Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2024 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tính đến thời điểm 24/6, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,45%, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ tăng 3,83%.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, đã có thêm 603.000 tỷ đồng được bơm thêm ra nền kinh tế. Trong đó, riêng quý II, số tiền được đẩy thêm ra nền kinh tế là 422.000 tỷ đồng, cao hơn đáng kể so với quý I, báo hiệu tín dụng đã tăng tốc.
Trước đó, Chứng khoán ngân hàng Quân đội (MBS) cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến 20/6 đã đạt 4,17%. Còn theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng tính đến ngày 14/6 đã tăng 3,79%. Theo con số này, có thể ước tính rằng chỉ trong 10 ngày (từ 14 đến 24/6), dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm 89.500 tỷ đồng, hay 0,66%.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện dần qua các tháng, doanh số tín dụng mà các tổ chức tín dụng đã cung ứng ra nền kinh tế trong gần 6 tháng đầu năm 2024 cao hơn hơn doanh số của cùng kỳ 3 năm trước. Tuy nhiên, tại một số địa phương tăng trưởng tín dụng còn thấp; có những tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, thậm chí tăng trưởng âm. Điều đó cho thấy, về tổng thể cầu tín dụng trong nước chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, nhiều ngành sản xuất, dịch vụ là các động lực truyền thống của nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định, một bộ phận khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi, chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, cùng với sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người dân.
Trong năm 2024, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 5 - 6% nửa đầu năm, cả năm đạt 15 - 16%. Đây được đánh giá là một mục tiêu khó khăn trong bối cảnh khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn rất yếu. Tuy nhiên, nỗ lực của ngành ngân hàng đang dần có kết quả khi ở thời điểm hiện tại, lần đầu tiên tín dụng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến thời điểm 24/6, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,45% |
Cũng theo Báo cáo của Tổng Cục Thống kê, tính đến thời điểm 24/6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,5% so với cuối năm 2023 (cùng thời điểm năm trước tăng 3,68%). Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ; đồng thời chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Tại thời điểm tháng 4/2024, lãi suất tiền gửi bình quân bằng đồng Việt Nam của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 1,9% - 2,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,8% - 5,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 6% - 6,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,9% -7,4%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,3% - 9,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng đồng Việt Nam đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,6%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (4%/năm). Tín dụng tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống và tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng xu hướng mới như tín dụng xanh, đồng hành cùng quá trình thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050…
Tỷ giá trung tâm được điều hành linh hoạt, phù hợp, đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đến ngày 25/6, tỷ giá trung tâm ở mức 24,253 VND/USD, tăng 1,62% so với thời điểm cuối năm 2023.
Ngân hàng Nhà nước dự báo tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm tăng trưởng khả quan. Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm theo yêu cầu của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 nhằm bảo đảm hiệu lực thi hành luật từ ngày 1/7. Đồng thời, tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng doanh nghiệp.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, các chương trình, chính sách tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội; chương trình cho vay 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản sẽ được quyết liệt đẩy mạnh.