Thành lập Trung tâm tài chính quốc tế: Cần đảm bảo an toàn tài chính, tránh lợi dụng pháp luật để thực hiện các hành vi rửa tiền, tài trợ khủng bố

26/04/2025 - 01:24
(Bankviet.com) Về việc thành lập Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) cần làm rõ mô hình, mối quan hệ, tính độc lập giữa cơ quan quản lý nhà nước đối với 2 trung tâm được đặt tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng. Đồng thời, làm rõ mối quan hệ của TTTCQT với cơ quan giám sát của Trung ương, với các cơ quan có chức năng giám sát khác, để đảm bảo an toàn tài chính, an toàn hệ thống ngân hàng, tránh lợi dụng pháp luật để thực hiện các hành vi rửa tiền, tài trợ khủng bố...

Nâng tầm vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính toàn cầu

Trình bày tóm tắt tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam tại Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn trong nước và quốc tế thì việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về TTTCQT tại Việt Nam là hết sức cần thiết.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình

Theo Bộ trưởng, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về TTTCQT với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm mục đích hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xây dựng và phát triển TTTCQT, đặt tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trở thành TTTCQT hàng đầu, vận hành theo các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, kết nối với các thị trường và TTTC lớn trên thế giới, qua đó nâng tầm vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính toàn cầu.

Đồng thời, thúc đẩy tài chính bền vững, khuyến khích phát triển các sản phẩm tài chính xanh, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững; tạo điều kiện liên kết các sàn giao dịch trong nước với quốc tế, thúc đẩy dòng vốn và công nghệ tài chính vào Việt Nam; thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia trong nước và nước ngoài trong các lĩnh vực tài chính và dịch vụ hỗ trợ vào làm việc tại TTTCQT.

Theo đó, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về TTTCQT dự kiến gồm 6 Chương và 36 Điều. Trong đó, dự thảo Nghị quyết quy định một số thủ tục hành chính cần thiết để thực thi các cơ chế, chính sách đặc thù trong việc vận hành, phát triển TTTCQT. Nội dung các thủ tục hành chính được quy định theo hướng đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào phát triển TTTCQT.

Ngoài ra, để phù hợp với chủ trương tiếp tục đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa cơ quan nhà nước ở trung ương với cơ quan nhà nước ở địa phương, dự thảo Nghị quyết quy định cho phép: Chính phủ được ban hành nghị định xử lý các vấn đề phát sinh khác với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Cơ quan điều hành, Cơ quan giám sát được ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Cơ quan điều hành được quyết định sử dụng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại TTTCQT.

Đánh giá kỹ tác động của từng chính sách, nhất là vấn đề đảm bảo an ninh tài chính quốc gia

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, hồ sơ Dự thảo Nghị quyết cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị đánh giá cụ thể hơn cả về mặt tích cực và cả những thách thức, mức độ rủi ro, khả năng quản lý rủi ro; Làm rõ hơn tác động khi có TTTCQT; những kinh nghiệm quốc tế phù hợp để vận dụng vào thực tế Việt Nam.

Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhận thấy, vận hành TTTCQT tại Việt Nam là vấn đề mới ở Việt Nam, do vậy, Nghị quyết chỉ nên quy định những vấn đề chung, mang tính nguyên tắc và những nội dung đã rõ, mang tính ổn định cao. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo thẩm quyền ban hành hướng dẫn cụ thể để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời; Phân cấp cho 2 thành phố những nội dung gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn địa phương, bảo đảm quyền chủ động, linh hoạt, sáng tạo theo pháp luật.

202504171615359523_dsc_3103.jpg
Quang cảnh phiên họp

Đối với việc thành lập 1 TTTCQT đặt tại 2 Thành phố, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho biết, Thường trực Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo rõ hơn về căn cứ, cơ sở để đề xuất mô hình mới khác với Kết luận 47 của Bộ Chính trị. Làm rõ mô hình, mối quan hệ, tính độc lập giữa 2 cơ sở đặt ở 2 nơi; cơ quan quản lý nhà nước đối với 2 cơ sở này. Căn cứ vào đặc điểm riêng biệt của mỗi thành phố (TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng), Nghị quyết có thể quy định chính sách chung, nhưng tại các văn bản dưới luật cần có quy định tương ứng để phát huy tiềm năng, thế mạnh riêng biệt của mỗi cơ sở. Trong tổ chức thực hiện, cần nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh…

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, nhiều ý kiến cơ bản nhất trí với nội dung của dự thảo Nghị quyết, tuy nhiên, do nghị quyết có nội dung rất phức tạp và cũng chưa có tiền lệ nên các đại biểu đề nghị cần đánh giá kỹ tác động đến kinh tế, an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội; đánh giá cả mặt tích cực và những mặt rủi ro của từng chính sách, nhất là vấn đề đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Đồng thời, bổ sung thêm kinh nghiệm quốc tế ở những nước thành công và cả những nước không thành công khi thành lập TTTCQT, từ đó rút kinh nghiệm cho Việt Nam.

Với những chính sách ưu đãi về thuế nhằm thu hút các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động của TTTCQT, có ý kiến cho rằng, các chính sách ưu đãi thuế khá cao. Do đó, nếu không kèm theo những điều kiện ràng buộc cụ thể, có thể tạo ra nguy cơ bất bình đẳng giữa các nhóm doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh. Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát thận trọng, bảo đảm nguyên tắc áp dụng luật, tránh trùng lắp, tuân thủ các điều ước quốc tế và tránh xung đột pháp luật.

Về cơ quan giám sát Trung tâm tài chính quốc tế, đại biểu đề nghị quy định rõ địa vị pháp lý, mối quan hệ giữa cơ quan giám sát này với các cơ quan có chức năng giám sát, thanh tra, kiểm tra của Nhà nước hiện hành.

Các chính sách đề xuất trong dự thảo cần đột phá, không dập khuôn

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ thời gian qua đã quyết tâm xây dựng thể chế, pháp luật hình thành, phát triển Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam; đánh giá cao Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đã chủ động phối hợp với Bộ Tài chính, UBND Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng xây dựng báo cáo thẩm tra toàn diện, sâu sắc, thuyết phục. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc hình thành TTTCQT tại Việt Nam; tán thành trình Quốc hội xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ 9 tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu kết luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định, do đây là nội dung phức tạp, khó, mới, vì vậy để tăng tính thuyết phục khi trình Quốc hội tại Kỳ họp tới, cơ quan soạn thảo phối hợp cơ quan liên quan tiếp tục làm rõ 12 nhóm chính sách, như: Đủ tiền đề, cơ sở pháp lý để vận hành TTTCQT chưa; các quy định đã đủ tính cạnh tranh chưa; làm rõ các chính sách đột phá, vượt trội, riêng có của Việt Nam kết nối liên thông toàn cầu; bổ sung thông tin về thực trạng thị trường vốn hiện nay; bổ sung thông tin về các nhà đầu tư chiến lược…

Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát dự thảo Nghị quyết đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp; phù hợp với quan điểm, chủ trương của Bộ Chính trị, Trung ương, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

"Các chính sách đề xuất trong dự thảo cần đột phá, không dập khuôn, có chọn lọc, tận dụng, vận dụng tốt kinh nghiệm quốc tế, khắc phục hạn chế, tạo được sức cạnh tranh quốc tế. Đồng thời, đánh giá tác động tích cực và tiêu cực; có cơ chế quản lý, cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả, quản lý rủi ro, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống tài chính, ổn định chính trị, an toàn trật tự xã hội, quốc phòng an ninh và hoạt động đối ngoại", Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Về nguyên tắc xây dựng và áp dụng pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định, nghị quyết này chỉ nên quy định những vấn đề khung, nguyên tắc chung và những nội dung đã rõ và giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời. Đồng thời, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn cho 2 thành phố các nội dung thuộc thẩm quyền, quyền hạn của 2 địa phương theo đúng quy định của pháp luật.

Về việc thành lập TTTCQT đặt tại 2 nơi, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ mô hình, mối quan hệ, tính độc lập giữa cơ quan quản lý nhà nước đối với 2 cơ sở này. Làm rõ mối quan hệ của TTTCQT với cơ quan giám sát của Trung ương, với các cơ quan có chức năng giám sát khác, để đảm bảo an toàn tài chính, an toàn hệ thống ngân hàng, tránh lợi dụng pháp luật để thực hiện các hành vi rửa tiền, tài trợ khủng bố, gian lận tài chính trong các chính sách về ngoại hối, về ngân hàng, về tài chính, phát triển thị trường vốn.

Đối với chính sách thuế, cần có ưu đãi vượt trội để hấp dẫn, thu hút đầu tư, bảo đảm tính cạnh tranh; mặt khác cũng cần phải bảo đảm các chính sách thuế khả thi, có cơ chế kiểm soát, tránh lợi dụng gây thất thoát ngân sách, không vi phạm các cam kết quốc tế.

Về việc thực hiện chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị tuân thủ Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương để bảo đảm ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo; đánh giá cụ thể tác động của chính sách này tới nguồn thu ngân sách Trung ương trong thời gian tới.

Đối với chính sách khung thử nghiệm Fintech và đổi mới sáng tạo, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý nghiên cứu các tiêu chí, điều kiện lựa chọn và trình tự thủ tục đăng ký, thẩm định cấp phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát; quy định gia hạn thời gian và miễn trừ trách nhiệm; có hướng dẫn kiểm soát trong quá trình thử nghiệm…

Thanh Hải

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ