Tăng gần 5 lần kể từ đầu năm, chuyện gì đang diễn ra với cổ phiếu Khoáng sản Bắc Kạn?

20/02/2025 - 16:15
(Bankviet.com) Cổ phiếu khoáng sản điều chỉnh mạnh phiên 19/2 khi KSV, HGM giảm sàn và MSR mất 11,5%, ngược lại, BKC tiếp tục tăng trần phiên thứ 17 liên tiếp, nâng giá lên 70.200 đồng/cp, gấp gần 5 lần từ đầu năm...

Sau chuỗi ngày tăng nóng, nhóm cổ phiếu khoáng sản trên sàn chứng khoán đang có xu hướng điều chỉnh mạnh. Phiên giao dịch ngày 19/2 tiếp tục chứng kiến sự lao dốc của nhiều mã trong nhóm này. Cổ phiếu KSV của Tổng công ty Khoáng sản TKV (Vimico) và HGM của Công ty CP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang đồng loạt giảm sàn trong tình trạng "trắng bên mua". Cùng chiều, cổ phiếu MSR của Masan High-Tech Materials cũng giảm sâu 11,5%, lùi về mức 20.000 đồng/cp.

Tuy nhiên, trong khi hầu hết cổ phiếu khoáng sản điều chỉnh, BKC của Khoáng sản Bắc Kạn (HNX) lại đi ngược xu hướng khi tiếp tục tăng trần. Đây đã là phiên tăng trần thứ 17 liên tiếp của mã này, trong đó có tới 16 phiên liên tục từ ngày 21/1. Nhờ đà tăng mạnh mẽ, giá cổ phiếu BKC đã gấp gần 5 lần kể từ đầu năm, từ 14.300 đồng/cp lên mức 70.200 đồng/cp.

Tăng gần 5 lần kể từ đầu năm, chuyện gì đang diễn ra với cổ phiếu Khoáng sản Bắc Kạn?
Khoáng sản Bắc Kạn được thành lập vào tháng 4/2000 và từng là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước

Khoáng sản Bắc Kạn được thành lập vào tháng 4/2000 và từng là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Đến tháng 4/2006, công ty được cổ phần hóa với vốn Nhà nước chiếm 51%. Sau đó, vào năm 2009, cổ phiếu BKC chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Không lâu sau khi niêm yết, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thoái toàn bộ vốn khỏi doanh nghiệp.

Hiện tại, BKC tập trung khai thác và chế biến khoáng sản, chủ yếu là quặng chì và kẽm, tại tỉnh Bắc Kạn và một số địa phương lân cận. Giá cổ phiếu BKC và nhiều doanh nghiệp khoáng sản khác tăng mạnh từ đầu tháng 2/2025 sau khi Trung Quốc tuyên bố hạn chế xuất khẩu một số khoáng sản quan trọng sang Mỹ. Động thái này được coi là hành động "đáp trả" các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn mà Mỹ áp dụng trước đó.

Trước biến động mạnh của giá cổ phiếu, Khoáng sản Bắc Kạn đã có văn bản giải trình với cơ quan quản lý. Doanh nghiệp cho biết, đà tăng trần liên tiếp của BKC từ ngày 21/1 đến 5/2 chủ yếu đến từ kết quả kinh doanh khả quan. Theo báo cáo tài chính quý 4/2024, doanh thu thuần của công ty tăng 32% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức tăng đột biến 1.528%. Kết quả tích cực này đến từ việc thị trường tinh quặng kẽm duy trì đà tăng trưởng ổn định, cùng với đó công ty cũng đẩy mạnh bán ra lượng tồn kho trong kỳ.

BKC nhấn mạnh, các yếu tố nội tại từ hoạt động sản xuất kinh doanh đã góp phần tạo nên xu hướng tích cực của giá cổ phiếu trên thị trường. Đồng thời, doanh nghiệp khẳng định không có bất kỳ tác động nào can thiệp trực tiếp vào biến động giá cổ phiếu, mà mọi diễn biến đều phản ánh cung cầu khách quan của thị trường chứng khoán.

Tính chung cả năm 2024, BKC ghi nhận doanh thu thuần 567 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế cũng tăng gần 10 lần, đạt 66 tỷ đồng – mức cao nhất kể từ khi công ty đi vào hoạt động. Kết quả kinh doanh tích cực này chính là động lực chính thúc đẩy giá cổ phiếu BKC tăng mạnh trong thời gian qua.

Tăng gần 5 lần kể từ đầu năm, chuyện gì đang diễn ra với cổ phiếu Khoáng sản Bắc Kạn?
Kết quả kinh doanh của BKC các năm gần đây (Nguồn: Trung tâm dữ liệu Kinhtechungkhoan.vn)

Cổ phiếu Khoáng sản Bắc Kạn (BKC) khai xuân “tưng bừng”

Cổ phiếu BKC của Khoáng sản Bắc Kạn đang trở thành hiện tượng trên sàn chứng khoán khi tăng trần 12 phiên liên tiếp, đưa ...

Khoáng sản TKV (KSV) hưởng lợi từ cơn sốt đất hiếm, cổ phiếu bùng nổ trên sàn chứng khoán

Cổ phiếu KSV của Vimico tăng 570% chỉ sau 2,5 tháng, thiết lập đỉnh mới trên 310.000 đồng. Động lực đến từ cơn sốt khoáng ...

Áp lực bán nội bộ khiến cổ phiếu KSV "chất sàn", thổi bay 6.000 tỷ đồng vốn hóa trong một phiên

Sau chuỗi tăng mạnh, cổ phiếu KSV giảm sàn xuống 269.600 đồng/cp, vốn hóa Vimico giảm còn 54.000 tỷ đồng. Được biêt, hai Ủy viên ...

Nguyên Nam

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán