Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra thành công tốt đẹp
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa ký văn bản số 4069/TB-TTKQH thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổng kết Kỳ họp thứ 7 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV |
Về việc tổng kết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao với dự thảo Báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Tổng Thư ký Quốc hội chuẩn bị; đồng thời thống nhất đánh giá Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra thành công tốt đẹp, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn với nhiều nội dung khó, phức tạp.
Trong đó, Quốc hội đã hoàn thành nhiệm vụ lập pháp tại một kỳ họp nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay; công tác nhân sự được tiến hành dân chủ, thận trọng, đúng định hướng của Đảng, bảo đảm quy trình, thủ tục chặt chẽ theo quy định của Đảng và pháp luật, đạt được sự đồng thuận, thống nhất rất cao của các vị đại biểu Quốc hội.
Các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp được các cơ quan chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo; các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau được trao đổi, thảo luận, tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng, thấu đáo, do vậy việc biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết đạt được sự đồng thuận rất cao, trong đó, có 02 luật, 01 nghị quyết được 100% đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết thông qua
Thành công của Kỳ họp tiếp tục thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời, sát sao của Đảng; sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan liên quan; sự đoàn kết, trách nhiệm, tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội...
Bên cạnh đó, còn một số tồn tại hạn chế như: Việc hoàn thiện và gửi hồ sơ tài liệu phục vụ Kỳ họp mặc dù có nhiều tiến bộ nhưng nhiều nội dung vẫn chưa bảo đảm thời hạn theo quy định; có nội dung chưa đủ hồ sơ tài liệu; công tác phối hợp giữa một số cơ quan có lúc còn chưa kịp thời, thiếu thống nhất; một số nội dung chưa có báo cáo giải trình ý kiến thảo luận tại Tổ đại biểu Quốc hội để gửi đến đại biểu Quốc hội trước khi Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể...
Dự kiến khối lượng nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 rất lớn
Về chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với dự kiến bước đầu về các nội dung của Kỳ họp thứ 8 do Tổng Thư ký Quốc hội báo cáo.
Đồng thời, lưu ý một số vấn đề sau: Về dự kiến nội dung Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất: Tại Kỳ họp thứ 8, chưa báo cáo Quốc hội các nội dung sau: Tình hình thực hiện Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA); sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 36/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; tình hình thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); việc thực hiện bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù theo Nghị quyết số 104/2023/QH15.
Đề nghị Chính phủ tích hợp nội dung báo cáo về kết quả thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) (theo yêu cầu tại Nghị quyết số 102/2020/QH14 của Quốc hội) trong báo cáo hàng năm của Chính phủ về tình hình thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; tích hợp nội dung báo cáo về kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả trong các báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội, hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Bố trí ghép 2 nội dung để Quốc hội xem xét, thảo luận trong cùng một buổi về “kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV” và “kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2024".
Dự kiến khối lượng nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 là rất lớn, đề nghị các cơ quan chủ động đề xuất sớm các nội dung trình Quốc hội; nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực chuẩn bị, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung phụ trách để gửi Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội nghiên cứu, thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và bảo đảm thời hạn gửi đại biểu Quốc hội theo đúng quy định.
Đồng thời, phấn đấu thực hiện đúng quy định: Tài liệu các dự án luật, dự thảo nghị quyết, dự án khác phải được gửi đến đại biểu Quốc hội chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp; các tài liệu khác phải được gửi đến đại biểu Quốc hội chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp; không bổ sung nội dung vào Chương trình Kỳ họp sau khi triệu tập Kỳ họp, trừ các nội dung thực sự cấp thiết, cấp bách, có ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền và được chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng theo đúng quy định.
Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, bám sát tiến độ chuẩn bị của cơ quan soạn thảo, kịp thời đôn đốc việc hoàn thiện tài liệu các nội dung và chủ động tổ chức nghiên cứu, thẩm tra.
Bên cạnh đó, giao Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện bước đầu dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 8 để gửi xin ý kiến các cơ quan liên quan, tạo sự chủ động cho các cơ quan sớm chuẩn bị nội dung Kỳ họp.
Giao Văn phòng Đảng đoàn Quốc hội phối hợp với Văn phòng Ban cán sự đảng Chính phủ tham mưu đề xuất tổ chức 02 cuộc họp liên tịch giữa Đảng đoàn Quốc hội với Ban cán sự đảng Chính phủ (trong đó, dự kiến 1 cuộc họp tổ chức trước khai mạc Kỳ họp 30 ngày, 1 cuộc họp tổ chức trước khai mạc Kỳ họp 7 ngày) để trao đổi, thống nhất các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp.