2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Singapore tăng mạnh Từ đầu năm đến ngày 15/3, cán cân thương mại thặng dư 6,2 tỷ USD Thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư Việt Nam - Canada lên tầm cao mới Bộ trưởng Phát triển kinh tế, Thương mại quốc tế và Xúc tiến xuất khẩu Canada thăm và làm việc với EVNHCMC |
Thương vụ Việt Nam tại Canada dẫn số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam cho biết, xuất khẩu năm 2023 của Việt Nam sang thị trường Canada đạt trên 5,6 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Còn theo số liệu sở tại vừa công bố ngày 8/2/2024, tính cả năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 9,82 tỷ USD vào địa bàn (giảm nhẹ 0,4% so với năm 2022). Sự khác biệt rõ rệt này là do Canada tính cả luồng trung chuyển nhập khẩu qua Hoa Kỳ vào Canada. Nếu tính theo số liệu sở tại, Canada hiện là thị trường xuất khẩu quan trọng, lớn thứ 7 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan và Hồng Kông (Trung Quốc)).
Thông quan xuất khẩu hàng hóa tại cảng. Ảnh: Đức Duy/Vietnam+ |
Mặc dù theo số liệu tại địa bàn (nguồn của Cơ quan thống kê Canada), xuất khẩu của Việt Nam có giảm nhẹ so với năm 2022. Tuy nhiên, cần lưu ý là nếu tính theo đồng nội tệ (CAD), giá trị xuất khẩu năm 2023 của Việt Nam sang địa bàn vẫn đạt tới 13,26 tỷ CAD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Sự khác biệt về tốc độ tăng trưởng ghi nhận theo 2 ngoại tệ cho thấy đồng đôla Canada có sự mất giá so với đồng đôla Mỹ; cũng như cho thấy nhu cầu của Canada đối với các mặt hàng từ Việt Nam vẫn khá ổn định.
Trong bối cảnh nền kinh tế Canada suy thoái, xuất khẩu của Việt Nam vào Canada trong năm 2023 giảm nhẹ 0,4% cũng nằm trong xu thế giảm nhập khẩu chung của Canada (giảm 2,3%). Canada cũng giảm nhập khẩu từ hầu hết các quốc gia xuất khẩu chủ yếu trong ASEAN như: Indonesia (-6,7%), Malaysia (-19,2%), Thái Lan (-9,9%). Trong các nước ASEAN, Việt Nam tiếp tục là đối tác nhập khẩu quan trọng nhất của Canada, chiếm 44% tổng kim ngạch Canada nhập khẩu từ khu vực. Trong Top 10 đối tác thương mại hàng đầu của Canada, Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí đối tác nhập khẩu lớn thứ 7 của Canada.
Tính từ đầu năm 2024 đến cuối tháng 2/2024, theo số liệu của Cơ quan thống kê Canada, Top 2 nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada vẫn giữ được mức tăng trưởng dương: điện tử, điện thoại di động tăng 11,6%; lò phản ứng nồi hơi tăng 63,9%). Một số mặt hàng khác vẫn ghi nhận tăng trưởng tốt như: túi xách (3,9%), ô tô phụ tùng (59%), tàu thuỷ (218%), đồng và sản phẩm từ đồng (16,9%).
Tuy nhiên, nhiều mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác của Việt Nam ghi nhận mức suy giảm như: quần áo dệt kim giảm 4,4%, quần áo không dệt kim giảm 19%, da giày giảm 13,4%; đồ gỗ nội thất giảm 18,7%, đồ chơi giảm 14,3%; sản phẩm nhựa giảm 8,8%; cao su và các sản phẩm từ cao su giảm 2,7%; các sản phẩm từ sắt thép giảm 29%; các loại hạt và quả hạch giảm 3,5%; các sản phẩm thuỷ sản chế biến giảm 28,2% so với cùng kỳ năm trước. Một số sản phẩm có mức sụt giảm rất mạnh so với năm 2022, như: thuỷ sản giảm 41,4%; các sản phẩm từ nhôm giảm 45,8%; sắt thép giảm 76,8%.
Về nhập khẩu, theo số liệu của Việt Nam ghi nhận, trong năm 2023 Canada đã xuất khẩu được 620 triệu USD vào Việt Nam (giảm 12,7% so với cùng kỳ năm 2022). Ngược lại, số liệu của địa bàn cho thấy, trong năm 2023, Canada chỉ xuất khẩu được 550 triệu USD, ghi nhận xu hướng giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2022. Nhập khẩu của Việt Nam từ Canada giảm hầu hết trong các lĩnh vực mặt hàng là nguyên liệu đầu vào công nghiệp và một số mặt hàng nông sản thế mạnh của Canada (trừ hạt có dầu), cùng chung xu thế giảm của chỉ số sản xuất công nghiệp, chỉ số PMI và tiêu dùng trong nước. Các và máy thiết bị, linh kiện điện tử của Canada vào Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng dương.
Đặc biệt, sau khi Việt Nam gỡ bỏ những hạn chế liên quan đến cỏ kế đồng trong ngũ cốc nhập khẩu từ Canada (áp dụng từ 1/11/2023), xuất khẩu ngũ cốc của Canada vào Việt Nam đã tăng 850% (đạt 76 triệu USD). Mặc dù, có sự khác biệt với số liệu giữa hai nước, xu hướng thặng dư lớn của Việt Nam với Canada sẽ vẫn được duy trì (theo số liệu địa bàn, tính cả năm 2023, Việt Nam đã ghi nhận thặng dư lên tới 9,25 tỷ USD); và là nước Canada có mức thâm hụt lớn thứ 4 (Canada thâm hụt nhiều nhất lần lượt với Trung Quốc, Mexico, Đức và Việt Nam).
Cần tận dụng tốt hơn các ưu đãi từ CPTPP
Bà Mary Ng - Bộ trưởng Phát triển kinh tế, thương mại và xúc tiến xuất khẩu Canada - cho biết, kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, thương mại hai chiều Việt Nam và Canada đã tăng trưởng 170%, đưa quan hệ hợp tác thương mại giữa 2 nước trở thành ngôi sao sáng trong khối CPTPP. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của cả 2 nước và sẽ tiếp tục được phát huy trong thời gian tới để đạt thêm nhiều thành công mới.
Bà Mary Ng Cũng cho biết, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada tại khu vực ASEAN đồng thời bày tỏ mong muốn nhân rộng mô hình thành công này ra cả khu vực. Kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh và có quy mô ngày càng lớn. Việt Nam sẽ là cánh cửa quan trọng để Canada mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực.
Theo các chuyên gia, Canada hiện là thị trường xuất khẩu tiềm năng và còn là thị trường cửa ngõ để tiếp cận thị trường Bắc Mỹ. Bên cạnh những thuận lợi, thị trường Canada cũng có những thách thức đặt ra với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo đó, bên cạnh các thách thức về yêu cầu về tiêu chuẩn phát triển bền vững, cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa xảy ra ngày càng quyết liệt thì khoảng cách địa lý, chi phí quảng bá thâm nhập thị trường cao, chi phí vận chuyển và logistics cao cũng khiến giá xuất khẩu của các doanh nghiệp tỉnh Bình Định khó cạnh tranh so với các nước láng giềng trong khu vực châu Mỹ.
Bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Canada - chia sẻ, nếu như vào năm 2013 giá trị thương mại giữa hai nước mới chỉ đạt 2,5 tỷ USD thì đến nay đã đạt mức 10 tỷ USD. Trong đó, có tới trên 9 tỷ USD là kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Canada.
Tuy nhiên, đáng chú ý là trong số này mới chỉ có 18% sử dụng C/O CPTPP, còn lại hơn 80% vẫn sử dụng C/O MFN (cơ chế thuế tối huệ quốc) và GPT (chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập), trong khi tới tháng 12/2024, cơ chế ưu đãi cho GPT sẽ không còn hiệu lực.
Bà Trần Thu Quỳnh ước tính, có khoảng 4 tỷ USD hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Canada không khai thác được lợi ích từ Hiệp định CPTPP. Điều này đồng nghĩa với việc hàng hóa Việt Nam đang bị đắt hơn so với các đối thủ cạnh tranh tại thị trường này.
Do đó, bà Trần Thu Quỳnh khuyến nghị các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa tới việc khai thác CPTPP và đáp ứng các quy tắc xuất xứ để nâng cao lợi thế cạnh tranh cho hàng Việt Nam tại Canada, qua đó gia tăng kim ngạch xuất khẩu tại thị trường này.
Nguyễn Hạnh