Nợ đọng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp vẫn còn phổ biến Xem xét đưa xử lý hình sự đối với một số trường hợp nợ đọng BHXH |
Thời gian qua, tình trạng chây ỳ, nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ở nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của người lao động. Mặc dù các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai nhiều giải pháp, nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều kết quả.
Chây ỳ, nợ đọng bảo hiểm kèo dài
Theo số liệu từ BHXH tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 31/12/2022, toàn tỉnh hiện có hơn 3.300 đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN với số tiền hơn 466 tỉ đồng. Theo BHXH tỉnh Thanh Hóa, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các đơn vị, doanh nghiệp chây ỳ, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN như: Về nguyên nhân khách quan: Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát tuy nhiên nhiều đơn vị vẫn chưa phục hồi được, nhất là đơn vị có số lao động lớn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh; một số đơn vị ngừng hoạt động không có khả năng thanh toán; một số đơn vị chậm được thanh toán vốn các hợp đồng, công trình, dự án dẫn đến không nộp được tiền BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.
Công ty TNHH FLC Samson Golf & Resort nợ đọng số tiền BHXH hơn 18,8 tỉ đồng |
Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan xuất phát từ ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của người sử dụng lao động chưa nghiêm, không thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc thu nộp BHXH, BHYT, BHTN, một số đơn vị hành chính sự nghiệp thụ hưởng ngân sách nhà nước cũng nợ BHXH, BHYT, BHTN.
Ngoài ra, do việc xử lý sau thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp nợ còn nhiều hạn chế, chưa có biện pháp xử lý triệt để các trường hợp vi phạm về trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN. Nhiều doanh nghiệp không thực hiện kết luận sau thanh tra, kiểm tra.
Thống kê của BHXH tỉnh Thanh Hóa cho thấy, một số doanh nghiệp có số tiền nợ lớn và thời gian kéo dài là: Công ty TNHH FLC Samson Golf & Resort với 862 lao động, nợ 22 tháng với số tiền hơn 18,8 tỉ đồng; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Thanh Hóa với 50 lao động, nợ 79 tháng với số tiền hơn 15,4 tỉ đồng; Xí nghiệp Sông Đà 10.5 với 202 lao động, nợ 22 tháng với số tiền hơn 6,3 tỉ đồng; Công ty CP Lilama 5 với 70 lao động, nợ 52 tháng với số tiền hơn 14,9 tỉ đồng.
Đáng chú ý, có nhiều doanh nghiệp nợ đọng kéo dài và việc đòi nợ đang là “bài toán khó” như: Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Long, nợ hơn 7,6 tỉ đồng; Công ty CP Xây dựng Hancorp.2, nợ hơn 37,5 tỉ đồng; Công ty CP Đầu tư xây dựng Công trình giao thông 838, nợ hơn 6,6 tỉ đồng…
Công ty TNHH TS Vina có trụ sở tại huyện Yên Định, năm 2021 nợ đọng BHXH với số tiền khoảng 18 tỉ đồng |
Cũng theo BHXH tỉnh Thanh Hóa, ngoài các nguyên nhân khiến nhiều đơn vị, doanh nghiệp chây ỳ nợ đọng bảo hiểm, còn có nguyên nhân do công tác khởi kiện chưa được thực hiện: Theo Luật BHXH số 58/2014/QH13, từ ngày 01/01/2016 cơ quan Bảo hiểm xã hội không có quyền khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH mà giao quyền khởi kiện cho tổ chức Công đoàn.
Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ
Để khắc phục tình trạng chây ỳ, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN, ngành BHXH tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đồng bộ, như: Phân công trách nhiệm cho cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thu nợ; hằng tháng gửi Thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN đến chủ sử dụng lao động và cử cán bộ chuyên quản đến đơn vị quyết liệt để đôn đốc nộp BHXH, BHYT, BHTN.
Cán bộ của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa tuyên truyền về lợi ích khi tham gia BHXH |
Thành lập các đoàn thanh tra đột xuất đơn vị nợ và thanh tra chuyên nghành đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN. Gửi công văn đôn đốc nợ và yêu cầu thực hiện trích chuyển với tất cả các đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên; Phối hợp với Phòng thanh tra- kiểm tra rà soát để tham mưu cho lãnh đạo nghành chuyển cơ quan công an những đơn vị có dấu vi phạm việc thực hiện pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành các văn bản chỉ đạo đôn đốc công tác thu nợ BHXH, BHYT, BHTN. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Công văn số 9647/UBND-KTTC, ngày 6/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chấn chỉnh việc chậm trích, nộp BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Triển khai thực hiện Quy chế phối hợp số 1999/QCPH-BHXH-TCT ngày 9/7/2021 về chia sẻ dữ liệu và phối hợp công tác giữa BHXH Việt Nam và Tổng cục Thuế.
Tăng cường phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công an tỉnh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Thanh Hóa, Hiệp hội Doanh nghiệp, Đảng ủy Khối cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh và các đơn vị có ký quy chế phối hợp để vận động, đôn đốc các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác đăng ký tham gia, giải quyết các chế độ chính sách về BHXH, BHYT, BHTN cho người tham gia và thụ hưởng. Triển khai đồng bộ việc giao dịch điện tử đối với các đơn vị, doanh nghiệp tham gia BHXH; thực hiện kết nối hệ thống thông tin giám định BHYT; tổ chức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thông qua dịch vụ bưu chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người lao động khi tham gia và thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT, BHTN.
Tiếp tục phối hợp các ban, sở, ngành, đoàn thể, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN; thanh tra, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện pháp luật BHXH, BHYT, BHTN; kiên quyết xử lý các vi phạm, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính. Đặc biệt đối với các đơn vị nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN với số tiền lớn, thời gian kéo dài, số lao động tham gia BHXH bằng 0 hoặc ít thì rà soát, xác định rõ tình trạng của doanh nghiệp và hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng lộ trình trả nợ cụ thể để giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động…
Với sự quyết liệt của BHXH tỉnh Thanh Hóa, tình trạng nợ đọng, chây ỳ, BHXH, BHYT, BHTN sẽ sớm có kết quả tích cực hơn, đảm bảo tốt những quyền lợi hợp pháp của người lao động. |
Phối hợp với Công an tỉnh Thanh Hóa, Hiệp hội Doanh nghiệp triển khai Điều 214 “Tội gian lận BHXH, BHTN”, Điều 215 “Tội gian lận BHYT”, Điều 216 “Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động” theo Bộ luật Hình sự đến các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.
Thống kê của BHXH tỉnh Thanh Hóa cho thấy, từ năm 2020 - 2022 qua thanh tra, kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 16 đơn vị nợ BHXH, BHTN, BHYT với tổng số tiền xử phạt là 1.935.980.967 đồng. Trong đó, năm 2020 xử phạt 5 đơn vị, số tiền xử phạt là 686.762.000 đồng; năm 2021 xử phạt 01 đơn vị, số tiền xử phạt là 150.000.000 đồng; năm 2022 xử phạt 10 đơn vị, số tiền xử phạt là 1.099.218.967 đồng. Ngoài ra, BHXH tỉnh Thanh Hóa đã lập và chuyển hồ sơ đến cơ quan cảnh sát điều tra kiến nghị khởi tố đối với 5 đơn vị nợ BHXH.
Hy vọng, với sự quyết liệt của BHXH tỉnh Thanh Hóa, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan liên quan, tình trạng nợ đọng, chây ỳ BHXH, BHYT, BHTN ở các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ sớm có kết quả tích cực hơn, đảm bảo tốt những quyền lợi hợp pháp của người lao động.
Hoàng Minh