Chiều 10/1/2024, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phát triển thị trường châu Âu - châu Mỹ năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 và Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trao cho tập thể và các cá nhân. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tham dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Thủ đô Hà Nội kết hợp hình thức trực tuyến với các Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Âu - châu Mỹ.
Hội nghị tổng kết công tác phát triển thị trường châu Âu - châu Mỹ năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 |
Báo cáo tổng kết tại hội nghị, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ chia sẻ, năm 2023, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và các nước thị trường châu Âu - châu Mỹ chứng kiến sự sụt giảm đáng kể. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và khu vực Âu Mỹ đạt khoảng 208,3 tỷ USD giảm 9,5% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 166,5 tỷ USD giảm 9,6%, nhập khẩu ước đạt 41,8 tỷ USD giảm 9,1%. Thặng dư thương mại của Việt Nam với thị trường Âu - Mỹ dự kiến đạt gần 125 tỷ USD.
Tại khu vực châu Âu, năm 2023 tổng kim ngạch trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với các nước trong khu vực ước đạt 72,3 tỷ USD, giảm 5,3% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 53,3 tỷ USD, giảm 4,7% và nhập khẩu ước đạt gần 19 tỷ USD, giảm 6,8%. Thặng dư thương mại của Việt Nam với thị trường châu Âu trong năm 2023 ước đạt 34,3 tỷ USD.
Tại khu vực châu Mỹ, tổng kim ngạch trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với các nước châu Mỹ năm 2023 ước đạt 136 tỷ USD, giảm 11,6% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 113,2 tỷ USD, giảm 11,7% và nhập khẩu ước đạt gần 22,8 tỷ USD, giảm 11%. Thặng dư thương mại của Việt Nam với thị trường châu Mỹ trong năm 2023 ước đạt 90,4 tỷ USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Âu Mỹ là: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; điện thoại, máy tính và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may, da giầy và túi xách; gỗ và sản phẩm gỗ; thủy sản... đều chứng kiến mức sụt giảm trung bình trên 10% so với năm 2022.
Trong khi đó, xuất khẩu một số mặt hàng khác tăng trưởng tốt như: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 27% (gần 1,2 tỷ USD); sắt thép các loại tăng 23,5% (3,1 tỷ USD); phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 12,6%; và một số mặt hàng nông sản như: Gạo tăng 53,3% (65,5 triệu USD), hạt điều tăng 10,2%, hàng rau quả tăng 10,2% (609,5 triệu USD).
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và khu vực Âu Mỹ đạt khoảng 208,3 tỷ USD giảm 9,5% so với năm 2022 |
Phân tích các nguyên nhân của sự sụt giảm xuất nhập khẩu với khu vực châu Âu - châu Mỹ, ông Tạ Hoàng Linh lý giải, trước hết, với độ mở nền kinh tế lớn, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam chịu tác động trực tiếp từ sự sụt giảm của kinh tế toàn cầu từ nửa đầu năm 2023 và sự phục hồi một cách chậm chạm, không đồng đều của các nền kinh tế trên thế giới trong nửa cuối năm 2023.
Theo IMF, tốc độ tăng trưởng GDP của các đầu tầu kinh tế tại khu vực châu Âu - châu Mỹ phần lớn được dự báo tăng trưởng ở mức dưới 2,5% (ví dụ: Hoa Kỳ 2,1%, Canada 1,3%, EU 0,7%, Anh 0,5%, Nga 2,2%...) ngoại trừ các nước như: Mexico dự báo tăng 3,2%, Braxin tăng 3,1%.
Thứ hai, do nhu cầu nhập khẩu hàng hóa ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu thống kê của phía bạn 10 tháng năm 2023, EU giảm nhập khẩu từ thị trường ngoài khối gần 16%; Hoa Kỳ nhập khẩu từ thế giới giảm 6%.
Thứ ba, lạm phát tuy đã kiềm chế nhưng vẫn ở mức cao cộng thêm sức ép từ bất ổn địa chính trị, thay đổi sâu sắc hành vi và thói quen tiêu dùng tại các nước Âu Mỹ dẫn đến việc duy trì thị trường xuất khẩu khó khăn hơn.
“Lần đầu sau nhiều năm liên tục tăng trưởng cao, kim ngạch xuất khẩu với một số thị trường trọng điểm giảm mạnh như: Hoa Kỳ ước đạt 96,9 tỷ USD giảm 12,4% so với năm 2022; EU đạt 43,7 tỷ USD giảm 6,7%; các nước CPTPP ở châu Mỹ đạt 13,1 tỷ USD giảm 10,6%” - ông Tạ Hoàng Linh thông tin và cho biết thêm, cùng với sự sụt giảm xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang thị trường này đều chứng kiến mức sụt giảm khá cao.
Trong năm 2023, mặc dù tình hình trong nước và thế giới có nhiều tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu, song dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ đã phối hợp với các cơ quan hữu quan trong và ngoài nước, tích cực đưa ra nhiều giải pháp, triển khai nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp nhằm phục hồi sản xuất, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.
Các hoạt động của này đã hỗ trợ tích cực cho xuất nhập khẩu của Việt Nam không chỉ ở phương diện hỗ trợ khai thác thị trường truyền thống, mở rộng thị trường/sản phẩm mới, tiềm năng mà còn ở phương diện bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế đồng thời hạn chế tác động tiêu cực hay gỡ bỏ các rào cản thuế quan, phi thuế quan.
Đáng chú ý, theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, nhờ các giải pháp đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu, trong năm 2023 khi các thị trường truyền thống gặp khó khăn thì tốc độ tăng trưởng ở những thị trường mới, thị trường ngách rất cao. Nổi bật trong đó là kim ngạch xuất khẩu 11 tháng 2023 tăng 12,1% ở các nước khối EFTA, 12,7% ở các nước khối EAEU, 48,5% ở các nước khối Trung Á, khối Mercosur có Argentina tăng 17,9%, Brazil 9,1%, Paraguay 20,8%...
Khánh An - Cấn Dũng