Xung đột ở Ukraine thời gian qua đã nêu bật tầm quan trọng của an ninh và ổn định năng lượng. Đồng thời, những báo cáo mới nhất từ Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu thuộc Liên Hiệp Quốc (IPCC) là lời cảnh báo đáng lo ngại rằng nhiều khả năng tình trạng nóng lên của trái đất sẽ chạm ngưỡng 1,5°C đâu đó trong khoảng thập niên 2030.
Khi phải đối mặt với khủng hoảng kép, an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu cùng lúc, chúng ta sẽ hành xử theo bản năng là bắt tay vào xử lý mối họa ngay trước mắt trước. Có cách nào khả thi để vừa bớt phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ và khí đốt của Nga mà không cần đầu tư mở rộng công suất nhiệt điện dùng nguyên liệu hóa thạch ở nơi khác? Làm sao chúng ta có thể đạt được cả hai mục đích đó mà không đi ngược với lời kêu gọi không phát triển thêm cơ sở dự trữ dầu mỏ và khí đốt do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa ra vào năm 2021 hướng đến mục tiêu cân bằng phát thải vào giữa thế kỷ này?.
Hình minh họa - Nguồn: Internet |
Chúng ta đang bước vào một giai đoạn hoàn toàn mới với sự thay đổi tư duy đột ngột của các quốc gia về tình hình ổn định năng lượng trong bối cảnh thế giới đang có cuộc chuyển dịch năng lượng kéo dài nhiều thập kỷ và không kém phần cấp bách.
Ngay cả trước khi xảy ra xung đột, chúng ta đã quan sát thấy một “sự dịch chuyển không đồng bộ”. Tốc độ phát triển năng lượng tái tạo không theo kịp nhu cầu giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than đá, trong một thập kỷ mà công suất phát điện cần tăng 40% để đáp ứng nhu cầu. Thách thức giờ đây còn khó khăn gấp bội.
Có hai điểm không thể tranh cãi rút ra sau cuộc khủng hoảng hiện tại:
Một là, chúng ta cần nhanh chóng tăng tốc quá trình dịch chuyển năng lượng, khai mở nguồn vốn toàn cầu cho sản xuất và dự trữ năng lượng sạch, đẩy mạnh sử dụng điện trong các hoạt động, sử dụng năng lượng hiệu quả; hai là chúng ta cần xây dựng và nắm rõ nữa vai trò của nhiên liệu hóa thạch trong quá trình chuyển dịch.
Hai là, liên quan đến độ tập trung phát thải các-bon của các nguồn nhiên liệu hóa thạch và những nhà sản xuất khác nhau, sự tiến bộ của các công nghệ loại bỏ các-bon cũng như giải quyết các vẫn đề còn chưa rõ ràng – giữa những gì tạo nên dầu mỏ và khí đốt mới với đầu tư bảo trì nhằm tối đa hóa sản lượng dự trữ hiện tại.
Ngành tài chính sẽ đóng vai trò quan trọng trong cả hai định hướng trên và sẽ cần hợp tác với chính phủ, các ngành và giới khoa học để có được những kết quả phù hợp.
Cải cách hệ thống tài chính hướng đến chuyển dịch năng lượng
Sự ra đời của Liên minh Tài chính Glasgow cho Cân bằng Phát thải (Glasgow Financial Alliance for Net Zero - GFANZ) năm ngoái là một thay đổi chấn động cho ngành tài chính. GFANZ gồm 100 ngân hàng có cam kết “tới 2050 đạt cân bằng phát thải” và đặt mục tiêu có căn cứ khoa học tới năm 2030 cân bằng phát thải của khách hàng họ tài trợ vốn.
Tài chính có lẽ là một trong những ngành cạnh tranh nhất trên thế giới nhưng trong trường hợp này tinh thần hợp tác là không thể phủ nhận: ngân hàng nào cũng đều phải đối mặt rủi ro mang tính hệ thống giống nhau và chúng ta cùng phục vụ một cộng đồng khách hàng cần chuyển dịch.
Giờ đây, tất cả ngân hàng đều phải thay đổi từ trong cốt lõi cách đưa ra quyết định kinh doanh và phát triển thêm kỹ năng mới. “Phát thải liên quan tài trợ vốn” là chỉ số mới chúng ta cần giảm bớt và điều quan trọng là cần xem xét kế hoạch chuyển dịch của khách hàng trong các cuộc trao đổi cũng như trước khi đưa ra quyết định.
Không quá ngạc nhiên khi vấn đề gai góc liên quan đến tài trợ các dự án nhiên liệu hóa thạch trở thành tâm điểm chú ý khi các bên liên quan mong muốn nhìn thấy bằng chứng chứng thực cho những cam kết cân bằng phát thải của các ngân hàng. Mà chủ đề này lại khó rạch ròi trắng đen được. Một số công ty dầu mỏ và khí đốt đang tìm cách tập trung kỹ năng và thế mạnh thị trường của mình để trở thành các doanh nghiệp năng lượng tích hợp nhằm đóng vai trò quan trọng trong cuộc chuyển dịch.
Chúng ta cần nhớ rằng IEA đã nhận định tới năm 2050 thì hệ thống năng lượng cân bằng phát thải vẫn còn sản xuất dầu (hiện đang chiếm 25%) và khí đốt (đang chiếm 50%). Cuộc chuyển dịch này sẽ cần đầu tư bảo trì: theo IEA, đầu tư khai thác dầu mỏ và khí đốt sẽ cần trung bình 350 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2021-2030, tương đương với mức của năm 2020, rồi giảm một nửa từ sau năm 2030. Mặc dù vậy, cả IEA và IPCC đều vạch ra một lằn ranh đỏ rất rõ ràng về việc không được dữ trữ thêm dầu mỏ và khí đốt mới cũng như ngừng khai thác than đá thì thế giới mới đạt được mục tiêu cân bằng phát thải vào năm 2050.
Tháng 3 vừa qua, HSBC đã đưa ra cam kết rất rõ ràng về việc dần dần ngưng tài trợ các dự án nhiên liệu hóa thạch để đáp ứng yêu cầu giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5°C. Cam kết này bao gồm chính sách dần ngưng tài trợ các dự án nhiệt than ở châu Âu và các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tới năm 2030 và trên toàn thế giới vào năm 2040 cũng như chính sách chuyển dịch năng lượng rộng hơn sẽ được đưa ra vào cuối năm nay. Cam kết cũng được thể hiện qua các mục tiêu phát thải liên quan tài trợ vốn ngắn hạn của HSBC và nỗ lực đồng hành cùng mọi khách hàng lớn trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt cũng như lĩnh vực điện và tiện ích trên hành trình chuyển dịch của họ trong vòng một hoặc hai năm tới và nhiều năm tiếp theo sau đó.
Dự án Sáng kiến Mục tiêu Dựa trên Khoa học (Science Based Targets Initiative - SBTi) gần đây đã công bố báo cáo “Nền tảng cân bằng phát thải cho các tổ chức tài chính”, trong đó bao gồm hướng dẫn cho các tổ chức tài chính cách giải quyết vấn đề tài trợ nhiên liệu hóa thạch trong bối cảnh cần đạt mục tiêu cân bằng phát thải. SBTi khuyến nghị các tổ chức tài chính cần làm việc với các công ty nhiên liệu hóa thạch để đề ra mục tiêu cân bằng phát thải cũng như kế hoạch hành động và coi đó là ưu tiên của các tổ chức tài chính để thay đổi mức phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp nhiên liệu hóa thạch, khuyến nghị thoái vốn đầu tư khỏi các công ty không có khả năng và không có ý định giảm phát thải các-bon.
Định hướng của HSB là: sẽ đánh lại giá khả năng tiếp tục tài trợ vốn cho khách hàng nếu họ chưa lên kế hoạch chuyển dịch hoặc đã có nhưng sau nhiều lần trao đổi thì kế hoạch đó không phù hợp với hành trình hướng đến mục tiêu 1,5°C của thế giới.
Khai mở nguồn vốn đầu tư nghìn tỷ USD mỗi năm cho chuyển dịch năng lượng
HSBC có sự hiện diện rộng khắp và hơn 150 năm kinh nghiệm tại châu Á, một khu vực đóng vai trò quyết định đối với khả năng đạt mục tiêu cân bằng phát thải đúng thời hạn của cả thế giới. Tại đây, chi phí chuyển dịch hệ thống năng lượng sang cân bằng phát thải vào năm 2050 ước tính ở mức 37 nghìn tỷ USD trong giai đoạn 2020-2050.
Tuy nhiên, sự thật đáng buồn là đầu tư vào chuyển dịch năng lượng diễn ra chưa đủ nhanh ở châu Á hay bất cứ đâu trên thế giới. Mục tiêu của HSBC, thông qua GFANZ và nhiều tổ chức khác, là thay đổi tình trạng đầu tư vào tài sản xanh hiện còn thấp. Có ba nguyên tắc quan trọng trong việc đó là:
Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại có thể thúc đẩy hoạch định chính sách tích cực và đồng bộ hơn nhằm loại bỏ rủi ro cho đầu tư vào năng lượng tái tạo và năng lượng sạch nói chung, dù đó là định giá các-bon thống nhất trên phạm vi rộng, đấu giá dài hạn với đối tác đáng tin cậy hay sự cân bằng thống nhất và tạo điền kiện thuận lợi trong cơ chế hỗ trợ giá cố định, trợ giá và các ưu đãi về giá khác.
Chúng ta phải tháo gỡ khó khăn cho một loạt dự án đầu tư bền vững. Nhà đầu tư thường khó xác định một dự án thực sự “xanh” hay không, tiêu chuẩn công bố thông tin thường còn yếu và không thống nhất giữa các cơ quan quản lý. Nếu phù hợp, tài chính công có thể loại bỏ rủi ro cho các dự án nhằm thu hút thêm đầu tư tư nhân, hay còn gọi là “tài chính phối hợp”, dù đó là cung cấp đảm bảo tiến độ hay tiếp nhận phần lỗ đầu tiên.
Thông qua GFANZ, chúng ta có thể xây dựng các mối quan hệ hợp tác mới để giúp vượt qua các vấn đề này. Chúng ta cần giải pháp mới sáng tạo để không chỉ thúc đẩy đầu tư vào hạ tầng sạch mà còn nhằm sớm ngưng sử dụng các cơ sở than đá còn lại.
Các cơ quan chức năng có thể áp quy định an toàn vốn vào chương trình cân bằng phát thải từ đó giải quyết những rủi ro hệ thống trong ngành này. Những rủi ro gắn với chuyển dịch của các cơ sở phát thải nhiều các-bon hay còn gọi là “tài sản nâu” được khoanh vùng trong các đợt đánh giá khả năng chống chịu rủi ro khí hậu cần được xem xét song song với rủi ro về đầu tư còn thấp vào các dự án “xanh” (như triển khai năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch hoặc hạ tầng điện ứng dụng). Những thu xếp về vốn hiện tại không cho phép các tổ chức tài chính sắp xếp bảng cân đối để hỗ trợ các công nghệ khí hậu mới và cần thiết hoặc tài trợ vốn dự án quy mô lớn, thời hạn dài cần thiết cho việc xây dựng hạ tầng, phương tiện vận chuyển và năng lượng sạch, công bằng và bền vững cũng như các hệ thống công nghiệp trong tương lai.
Hệ thống tài chính đang bắt đầu có những thay đổi từ trong cốt lõi hướng đến chuyển dịch năng lượng chắc chắn giúp ích nhiều trong việc tăng khả năng đạt được mục tiêu cân bằng phát thải kịp thời. Dù mới trong giai đoạn sơ khai và còn nhiều việc cần làm đòi hỏi tinh thần hợp tác cao giữa các ngân hàng, khách hàng, nhà đầu tư và chắc chắn là cả các cơ quan chức năng cũng như giới khoa học. Rõ ràng, thông lệ cũ đã thay đổi: thế giới tài chính giờ đây hiểu rõ ngành này phải đứng ở vị trí trung tâm trong cuộc chuyển dịch sang cân bằng phát thải.
(*) Giám đốc Toàn cầu về Phát triển bền vững, Tập đoàn HSBC
TS. Celine Herweijer (*)