đạo nói trên, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật. Ban Kiểm soát, Bộ phận kiểm toán nội bộ của ngân hàng có trách nhiệm giám sát việc thực hiện.

Bùi Trang

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)

Theo: