Tháng 3, gần 18.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, cao gấp 3 lần tháng liền kề

10/03/2023 - 23:25
(Bankviet.com) Theo VBMA, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán trong tháng 3 là 17.700 tỷ đồng, cao gấp hơn 3 lần so với tháng 2.
Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán trong tháng 3 là 17.700 tỷ đồng
Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán trong tháng 3 là 17.700 tỷ đồng

Cụ thể, số liệu của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, trong tuần 27/2-3/3, ngành bất động sản có giá trị trái phiếu đến hạn lớn nhất với 7.690 tỷ đồng chiếm 43%, tiếp đó ngành hàng tiêu dùng chiếm 29% giá trị đến hạn với 5.100 tỷ đồng và xây dựng 2.270 tỷ đồng, chiếm 12,8% giá trị đến hạn.

Tiếp đó, các doanh nghiệp đến hạn thanh toán trái phiếu trong tuần 6/3-13/3 là Tập đoàn Masan (3.000 tỷ đồng), Tập đoàn Sovico (600 tỷ đồng), Công ty CP Kinh doanh và Đầu tư Bình Dương (400 tỷ đồng), Chứng khoán KIS việt nam (300 tỷ đồng), Chứng khoán VNDirect (200 tỷ đồng), Bất động sản An Gia (200 tỷ đồng), Camimex (100 tỷ đồng), Chứng khoán An Bình (73 tỷ đồng).

Tuy nhiên, ngày 9/3, Tập đoàn Masan công bố đã hoàn tất thanh toán 3.000 tỷ đồng lô trái phiếu đúng hạn cho trái chủ. Đây là các trái phiếu phát hành năm 2020 và đáo hạn vào 9/3/2023. Cũng trong tháng 3 này, Masan còn 1 lô trái phiếu có giá trị phát hành 2.000 tỷ đồng đáo hạn vào ngày 30/3.

Cũng theo VBMA, trong những ngày đầu tháng 3, thị trường ghi nhận chưa có doanh nghiệp nào mua lại cũng như phát hành mới trái phiếu. Trước đó, tổng giá trị trái phiếu đã được doanh nghiệp mua lại trong tháng 2 là 5.940 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ.

Tính từ đầu năm tới nay, tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại đạt hơn 15.300 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2022. Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp đã trễ hạn thanh toán trái phiếu cho trái chủ với lý do chưa thu xếp được nguồn vốn, nhà đầu tư đang ở nước ngoài…

Về phía phát hành mới, trong tháng 1, không có lô trái phiếu nào mới được phát hành, còn trong tháng 2, chỉ có 3 đợt phát hành trái phiếu trị giá 2.000 tỷ đồng gồm: 1.500 tỷ đồng trái phiếu phát hành ra công chúng của Masan, còn lại là 500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ do Công ty CP Đầu tư Bất động sản Sơn Kim phát hành.

Trước những “nút thắt” của thị trường trái phiếu, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Trong đó, cho phép doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác; được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm hay tạm ngưng xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp;...

Theo Bộ tài chính, động thái này nhằm góp phần giải quyết vấn đề khó khăn trước mắt về thanh khoản, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp cân đối nguồn tiền phục vụ sản xuất kinh doanh và thanh toán nghĩa vụ trái phiếu đến hạn, đồng thời đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp còn dư nợ trái phiếu phải có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu, chủ động minh bạch thông tin tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp thông qua kết quả xếp hạng tín nhiệm, kiểm toán báo cáo tài chính, công bố đầy đủ thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu, tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu, có trách nhiệm thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố thông tin cho nhà đầu tư để đảm bảo uy tín trên thị trường.

Quang Đăng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán