Vẫn dựa nhiều vào thị trường Mỹ, doanh nghiệp thép có tiếng trên sàn được dự báo lợi nhuận giảm sâu

02/07/2025 - 19:54
(Bankviet.com) Vẫn duy trì tỷ trọng xuất khẩu cao vào Mỹ, doanh nghiệp thép lớn trên sàn đang đối mặt áp lực lợi nhuận và nhiều thách thức mới từ chính sách thuế.
Chuyển động

Vẫn dựa nhiều vào thị trường Mỹ, doanh nghiệp thép có tiếng trên sàn được dự báo lợi nhuận giảm sâu

Thu Hà 02/07/2025 11:04

Vẫn duy trì tỷ trọng xuất khẩu cao vào Mỹ, doanh nghiệp thép lớn trên sàn đang đối mặt áp lực lợi nhuận và nhiều thách thức mới từ chính sách thuế.

Theo dự báo từ NH SECURITIES VIETNAM CO., LTD (NHSV), Thép Nam Kim (NKG) sẽ khép lại quý 2/2025 với lợi nhuận sau thuế ước đạt khoảng 167 tỷ đồng, giảm khoảng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thép nam kim
Mỹ hiện vẫn chiếm khoảng 25% doanh thu của Nam Kim

NHSV nhận định nguyên nhân chính khiến lợi nhuận quý này sụt giảm so với cùng kỳ đến từ tác động kép của thuế quan xuất khẩu và chi phí đầu vào. Các thị trường trọng điểm như Mỹ và EU vẫn duy trì các biện pháp bảo hộ thương mại, hạn chế đáng kể khả năng cạnh tranh của Thép Nam Kim trên thị trường quốc tế. Trong khi đó, việc Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá tạm thời lên thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc, đây là nguyên liệu đầu vào thiết yếu, do đó đã đẩy giá vốn tăng lên đáng kể.

Ngoài ra, do mô hình kinh doanh của Thép Nam Kim là mô hình bán sỉ, để cạnh tranh được với các doanh nghiệp bán lẻ tôn mạ trong năm nay, NHSV cho rằng Thép Nam Kim có thể phải tăng chi phí chiết khấu và có chính sách ưu đãi cho khách hàng, ảnh hưởng tiêu cực tới biên lợi nhuận sau thuế.

Ngoài ra, chi phí tài chính của doanh nghiệp trong kỳ cũng sẽ gia tăng đáng kể. Việc triển khai song song hai dự án lớn là Nhà máy Chu Lai và Nam Kim Phú Mỹ khiến Nam Kim phải mở rộng vay nợ, dẫn đến áp lực lãi vay cao hơn và làm giảm phần lợi nhuận còn lại sau khi trang trải chi phí.

Thuế nhập khẩu vào Mỹ vẫn tác động mạnh đến Thép Nam Kim?

Đối với Thép Nam Kim, việc Mỹ chính thức nâng thuế nhập khẩu thép từ 25% lên 50% từ ngày 4/6/2025 vẫn để lại những tác động nhất định, dù quy mô ảnh hưởng không còn lớn như giai đoạn cao điểm xuất khẩu sang thị trường này.

Theo thống kê của Chứng khoán An Bình (ABS), Mỹ hiện vẫn chiếm khoảng 25% doanh thu của Nam Kim – tỷ trọng tương đối cao so với nhiều doanh nghiệp cùng ngành đã chủ động thu hẹp thị phần tại đây. Điều này đồng nghĩa với việc Nam Kim sẽ phải điều chỉnh lại chiến lược bán hàng, đẩy nhanh tái cơ cấu thị trường xuất khẩu và tăng tỷ trọng tiêu thụ nội địa nhằm bù đắp phần doanh thu có nguy cơ sụt giảm.

Dù trong vài năm gần đây, xuất khẩu thép Việt Nam sang Mỹ đã giảm mạnh và không còn giữ vai trò chủ lực như giai đoạn 2021–2022, song mức thuế mới 50% vẫn là một yếu tố làm gia tăng chi phí và giảm biên lợi nhuận đối với các hợp đồng tồn đọng hoặc các lô hàng chưa kịp điều chỉnh giá.

Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu ngày càng nhiều rào cản, Thép Nam Kim được dự báo sẽ phải tiếp tục gia tăng hiện diện tại các thị trường Đông Nam Á, Nam Á và thị trường nội địa – vốn đang được hưởng lợi từ đà phục hồi của bất động sản và đầu tư công trong nước.

Thu Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán

Bài liên quan