Thanh khoản đột biến, thị trường chứng khoán cận Tết sẽ ra sao?

04/02/2024 - 02:14
(Bankviet.com) VN-Index tuần qua vẫn trong nhịp tăng ngắn hạn, lịch sử cũng cho thấy thị trường thường khá hưng phấn trước khi đóng cửa “ăn Tết Âm”.
Thị trường chứng khoán năm 2024: Kỳ vọng tích cực nhờ sự hồi phục kinh tế Cổ phiếu ngân hàng đỏ sản kéo VN-Index giảm hơn 15 điểm Thanh khoản sụt giảm, VN-Index vẫn tăng gần 9 điểm

Thanh khoản đột biến trong tuần qua

VN-Index đóng cửa tuần giao dịch thứ 5 của năm 2024 tại mốc 1.172,55 điểm, giảm nhẹ -3,12 điểm, tương đương -0,27% so với tuần trước. Báo cáo phân tích từ Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), thanh khoản trên sàn HoSE trong tuần đạt tới 86.459 tỷ đồng và tăng 17,7% so với tuần trước đó. Tương tự, thanh khoản tại sàn HNX-Index cũng tăng mạnh 21,8%.

Ông Nguyễn Khắc Thành, chuyên viên phân tích tại SHS cho biết, điểm nhấn trong tuần là phiên giao dịch chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản đột biến hơn 1 tỷ USD. Tuy nhiên sau đó, VN-Index đã có sự phục hồi quay trở lại khu vực 1.160 điểm với nhiều mã tăng vượt vùng giá đỉnh gần nhất.

“Diễn biễn thị trường thể hiện mức độ phân hóa mạnh. Bên cạnh đó, dòng tiền ngắn hạn duy trì tín hiệu xoay vòng tích cực với hoạt động luân chuyển ở từng nhóm mã. Trong tuần, nhiều mã vẫn tăng giá vượt trội trong thời gian công bố kết quả kinh doanh quý 4”, ông Thành cho hay.

Cụ thể, nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản khá đột biến và gây áp lực tiêu cực đến chỉ số chung khi đa số. Kết thúc tuần giao dịch, các mã SHB giảm 7,29%, EIB giảm 5,38%, NVB giảm 5,31%, VPB giảm 4,81%....

Cùng với đó, dòng tiền ngắn hạn duy trì ở lại thị trường và đẩy nhiều mã, nhóm mã tăng giá cao cùng với thanh khoản tăng mạnh, thậm chí có những mã ghi nhận mức giá giao dịch vượt các vùng giá đỉnh cũ. Nổi bật nhất là ở nhóm bất động sản khu công nghiệp và cao su, như SNZ tăng 22,74%, GVR tăng 14,69%, DTD tăng 12,85%, LHG tăng 10,89%, PHR tăng 10,06%...

Trong tuần qua thị trường chứng khoán giao dịch khởi sắc.
Thị trường chứng khoán thanh khoản đột biến trong tuần qua

Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán có độ phân hóa mạnh, các mã MBS tăng 8,13%, FTS tăng 8,11%, CTS tăng 7,57%, AGR tăng 3,61%..., trong khi các mã TCI giảm 4,81%, TVB giảm 3,19%, CSI giảm 3,14%...

Tương tự, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng có diễn biến phân hóa tích cực, nhiều mã tăng giá vượt vùng đỉnh cũ với thanh khoản đột biến, nổi bật như PXL tăng 23,53%, IJC tăng 6,60%, TCH tăng 5,81%,VPI tăng 5,42%..., song các mã HD6 giảm 15,21%, DLG giảm 10,94%...

Về kỹ thuật, chuyên viên phân tích tại SHS cho biết tuần qua, VN-Index điều chỉnh mạnh tại vùng kháng cự quanh 1.185 điểm, tương ứng vùng kháng cự của đường xu hướng giảm giá trung dài hạn (tính từ vùng giá 1.500 điểm tháng 4/2022 đến nay).

Theo ông Thành, thị trường có động thái lưỡng lự, gần như đi ngang sau phiên hồi phục và chốt phiên cuối tuần với VN-Index giảm nhẹ 0,47 điểm (0,04%), đóng cửa ở 1.172,55 điểm. “Trong ngắn hạn, VN-Index vẫn trong nhịp tăng nhưng xu hướng kiểm tra lại hỗ trợ của nền tích lũy nhỏ vẫn chưa kết thúc. Về trung hạn, VN-Index đang vận động trong khu vực cân bằng để hình thành nền tích lũy mới và thị trường kỳ vọng sẽ hình thành nền tích lũy trong biên độ 1.150-1.250 điểm”, ông Thành chia sẻ.

Phân tích cơ bản, đại diện SHS cho rằng, tình hình kinh tế vĩ mô trong nước ghi nhận tiếp tục có sự ổn định cùng với đó mức tăng trưởng GDP các quý đang tăng dần. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP chưa đạt như kỳ vọng đồng thời tăng trưởng tín dụng còn khá yếu. Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn trong nền kinh tế đang có khả năng hấp thụ vốn thấp, những khó khăn đối với thị trường bất động sản và đặc biệt là thị trường trái phiếu vẫn chưa có bước chuyển biến căn cơ. Trong khi, tình hình kinh tế toàn cầu hiện rất khó lường với nhiều bất ổn và tăng trưởng thấp. Nhiều nền kinh tế trong khu vực Liên minh châu Âu bước vào suy thoái...

Tuy nhiên, ông Thành chỉ ra điểm tích cực là tình hình lạm phát đã bình ổn và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã phát tín hiệu dừng tăng lãi suất đồng thời để ngỏ khả năng khởi động chu kỳ giảm lãi trong năm 2024. “Với tình trạng vĩ mô tốt xấu đan xen, việc thị trường chứng khoán hướng tới vận động tìm điểm cân bằng lại để tích lũy là phù hợp”, ông Thành nói.

Thị trường thường hưng phấn trước khi đóng cửa “ăn Tết Âm”

Chỉ còn vài phiên giao dịch nữa thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Nhắc đến Tết Nguyên Đán, nhà đầu tư thường có tâm lý lo ngại khi tâm lý nghỉ lễ thường khiến thanh khoản sụt giảm, nhà đầu tư có xu hướng rút tiền trong tài khoản để phục vụ cho các hoạt động sắm Tết và phòng tránh rủi ro từ thị trường quốc tế hay dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo thống kê trong lịch sử hơn 23 năm đã qua, chỉ số VN-Index có tới 17 lần tăng điểm trong vòng 5 phiên trước Tết, thậm chí mức tăng còn rất tích cực so với những lần ít ỏi giảm điểm cho thấy thị trường thường khá hưng phấn trước khi đóng cửa “ăn Tết Âm”.

Thanh khoản đột biến, thị trường chứng khoán cận Tết sẽ ra sao?
Trong lịch sử hơn 23 năm đã qua, chỉ số VN-Index có tới 17 lần tăng điểm trong vòng 5 phiên trước Tết

Hầu hết mức tăng đều ghi nhận trên 2%. Thậm chí năm 2008 đạt mức tăng 10,8%, năm 2001 cũng ghi nhận tăng gần 9%. Gần hơn, liên tiếp trong 7 năm gần nhất thì tới 6 năm chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến khởi sắc vào tuần sát Tết, gần nhất trong năm 2023, Index tăng gần 5% trong vòng một tuần trước kỳ nghỉ dài.

Trong khi đó, xét tuần đầu Xuân, VN-Index có chuỗi 5 năm liên tiếp (2015 - 2019) tăng điểm. Chuỗi tăng ấn tượng này gián đoạn vào năm 2020 với thông tin về dịch Covid-19. Sang năm 2021, trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư trở nên kém hấp dẫn do ảnh hưởng của đại dịch, cùng với đó là sự bùng nổ dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã giúp thị trường chứng khoán tăng mạnh. Riêng 5 phiên đầu Xuân 2021, VN-Index tăng 5,6%. Năm 2023, trước một số thông tin “bắt bớ” và tình hình kinh tế khó khăn, thị trường có tuần giao dịch đầu tiên sau Tết sụt giảm.

Nếu chỉ tính riêng phiên giao dịch đầu tiên sau Tết Âm lịch, VN-Index có 15 phiên tăng và 8 phiên giảm. Năm 2020, do ảnh hưởng bởi thông tin dịch Covid-19 nên VN-Index có mức giảm mạnh nhất là 3,2% ngay ở phiên giao dịch đầu Xuân. Giai đoạn 2021 - 2023, chỉ số có sự khởi sắc trong phiên đầu tiên.

Nhìn vào số liệu, chúng ta có thể rút ra một điểm đáng chú ý đối với quan niệm của nhiều nhà đầu tư là “mua cổ phiếu trước Tết để tận dụng đà tăng vài phiên sau Tết”. Thống kê cho thấy, sau Tết 5 phiên, mức tăng trung bình 0,97% không quá hấp dẫn.

Nhìn lại số liệu các năm qua, đối với nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu trung và dài hạn thì thời điểm hấp dẫn nhất để đầu tư vào thị trường chính là tháng 2 và tháng 3. Giai đoạn 2000 - 2021, VN-Index có 14 năm tăng điểm trong tháng 2 và 15 lần tăng điểm trong tháng 3.

Tương tự, thống kê HNX-Index từ năm 2006 đến 2021, chỉ số này có 12 năm tăng điểm trong tháng 2 - cao nhất trong các tháng và 9 năm tăng điểm trong tháng 3. Theo đó, những nhà đầu tư có thời gian nắm giữ cổ phiếu tính bằng tháng có thể tập trung tìm kiếm lợi nhuận từ chứng khoán vào tháng 2 và tháng 3.

Dù thống kê chỉ mang tính chất tham khảo nhưng việc quá khứ ghi nhận tích cực cũng giúp nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam có thêm niềm tin, đặc biệt có thể tận dụng khoảng thời gian quý giá này để duy trì chiến lược, giữ những cổ phiếu kỳ vọng còn dư địa tăng thậm chí mua vào những mã tiềm năng.

Đặc biệt, môi trường lãi suất thấp kỷ lục và không có nhiều các kênh đầu tư thay thế được kỳ vọng kích thích dòng tiền nội tham gia tích cực vào thị trường chứng khoán. Đồng thời, mặt bằng lãi suất thấp sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp giảm chi phí vốn, cải thiện lợi nhuận, tăng nhu cầu tín dụng để kinh doanh và tiêu dùng.

Theo báo cáo chiến lược của Chứng khoán DSC, nhìn ở góc nhìn chu kỳ, Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi kinh tế. DSC đánh giá câu chuyện đầu tư năm 2024 sẽ tập trung vào kết quả kinh doanh thực tế của các doanh nghiệp chứ không chỉ còn là những câu chuyện của kỳ vọng. Với bối cảnh kinh tế thế giới hồi phục chậm và mức nền lợi nhuận thấp của năm 2023, DSC đánh giá các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận thấp trong năm 2024, nhưng sẽ khó đạt được bùng nổ lợi nhuận.

Về mặt lý thuyết, với chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng như hiện tại, nền kinh tế được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn trong năm 2024. Một nguyên tắc được biết đến phổ biến là thị trường chứng khoán thường đi trước nền kinh tế, do đó về mặt kỳ vọng lý thuyết, năm 2024 được kỳ vọng là năm khởi sắc của thịtrường chứng khoán sau khi 2023 có thể xem là năm chuyển tiếp từ đà rơi của 2022 sang xu hướng đi ngang.

Với kỳ vọng rủi ro xu hướng thị trường thấp hơn một phần, nội tại doanh nghiệp cải thiện và kỳ vọng về hệ thống KRX đi vào hoạt động, thúc đẩy trong tiến trình nâng hạng sẽ là nền tảng hỗ trợ đưa thị trường lên một mức nền mới cao hơn năm cũ, DSC kỳ vọng chỉ số VN-Index năm 2024 sẽ giữ vững vùng 1.100 điểm, và tiến tới mức mục tiêu 1.300 điểm.

Lạc quan hơn, Chứng khoán Maybank đánh giá thị trường chứng khoán đã chạm đáy kể từ khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu cắt giảm chính sách lãi suất vào tháng 3/2023 và môi trường lãi suất thấp sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường trong suốt năm 2024.

Bên cạnh đó, tăng trưởng lợi nhuận sẽ trở thành động lực chính của thị trường nhờ tốc độ phục hồi vững chắc hơn từ nửa cuối năm 2024. Đồng thời, thanh khoản được thúc đẩy bởi khả năng thị trường Việt Nam nâng hạng lên thị trường mới nổi bởi FTSE sẽ là cú hích lớn cho thị trường vượt ngoài triển vọng tăng trưởng lợi nhuận.

Chứng khoán Maybank đưa ra hai kịch bản cho thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024, với việc nâng hạng thị trường là yếu tố then chốt. Trong kịch bản cơ sở, chỉ số VN-Index có thể lên ngưỡng 1.250 điểm, chủ yếu được thúc đẩy bởi triển vọng lợi nhuận phục hồi. Tại kịch bản tích cực hơn, chỉ số có thể đạt 1.420 điểm, được thúc đẩy bởi thanh khoản mạnh hơn từ khả năng nâng hạng thị trường.

Dù vậy, các nhà đầu tư cũng cần lưu ý rằng đà tăng giá của thị trường trong quý 2 và quý 4 vừa qua cũng đã phần nào phản ánh kỳ vọng về kết quả kinh doanh đối với nhiều nhóm ngành.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng phân tích - Nghiên cứu Chứng khoán Agriseco nhận định, chỉ còn một số ít các nhóm cổ phiếu hiện vẫn đang ở vùng định giá hấp dẫn với triển vọng kinh doanh tích cực và được kỳ vọng sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền trong thời gian tới bao gồm ngân hàng, dầu khí, xây dựng hạ tầng và sản xuất điện.

Lê Na

Theo: Báo Công Thương