Theo EVN, dự án này có công suất 250MW tại tỉnh Bolikhamsai của Lào, sẽ đi vào vận hành vào quý 4-2025.
Để nhập điện gió từ nhà máy này về Việt Nam, phương án đấu nối được đề xuất là xây mới đường dây 220kV mạch kép từ trạm biến áp 220kV nhà máy điện gió Trường Sơn, với chiều dài 75km đấu nối vào ngăn lộ 220kV tại trạm biến áp 220kV Đô Lương (Nghệ An - Việt Nam).
Chủ đầu tư cam kết giá 6,95 UScents/kWh
Để có cơ sở thẩm định, trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt chủ trương nhập điện theo đề nghị của EVN, Bộ Công Thương đề nghị các bộ ngành cho ý kiến đề xuất với việc nhập khẩu điện từ dự án này.
Trước đó, tờ trình của EVN nêu rõ tập đoàn này nhận được văn bản của chủ đầu tư - Công ty CP Đầu tư và Phát triển năng lượng Việt Lào, đề xuất bán điện từ dự án này cho Việt Nam.
Đường dây 220kv Nậm Mô- Tương Dương phục vụ mua điện từ Lào về Việt Nam (Ảnh minh họa) |
Giá điện được chủ đầu tư cam kết là áp dụng theo quy định tại văn bản số 397/TTg-QHQT ngày 01/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, với mức giá trần nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam cho loại hình nhà máy điện gió là 6,95 US cents/kWh (gần 1.700 đồng/kWh theo thời giá hiện tại) và chỉ áp dụng đối với các nhà máy điện vận hành thương mại trước ngày 31/12/2025. Do vậy trong trường hợp toàn bộ Dự án hoặc một phần Dự án điện gió Trường Sơn vào vận hành thương mại sau ngày 31/12/2025, giá điện của phần dự án vào vận hành thương mại sau ngày 31/12/2025 sẽ phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
So sánh giữa giá trần điện gió nhập khẩu từ Lào với các nguồn điện gió và các nguồn nhiệt điện trong nước cho thấy: So với các nguồn điện gió được áp dụng theo cơ chế giá tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 (điện gió trong đất liền giá 8,5 UScents/kWh, điện gió trên biển giá 9,8 UScents/kWh), các nguồn điện gió nhập khẩu từ Lào có giá thành cạnh tranh hơn rất nhiều so với các nguồn điện gió trong nước đã được công nhận ngày vận hành thương mại trước ngày 01/11/2021.
Nếu so với các nguồn điện gió thuộc đối tượng chuyển tiếp được áp dụng theo cơ chế giá tại Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023, giá trần của khung giá phát điện áp dụng cho các dự án điện gió trong đất liền là 1.587,12 đồng/kWh (tương đương 6,42 UScents/kWh, tỷ giá do Vietcombank công bố ngày 31/10/2023 là 24.730 đồng/USD), điện gió trên biển là 1.815,95 đồng/kWh (tương đương 7,34 UScents/kWh (theo tỷ giá 24.730 đồng/USD), giá trần điện gió nhập khẩu từ Lào hiện tại thấp hơn các dự án điện gió trên biển. Tuy nhiên khi nhập khẩu điện gió từ Lào, phía Việt Nam sẽ giảm được nguồn vốn cần đầu tư ban đầu cũng như không phải có các giải pháp giảm thiểu tác động môi trường xã hội trong nước đối với địa điểm dự án.
Để đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án năm 2025, chủ đầu tư đề xuất thực hiện đầu tư toàn bộ công trình đấu nối lưới điện phục vụ đấu nối nhà máy điện gió Trường Sơn vào hệ thống điện Việt Nam bằng nguồn vốn của dự án.
Theo EVN, biên bản ghi nhớ giữa Chính phủ hai nước Lào và Việt Nam đưa ra quy mô công suất nhập khẩu tối thiểu điện từ Lào về Việt Nam đến năm 2020 khoảng 1.000MW, đến năm 2025 khoảng 3.000MW và đến năm 2030 khoảng 5.000MW.
Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 10-2023, Thủ tướng đã thông qua chủ trương nhập khẩu từ các nguồn điện tại Lào với tổng công suất 2.689MW.
Trong đó, EVN đã ký kết 19 hợp đồng mua bán điện (PPA) để mua điện từ 26 nhà máy điện của Lào với tổng công suất 2.240MW. Bao gồm 7 dự án đã vận hành thương mại với tổng công suất là 806MW và dự kiến đến năm 2025 có thể đưa vào vận hành thêm 1.171MW.
EVN đề nghị bổ sung thêm quy hoạch các đường dây để thực hiện đấu nối
Có 6 nhà máy thủy điện với công suất 449MW, có 4 nhà máy đã được EVN giao cho Công ty Mua bán điện (EPTC) đàm phán PPA, còn lại 2 nhà máy là Nậm Kông 1 (160MW) và Nậm Mouan (100MW), chủ đầu tư đã có văn bản gửi EVN thông báo không tiếp tục bán điện.
Đối với các dự án vận hành sau năm 2025, việc tiếp tục triển khai sẽ phụ thuộc rất lớn vào cơ chế, chính sách và giá điện nhập khẩu sau năm 2025.
Như vậy, đến nay tổng công suất nguồn điện tại Lào đã được phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện về Việt Nam có thể đưa vào vận hành đến năm 2025 chỉ khoảng 1.977MW, thấp hơn nhiều so với quy mô nhập khẩu theo biên bản ghi nhớ.
Vì vậy, EVN kiến nghị Bộ Công Thương thẩm định và trình Thủ tướng chủ trương nhập khẩu điện từ nhà máy điện gió Trường Sơn, bổ sung thêm quy hoạch các đường dây để thực hiện đấu nối, cũng như hướng dẫn cơ chế giá điện nhập khẩu và hợp đồng nhập khẩu theo đúng quy định.
TBA 220kV Tương Dương hoàn thành đầu tư giữa năm 2022 để phục vụ cho dự án mua điện từ Lào về Việt Nam (Ảnh: Thu Hường) |
Ngoài dự án trên, EVN cũng đang làm việc với Công ty Impact Energy Asia Development Limited (IEAD) để nhập khẩu điện từ dự án điện gió Monsoon có công suất 600MW. Việc mua điện từ dự án này được triển khai theo biên bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào.
Tháng 9-2023, EVN đã tổ chức lễ triển khai thi công xây dựng công trình "Đường dây 500kV Monsoon - Thạnh Mỹ" (đoạn qua lãnh thổ Việt Nam) với tổng mức đầu tư là 1.100 tỉ đồng. Đường dây này sẽ nối từ cụm nhà máy điện gió Monsoon (Lào) đến trạm biến áp 500kV Thạnh Mỹ, giúp tăng khả năng vận hành hệ thống điện quốc gia thông qua nhập khẩu điện từ Lào.
Thu Hường