UBND TP Hà Nội cho phép thành lập Hiệp hội Logistics Hà Nội Công bố 10 sự kiện Logistics Việt Nam năm 2023 Cơ hội lớn để doanh nghiệp logistics tìm lại đơn hàng, phục hồi kinh doanh |
Thị trường logistics Hà Nội có quy mô lớn
Ngày 6/1, Hiệp hội Logistics Hà Nội (HNLA) tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2023 và Lễ kỷ niệm một năm thành lập HNLA.
Năm 2023 là một năm có nhiều thách thức cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành logistics nói riêng. Trước tình hình đó, Hiệp hội Logistics Hà Nội đã thích ứng, chủ động trong các hoạt động của mình, tập trung vào gắn kết hội viên trong Hiệp hội, kết nối Hiệp hội với các đối tác trong và ngoài ngành để tạo thêm các cơ hội kinh doanh và chia sẻ các kinh nghiệm vượt qua khó khăn thách thức cho hội viên.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị |
Đáng chú ý, Hiệp hội đã tham gia đóng góp vào xây dựng chính sách, quy hoạch về logistics, đặc biệt, góp ý cho Dự thảo kế hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn Hà Nội năm 2023; phối hợp Sở Công Thương Hà Nội tổ chức Hội thảo “Logistics thúc đẩy liên kết ngành và nâng cao chuỗi giá trị”; tổ chức 01 buổi làm việc với cơ quan Hải quan với nội dung “Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn” nhằm hỗ trợ Hội viên Hiệp hội Logistics Hà Nội trong quá trình thực hiện dịch vụ liên quan đến thủ tục hải quan…
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Đức Nghĩa, Hiệp hội Logistics Hà Nội cho biết, trong bối cảnh thị trường logistics nhiều khó khăn, sụt giảm sản lượng, Hiệp hội xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tạo ra các cơ hội kết nối để thúc đẩy giao thương, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm giữa hội viên của Hiệp hội với các bên liên quan. Hiệp hội đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, kết nối đa chiều với cơ quan quản lý Nhà nước, với các hiệp hội logistics, hiệp hội ngành hàng khác và các đối tác nước ngoài.
Theo ông Trần Đức Nghĩa, Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị của miền Bắc và của cả nước. Về công nghiệp, Hà Nội hiện có 9 khu công nghiệp đang hoạt động, hơn 100 cụm công nghiệp đã và đang hình thành.
Về thương mại, Hà Nội có gần 150 siêu thị, 454 chợ và hơn 10.000 cửa hàng tiện ích đang hàng ngày phục vụ nhu cầu của khoảng 8 triệu cư dân đô thị. Những con số này thể hiện hoạt động logistics đang diễn ra tại Hà Nội với một mức độ vượt trội so với các địa phương khác ở khu vực phía Bắc và trong toàn quốc.
Hà Nội cũng là trung tâm giao thông vận tải của cả nước với khoảng 40% lưu lượng hàng hóa luân chuyển qua địa bàn là của các địa phương khác thông qua 4/5 phương thức vận tải. Thực tế này thể hiện những chính sách về logistics trên địa bàn Hà Nội sẽ tác động, ảnh hưởng đến chi phí logistics quốc gia.
Bối cảnh kinh tế của Hà Nội là cơ hội đồng thời cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp logistics Hà Nội. “Hoạt động trong một thị trường logistics có quy mô lớn, xếp thứ hai sau TP. Hồ Chí Minh mang lại nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp logistics của Hà Nội phát triển, thúc đẩy sự phát triển của ngành cũng như của Hiệp hội Logistics Hà Nội” - ông Trần Đức Nghĩa nói.
Ứng biến linh hoạt, chuẩn bị các giải pháp dài hơi hơn
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, Hiệp hội Logistics Hà Nội vừa ra đời đã trải qua một năm hết sức khó khăn, bởi năm 2023, nền kinh tế nói chung, cũng như các hoạt động sản xuất, tiêu dùng, thương mại, xuất nhập khẩu và hoạt động logistics gặp rất nhiều thách thức.
Phiên thảo luận mở tại Hội nghị tổng kết năm 2023 của Hiệp hội Logistics Hà Nội |
Thậm chí, năm 2023 còn được đánh giá là năm khó khăn chưa từng có và khó khăn hơn nhiều so với giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Trong tình hình như vậy, các doanh nghiệp, Hiệp hội đã có nhiều cố gắng, duy trì tinh thần vượt khó và đón nhận, chờ đợi thêm các cơ hội từ năm 2024.
Tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng, bối cảnh năm 2024 có thể vẫn tiềm ẩn những thách thức nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn có những động lực tạo đà tăng trưởng cho năm 2024 và các năm tiếp theo.
Cụ thể, việc Fed tạm ngừng tăng lãi suất, chính sách của Fed ổn định sẽ giúp cho nền kinh tế Hoa Kỳ phục hồi, đồng thời cũng sẽ tác động tích cực đến các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có sự tăng trưởng trong năm 2023 và vẫn tiếp tục duy trì sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển trong các năm tiếp theo. Các chính sách tiền tệ, như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ có khả năng tiếp tục được áp dụng trong năm 2024, giảm bớt khó khăn và tạo đà phục hồi cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với ngành logistics, năm 2024 có thể chứng kiến sự đứt gãy của hoạt động vận tải biển quốc tế do những căng thẳng chính trị, ít nhất là trong giai đoạn đầu năm. Đây là thách thức rất lớn cho cả doanh nghiệp logistics cũng như các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam và cần các doanh nghiệp có sự ứng biến linh hoạt, đồng thời có các động thái chuẩn bị các giải pháp dài hơi hơn.
Hiệp hội Logistics Hà Nội xác định năm 2024 sẽ tiếp tục phát huy vai trò tích cực trong đóng góp ý kiến về chính sách tác động đến hoạt động của ngành, các vấn đề về quy hoạch logistics trên địa bản Thủ đô; củng cố mối quan hệ hợp tác sâu rộng với các đối tác mà Hiệp hội đã thiết lập trong năm 2023.
Bên cạnh đó, mở rộng kết nối với các Hiệp hội ngành nghề khác theo chiều sâu và mở rộng kết nối với các đối tác logistics nước ngoài bao gồm các thị trường quan trọng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, châu Âu…..
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn của Thủ tướng (Ban IV) cho rằng, ngành logistics như hàn thử biểu của nền kinh tế, bởi các chỉ số tương đồng với tổng thể các chỉ số của nền kinh tế.
Bà Thủy đề nghị HNLA tiếp tục nâng cao vai trò của Hiệp hội (kết nối, cung cấp thông tin, kiến nghị chính sách) để vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt; hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu và thích ứng với chuyển đổi xanh; xác định trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp năm 2024, tập trung vào giải quyết các khó khăn mà doanh nghiệp đã bộc lộ…
Quỳnh Nga