Thành phố Hồ Chí Minh: Hơn 31.000 người tham gia Bảo hiểm Xã hội tự nguyện

05/07/2023 - 02:04
(Bankviet.com) Theo Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh, 5 tháng đầu năm, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 31.665 người, đạt 39,65% so kế hoạch giao.
Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh cần có trọng tâm, trọng điểm Công an Quảng Nam vào thành phố Hồ Chí Minh cấp căn cước công dân cho bà con đồng hương

Ông Lò Quân Hiệp, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2023, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gần 2,5 triệu người, đạt 88,53% so kế hoạch giao, tăng 3,7% so cùng kỳ năm trước. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 31.665 người, đạt 39,65% so kế hoạch giao, tăng 12,85% so cùng kỳ năm trước. Trong 5 tháng đầu năm ghi nhận giảm 149.000 người tham gia đóng bảo hiểm xã hội so thời điểm cuối tháng 12/2022.

Bên cạnh đó, có 29 đơn vị, doanh nghiệp báo giảm 500 lao động trở xuống; điển hình như Công ty PouYuen đã thông báo cắt giảm hơn 5.000 lao động từ tháng 5. Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận sự gia tăng nhanh của lực lượng lao động khu vực phi chính thức, việc tiếp tục duy trì hay phát triển lao động ở khu vực này tham gia bảo hiểm xã hội hiện nay gặp nhiều khó khăn. Trong đó, không ít người cho rằng do cuộc sống hiện tại không đảm bảo, không có tích lũy nên khó tham gia bảo hiểm xã hội. Một số người khác chưa hiểu hết về lợi ích lâu dài của bảo hiểm xã hội…. Do đó, đây là khó khăn, thách thức rất lớn mà Bảo hiểm Xã hội Thành phố phải đối diện.

Thành phố Hồ Chí Minh

Đồng thời, Bảo hiểm Xã hội Thành phố phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chi trả cho 56.954 người hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tăng 8,5% so cùng kỳ năm trước.

Về việc chậm đóng bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Xã hội Thành phố cho hay, đến cuối tháng 5 số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các doanh nghiệp, đơn vị là 3.956,75 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,61% so kế hoạch thu.

Ông Lò Quân Hiệp thông tin, việc xử lý vi phạm nợ bảo hiểm xã hội hết sức khó khăn, vì tình hình chung các doanh nghiệp bị thu hẹp sản xuất, đóng cửa, tác động chung về mọi mặt. Do đó, ngoài các biện pháp của ngành bảo hiểm xã hội, giải pháp căn cơ lâu dài vẫn là doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, thực hiện đóng bảo hiểm xã hội cũng như các chế độ quy định...

Về công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi sổ, Bảo hiểm Xã hội Thành phố cho biết, hiện đã có hơn 4,3 triệu tài khoản đăng ký và sử dụng ứng dụng VssID-BHXH số tại Bảo hiểm Xã hội Thành phố. Cơ quan này cũng đồng bộ hơn 6,8 triệu người tham gia vào cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, trên tổng số 7,7 triệu người (chiếm tỷ lệ 89%).

Nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm, Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu, giảm nợ và phát triển người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế. Trong đó, tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (phát triển thêm 318.949 người), tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (phát triển thêm 48.194 người), số thu đạt và vượt 85.754 tỷ đồng…

Ngoài ra, dự kiến trong tháng 6, Bảo hiểm Xã hội Thành phố cũng chuẩn bị cho việc triển khai trên toàn quốc 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông, gồm: Thủ tục đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Thủ tục đăng ký khai sinh - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng.

Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu đạt 62% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia Bảo hiểm Xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia Bảo hiểm Xã hội tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; tham gia Bảo hiểm y tế đạt 98% dân số; 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia Bảo hiểm thất nghiệp; ít nhất 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, chế độ Bảo hiểm Xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia Bảo hiểm Xã hội đạt 98% trở lên...

Để đạt được mục tiêu này, Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra hàng loạt giải pháp như: Chú trọng tăng cường công tác truyền thông; bám sát sự lãnh đạo của Thành ủy, Uỷ ban nhân dân Thành phố và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; tăng cường sự phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể có liên quan và các cơ quan báo đài.

Đặc biệt, triển khai Quy chế phối hợp giữa Bảo hiểm Xã hội Thành phố với các quận/huyện ủy và UBND quận, huyện. Chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp mở rộng đối tượng, đảm bảo thực hiện tốt chỉ tiêu mở rộng đối tượng để người lao động được tham gia Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm y tế đầy đủ theo quy định.

Đồng thời, tăng cường duy trì kết nối thông tin với các sở, ngành liên quan để quản lý đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động, giải thể, phá sản, thành lập mới trên địa bàn. Tích cực điều tra, khảo sát để xác minh số lao động thuộc diện phải tham gia Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm y tế theo luật định; có biện pháp đôn đốc, yêu cầu các đơn vị, DN tham gia Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm y tế đầy đủ cho người lao động. Mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức dịch vụ thu; thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức về chế độ, chính sách Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm y tế cho nhân viên thu để tạo sự chuyên nghiệp trong công tác phát triển người tham gia

Nhật Khôi

Theo: Báo Công Thương