Tập đoàn tỷ đô từ Trung Quốc bắt tay "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn mở loạt cửa hàng miễn thuế

01/04/2024 - 00:05
(Bankviet.com) Tập đoàn Du lịch Trung Quốc (China Toursism Group - CTG), Tập đoàn Miễn thuế Trung Quốc (China Duty Free - CDF, thành viên của CTG) và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc mở 3 cửa hàng miễn thuế.

Trong ngày 27 đến 30/3/2024, đại diện cấp cao của Tập đoàn Du lịch Trung Quốc (China Tourism Group - CTG) và Tập đoàn Miễn thuế Trung Quốc (China Duty Free - CDF, thành viên của CTG) đã đến Việt Nam để tiến hành các cuộc làm việc. CTG là một doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc và được quản lý trực tiếp bởi chính phủ Trung Quốc với vốn hóa hơn 24,6 tỷ USD. Trong khi đó, CDF là một trong những tập đoàn kinh doanh hàng miễn thuế lớn nhất tại Trung Quốc với doanh thu đạt 9,3 tỷ USD và lợi nhuận ròng đạt 939,4 triệu USD vào năm 2023.

Sau khi tiến hành các cuộc khảo sát và làm việc với UBND thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang (Khánh Hòa) và Móng Cái (Quảng Ninh), CDF cùng Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc mở 3 cửa hàng miễn thuế tại 3 địa phương này.

Tập đoàn tỷ đô từ Trung Quốc bắt tay
Ban lãnh đạo Tập đoàn IPPG, Tập đoàn CTG, Tập đoàn CDF tại trụ sở Tập doàn IPPG

Theo tìm hiểu, Tập đoàn IPPG của ''ông vua hàng hiệu'' Jonathan Hạnh Nguyễn hiện đang chiếm khoảng 70% thị trường hàng hiệu quốc tế phân phối trong nước và vẫn đang mở rộng kinh doanh đầu tư thêm nhiều lĩnh vực khác.

Đại diện Tập đoàn IPPG cho biết, với thế mạnh 138 thương hiệu và hơn 1.200 cửa hàng trên toàn quốc, đơn vị này sẵn sàng đầu tư hệ thống cửa hàng miễn thuế nội đô đẳng cấp chuyên nghiệp để thu hút và phục vụ mua sắm cho du khách. Song song, Việt Nam sẽ đón cơ hội quảng bá sản phẩm địa phương ra thị trường toàn cầu, nâng cao giá trị sản phẩm và thúc đẩy ngành du lịch, cũng như tăng cường hoạt động thương mại và các dịch vụ kèm theo như khách sạn, nhà hàng, thương mại và vận chuyển.

Cụ thể, trong năm 2024, dự kiến cửa hàng miễn thuế tại Bắc Luân, cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), sẽ mở cửa và dự kiến sẽ thu hút thêm 10 triệu khách du lịch từ Trung Quốc. Tại Nha Trang (Khánh Hòa), cửa hàng miễn thuế nội đô sẽ được đầu tư và dự kiến mở cửa đầu năm 2025, sẵn sàng phục vụ khoảng 12 triệu khách du lịch quốc tế, trong đó có 50% khách từ Trung Quốc, sau khi các cửa hàng miễn thuế đi vào hoạt động. Tại TP. Hồ Chí Minh, dự kiến cũng sẽ mở cửa hàng miễn thuế nội đô ở trung tâm quận 1 để phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách.

Ông Jonathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch IPPG cho rằng, sự hợp tác giữa hai tập đoàn này sẽ mang lại cơ hội tăng trưởng thương mại du lịch đáng kể cho Việt Nam, mở ra tiềm năng phát triển thị trường du lịch mua sắm tại đất nước này.

Theo ông Jonathan Hạnh Nguyễn, 3 trung tâm thương mại miễn thuế được mở tại 3 điểm đến hàng đầu sẽ thu hút khoảng 25 triệu khách du lịch từ Trung Quốc đến Việt Nam mỗi năm. Đây đều là khách hàng cao cấp, có chi tiêu lớn, giúp điều chỉnh cơ cấu và nâng cao chất lượng của nguồn khách du lịch từ thị trường này.

Trước đó vào tháng 2/2024, IPPG đã hợp tác với sân bay Changi - một trong những sân bay hàng đầu thế giới được Skytrax bình chọn với hơn 670 giải thưởng về chất lượng dịch vụ, trải nghiệm của hành khách và tiêu chuẩn an toàn - nhằm phát triển sân bay Cam Ranh thành một mô hình sân bay quốc tế chuẩn 5 sao. Với sự hợp tác này, ông Jonathan Hạnh Nguyễn kỳ vọng rằng việc liên kết giữa hai tập đoàn sẽ đem lại sự đột phá trong tăng trưởng thương mại du lịch cho Việt Nam.

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, nhận định rằng sự hợp tác này sẽ mở ra những cơ hội quan trọng cho sự phát triển của ngành công nghiệp du lịch "không khói" tại Việt Nam. Đặc biệt, nếu các cơ sở mua sắm miễn thuế được đầu tư và vận hành hiệu quả, chúng sẽ đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy kinh tế du lịch, thu hút ngoại tệ và tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới.

Cửa hàng miễn thuế - một thị trường “màu mỡ”

Thị trường du lịch mua sắm là một phân khúc quan trọng trong ngành du lịch, tập trung vào cung cấp các sản phẩm và dịch vụ mua sắm cho du khách, bao gồm đồ lưu niệm, quần áo, trang sức, mỹ phẩm, thiết bị điện tử, đồ gia dụng và nhiều mặt hàng khác, thông qua các mô hình như cửa hàng mua sắm miễn thuế nội đô, trung tâm bán hàng giảm giá, công viên giải trí, chợ truyền thống và các nơi khác.

Cửa hàng mua sắm miễn thuế nội đô (Downtown Duty Free) là một mô hình kinh doanh phổ biến ở các thành phố lớn. Tại thủ đô Hàn Quốc - Seoul, ngành này mang về doanh số 16 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, mô hình trung tâm bán hàng giảm giá (Premium Outlet) và các công viên giải trí thu hút không chỉ khách quốc tế mà còn khách trong nước, kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng với các sản phẩm cao cấp được giảm giá từ 50 đến 80%.

Ở Mỹ, Hồng Kông và Nhật Bản, sức hấp dẫn của Premium Outlet và các công viên giải trí như Disneyland đã giúp các thị trường du lịch này tăng trưởng với hàng trăm triệu du khách mỗi năm.

Gia đình tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn sắp nhận hơn 60 tỷ đồng cổ tức từ Sasco

Nắm giữ hơn triệu cổ phiếu SAS, nhóm cổ đông liên quan đến Chủ tịch HĐQT Sasco, ông Johnathan Hạnh Nguyễn dự kiến sẽ nhận ...

Công ty IPPG: Đề xuất đầu tư nhiều hạng mục tại dự án sân bay Long Thành

Mới đây, Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về ...

Lãi ròng quý I/2024 ước tăng 32%, khoản nợ 1,1 tỷ USD còn "nan giải" cho Đèo Cả (HHV)

Để trả nợ cho năm 2023, HHV phải chi ra tổng cộng 1.161 tỷ đồng chi phí lãi vay, tăng mạnh so với con số ...

Tuấn Khải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán