Techcombank, MB, VPBank,... có thể tiếp tục được nới thêm room tín dụng trong năm nay

05/08/2021 - 15:24
(Bankviet.com) "Chúng tôi dự báo tín dụng toàn ngành sẽ tăng lên mức 12,5% trong năm 2021 và 14% năm 2022. Các ngân hàng với hệ số an toàn vốn (CAR) tốt và nền tảng khách hàng mạnh như Techcombank, MB, VPBank,… có thể sẽ được phân bổ hạn mức tín dụng cao hơn", theo các chuyên gia của MBKE.

Trong báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng mới công bố, Chứng khoán Maybank Kim Eng cho biết các ngân hàng quy mô lớn với nền tảng khách hàng vững chắc đều ghi nhận tăng trưởng tín dụng mạnh và đã sử dụng hết hạn mức tín dụng được phân bổ cho cả năm 2021 trong tháng 3.

Tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cấp thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng này. Cụ thể, TPBank được nới thêm gần 6 điểm % lên 17,4%; Techcombank nới hơn 5 điểm % lên 17,1%, MSB lên 16%,...

MBKE tin rằng để hỗ trợ kinh tế tăng trưởng mạnh hơn, NHNN cần phải thúc đẩy tăng trưởng tín dụng kể từ quý IV/2021. Do đó, nhóm phân tích kỳ vọng NHNN có thể sẽ phân bổ thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng, giống năm 2020 khi NHNN đã nới hạn mức tín dụng 2 lần.

"Chúng tôi dự báo tín dụng toàn ngành sẽ tăng lên mức 12,5% trong năm 2021 và 14% năm 2022. Các ngân hàng với hệ số an toàn vốn (CAR) tốt và nền tảng khách hàng mạnh như Techcombank, MB, VPBank,… có thể sẽ được phân bổ hạn mức tín dụng cao hơn", theo các chuyên gia của MBKE.

Các ngân hàng quốc doanh có thể được nâng hạn mức khi dịch bệnh được kiểm soát

MBKE cũng cho rằng kết quả kinh doanh các ngân hàng quốc doanh và ngân hàng hoạt động dưới sự quản lý của NHNN đã gây bất ngờ cho thị trường khi một số ngân hàng ghi nhận lợi nhuận quý II giảm đáng kể (như VietinBank, Vietcombank và MB) và một số kết quả tốt hơn so với kế hoạch đặt ra (như BIDV).

Theo quan điểm của MBKE, các con số ghi nhận của các ngân hàng quốc doanh tuy không ấn tượng, nhưng cũng không đáng lo ngại. Các ngân hàng này đang thể hiện sự tuân thủ theo lời kêu gọi của NHNN về việc điều chỉnh giảm lợi nhuận, từ đó cho phép họ nhận được hạn mức tín dụng tốt hơn.

"Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt trong quý III, chúng tôi tin rằng các ngân hàng này sẽ có thể giải phóng nguồn vốn và chắc chắn rằng sẽ cho thấy lợi nhuận phục hồi mạnh mẽ trong quý IV và năm 2022", nhóm phân tích nhận định.

Bên cạnh đó, MBKE cũng tỏ ra không bi quan về tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng chỉ với việc cắt giảm lãi suất cho vay và ước tính tác động của việc này lên NIM là có thể kiểm soát được.

Theo quan điểm của các chuyên, NIM năm 2021 có thể sẽ được duy trì ở mức không thấp hơn 2020.

Ngoài ra, nhóm cũng không cho rằng sẽ có cú sốc về phí suất tín dụng do tỷ lệ nợ xấu hiện tại đang ở mức thấp, bộ đệm dự phòng rủi ro hiện đã cao hơn nhiều, và được hỗ trợ thêm bởi chính sách về giãn nợ và trích lập dự phòng.

Dự báo trong năm 2021, MBKE ước tính tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng có thể đạt 37% trong kịch bản lạc quan, 33% trong kịch bản cơ sở (đã điều chỉnh) và 25% trong kịch bản bi quan. Trong đó, đại dịch COVID-19 kéo dài là nhân tố chính dẫn đến kịch bản bi quan.

Lưu Lâm

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán