Tháng 8/2021 sẽ dứt điểm nghẽn lệnh sàn HOSE

11/04/2021 - 23:45
(Bankviet.com) Đại diện quỹ đầu tư Dragon Capital kỳ vọng, với ý chí của các Sở cùng sự quyết liệt của Chính phủ và sự tham gia của các tập đoàn lớn, việc nghẽn lệnh trên sàn Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) sẽ được xử lý vào tháng 8/2021 và hệ thống của Hàn Quốc có thể đi vào vận hành vào quý I/2022.

Tại hội thảo trực tuyến về cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán năm 2021 vừa kết thúc cách đây không lâu, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn – Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty DCVFM (Dragon Capital Việt Nam) đã nhận định, động lực tăng trưởng mới của Việt Nam thời gian tới bên cạnh các yếu tố cũ như tăng trưởng ổn định kinh tế; quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu khiến xuất nhập khẩu và dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh; sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu thì động lực mới hiện tại là đầu tư công và mặt bằng lãi suất hiện vẫn ở mức tương đối thấp.

Theo đó, đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ dẫn dắt xu hướng thị trường, bất động sản và ngân hàng là 2 trong 3 ngành là nhóm hưởng lợi lớn nhất.

Ông Tuấn đánh giá, so với trước đây, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có độ sâu rộng về tăng trưởng tính bằng chục lần khi vốn hoá thị trường từ 40 tỷ USD (năm 2015) đã tăng lên mức 250 tỷ USD ở thời điểm hiện tại. Trên toàn thị trường hiện có 42 công ty có giá trị vốn hoá lớn hơn 1 tỷ USD (trong đó có 3 công ty có vốn hoá vượt 10 tỷ USD); thanh khoản 800 triệu USD/ngày so với hơn 100 triệu USD/ngày trước kia.

Nếu như khối ngoại đã dẫn dắt thị trường trong suốt một thập kỷ qua thì gần đây, hoạt động khối ngoại không còn ảnh hưởng quá lớn tới thị trường nữa. Minh chứng là việc từ tháng 2/2020, khối ngoại bán ròng gần 3 tỷ USD nhưng thị trường vẫn tăng trưởng rất tốt khi nhà đầu tư cá nhân đã nhập cuộc rất mạnh kể từ tháng 3/2020.

Một yếu tố nữa là việc mở tài khoản chứng khoán hiện nay đã tăng gấp đôi nhờ eKYC (mở tài khoản trực tuyến). Theo chuyên gia Dragon Capital, trong vòng 3 - 5 năm tới, dự kiến mỗi tháng sẽ có khoảng 50.00 - 70.000 tài khoản chứng khoán mở mới. Điều này được dự báo sẽ còn khiến độ rộng thị trường thay đổi mạnh mẽ.

Về hệ thống quá tải, đại diện Dragon Capital kỳ vọng với ý chí của các Sở, với sự quyết liệt của Chính phủ và sự tham gia của các tập đoàn lớn, hệ thống sẽ được xử lý vào tháng 8/2021 và hệ thống của Hàn Quốc có thể đi vào vận hành vào quý I/2022.

Cùng với việc số lượng nhà đầu tư tăng lên, hoạt động vay ký quỹ cũng sẽ tăng mạnh khi thời gian qua, dòng vốn margin gần như đang cạn dần khi thị trường chứng khoán tăng mạnh mẽ trong 1 năm trở lại đây.

Theo DC tính toán, vốn chủ sở hữu của các CTCK sẽ tăng 650 triệu USD và khoảng 30.000 tỷ đồng có thể được bơm vào thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu margin của khách hàng trong năm 2021.

Về mặt định giá, một số cổ phiếu đã tăng 50 - 70% nhưng đó là tăng từ đáy từ đợt COVID-19. Top 60 cổ phiếu lợi nhuận tăng trưởng sau thuế tăng 30%, định giá PE khoảng 12 lần, nếu xét trong khu vực chúng ta vẫn là một trong các nước định giá thấp nhất. Theo ông Tuấn, việc định giá bằng các nước trong khu vực sẽ không diễn ra nhanh chóng vì cơ sở nhà đầu tư của chúng ta không theo kịp nhưng sẽ diễn ra 3 - 5 năm tới.

Chuyên gia Dragon Capital cho rằng, đầu tư cơ sở hạ tầng, bất động sản và ngân hàng là nhóm hưởng lợi lớn nhất.

Với ngành ngân hàng, chúng ta đang chuyển hoá từ xấu sang tốt (đỏ là xấu, vàng là trung bình, xanh là tốt), chúng ta đang tốt hơn rất nhiều so với các năm trước. Ngành ngân hàng đang chiếm 28% index, 5 năm qua ngành ngân hàng đều tăng vượt index và 2021 vẫn là một năm tốt của ngành ngân hàng.

Quốc Trung T/H

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán