Thành viên HĐQT Saigontel (SGT) bất ngờ từ nhiệm

25/11/2022 - 17:44
(Bankviet.com) Công ty CP Công nghệ Viễn Thông Sài Gòn (Saigontel, HOSE: SGT) vừa nhận đơn xin từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT của ông Lê Nguyễn Hoàng Anh với lý do cá nhân.

Cụ thể, ngày 23/11, Saigontel đã nhận được đơn xin từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT của ông Lê Nguyễn Hoàng Anh với lý do cá nhân. Công ty sẽ tiến hành các thủ tục miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT của ông Lê Nguyễn Hoàng Anh tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông gần nhất.

Thành viên HĐQT Saigontel (SGT) bất ngờ từ nhiệm
Lũy kế 9 tháng, Saigontel ghi nhận doanh thu đạt 779,2 tỷ đồng, tăng 2,8 lần.

Theo tìm hiểu, ông Lê Nguyễn Hoàng Anh sinh năm 1984, trình độ cử nhân Tài chính – Kế toán và được bổ nhiệm vị trí thành viên HĐQT từ ngày 27/4/2015 tới nay.

Về kết quả kinh doanh, trong quý III/2022, Saigontel ghi nhận doanh thu thuần đạt 203,6 tỷ đồng, tăng 75,2% so với cùng kỳ; giá vốn cũng tăng khá mạnh gấp đôi lên 169 tỷ đồng, theo đó, lợi nhuận gộp còn 34,7 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu hoạt động tài chính giảm nhẹ xuống 4,9 tỷ đồng, trong đó chi phí tăng 23,7% lên 14,6 tỷ đồng, trong đó toàn bộ là chi phí lãi vay. Lãi tại công ty liên kết, liên doanh đạt 6,3 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ.

Chi phí bán hàng giảm mạnh từ 3,7 tỷ đồng xuống hơn 640 triệu; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 34% lên gần 21 tỷ đồng.

Kết quả, công ty báo lãi 6,8 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ, trong đó, lợi nhuận công ty mẹ đạt 6,4 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Lũy kế 9 tháng, Saigontel ghi nhận doanh thu đạt 779,2 tỷ đồng, tăng 2,8 lần; lãi sau thuế đạt 131,2 tỷ đồng, tăng 4,7 lần so với cùng kỳ năm trước đó.

Trong năm 2022, Saigontel đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 2.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 251,8% và 254% so với cùng kỳ. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 165,6 tỷ đồng, Công ty hoàn thành 55% so với kế hoạch năm.

Tính đến cuối quý III/2022, tổng tài sản của SGT đạt 4.812 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm; tài sản ngắn hạn tăng 17,4% lên 2.345,3 tỷ đồng; tiền và các khoản tương đương tiền giảm 72,4% xuống 22,6 tỷ đồng; đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng 20,5 lần lên 20,5 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng 52,4% lên 967,5 tỷ đồng, trong đso, chi phí xây dựng dở dang KCN Đại Đồng Hoàn Sơn 2 là 423,5 tỷ đồng (trong đso chi phí lãi vay được vốn hóa tại dự án này tại thời điểm 30/9/2022 là 37,5 tỷ đồng; các dự án tại Thái Nguyên với gần 360 tỷ đồng, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dự án TM7 Bắc Giang 77,8 tỷ đồng...

Về nguồn vốn, nợ phải trả tăng gần 8% lên 3.639 tỷ đồng; tổng nợ vay tăng 7,7% lên hơn 2.263,2 tỷ đồng (chiếm 47% nguồn vốn). Trong đó vay nợ ngắn hạn tăng hơn 70% lên 1.548, 3 tỷ đồng. Công ty vay ngắn hạn của Công ty CP Tập đoàn Đâu tư và phát triển Hưng Yên 882 tỷ đồng; vay Công ty CP Phát triển Đô thị Sài Gòn Tây Bắc 224,3 tỷ đồng...

Ở một diễn biến khác, ngày 2/11, Saigontel đã khởi công Cụm công nghiệp Tân Phú 1, Cụm công nghiệp Tân Phú 2 và lễ động thổ cụm công nghiệp Lương Sơn.

Theo tìm hiểu, Cụm công nghiệp Tân Phú 1, Tân Phú 2 toạ lạc tại xã Đông Cao và xã Tân Phú, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Hai Cụm công nghiệp nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc: Hà Nội - Hải Dương - Hưng Yên - Bắc Ninh - Vĩnh Phúc. Hai cụm công nghiệp có vị trí rất thuận lợi về giao thông cho việc vận chuyển hàng hóa, đồng thời tạo mối liên kết với các tỉnh lân cận.

Trong khi đó, Cụm công nghiệp Lương Sơn toạ lạc tại thành phố Sông Công tỉnh Thái Nguyên, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Thiên Ân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán