Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) được thành lập theo Quyết định số 108/2006/QĐ-TTg ngày 19/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện chính sách tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước. Trong hơn 17 năm hoạt động, thông qua việc huy động và cho vay vốn tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, VDB đã cung ứng hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn ưu đãi để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực và địa bàn được Nhà nước khuyến khích cũng như xuất khẩu các mặt hàng thuộc danh mục ưu tiên của Chính phủ.
Theo quy định của pháp luật, khi thực hiện chính sách tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng xuất khẩu, VDB được Nhà nước cấp vốn điều lệ ban đầu và cấp bổ sung tuỳ thuộc yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể, bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn cho VDB. Ngoài ra, VDB cũng được ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất và phí quản lý để trang trải chi phí huy động vốn cũng như các chi phí khác phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Để được Nhà nước cấp các khoản vốn và kinh phí nói trên, trong quá trình hoạt động các năm qua, VDB, xuất phát từ nhu cầu thực tế và các quy định về quản lý tài chính và ngân sách nhà nước, đã thực hiện việc lập các kế hoạch liên quan (kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm…) để báo cáo các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…).
Trên cơ sở đề xuất của VDB, các cơ quan quản lý nhà nước đã thẩm định và quyết định giao kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng như phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hằng năm cho VDB để đáp ứng yêu cầu về nguồn lực tài chính phục vụ triển khai các nhiệm vụ được giao.
Chẳng hạn, từ năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 cho VDB. Đến năm 2022, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục bổ sung kế hoạch vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 để cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho VDB. Toàn bộ số vốn này đã được phân bổ trong kế hoạch đầu tư công năm 2021, 2022 và 2023 để cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý phát sinh từ năm 2020 trở về trước…
Hiện nay, theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và đầu tư công, VDB đang xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024 - 2026. Tuy nhiên, việc xây dựng các kế hoạch này của VDB đang gặp phải một số vướng mắc, khó khăn xuất phát từ tình hình thực tế, trong đó nổi lên hai vấn đề:
Thứ nhất: Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 chỉ mới bố trí kinh phí để cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý phát sinh từ năm 2020 trở về trước cho VDB, trong khi đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ phí quản lý giai đoạn 2021 - 2023 của VDB vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vì vậy, VDB chưa có cơ sở rõ ràng để tính toán và đề xuất kế hoạch cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý của VDB cho giai đoạn từ năm 2021 trở về sau.
Thứ hai: Một số văn bản pháp lý quy định về hoạt động của VDB, đặc biệt là Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước, vẫn chưa được ban hành. Do đó, VDB khó xác định chính xác các kế hoạch liên quan, nhất là kế hoạch tăng trưởng tín dụng và kế hoạch huy động vốn từ phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, để làm cơ sở xây dựng kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước của VDB.
Với sự thiếu vắng của các cơ sở pháp lý nói trên, việc lập kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước của VDB hiện nay chủ yếu được thực hiện dựa trên kết quả tạm tính theo những điều kiện giả định. Điều này làm cho kế hoạch được lập của VDB vừa thiếu sức thuyết phục, vừa có thể dẫn đến tình trạng phải báo cáo các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định điều chỉnh trong quá trình thực hiện kế hoạch, nếu các điều kiện mà VDB giả định trong quá trình lập kế hoạch không được đáp ứng.
Chính vì vậy, để kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2024 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024 - 2026 được xây dựng có căn cứ xác thực và phù hợp với điều kiện thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đảm bảo nguồn lực tài chính cho việc thực hiện các nhiệm vụ được Nhà nước giao, VDB cần tích cực phối hợp và đề xuất các cơ quan quản lý Nhà nước (đặc biệt là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các vấn đề có liên quan. Theo đó, Bộ Tài chính cần sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tỷ lệ phí quản lý của VDB giai đoạn 2021 - 2023 để VDB có cơ sở xây dựng kế hoạch tài chính. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng cần thống nhất với các cơ quan liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước để VDB có cơ sở triển khai hoạt động cho vay đối với các dự án cũng như dự kiến được kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong các năm tiếp theo, làm cơ sở xây dựng kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước theo quy định.
Cùng với đó, VDB cũng cần báo cáo Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định hoặc báo cáo Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định[1] bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho VDB để thanh toán các khoản chênh lệch lãi suất và phí quản lý phát sinh từ năm 2021 đến hết năm 2025. Ngoài ra, VDB cũng cần chủ động xây dựng phương án xác định tỷ lệ phí quản lý của giai đoạn 2024 - 2026 để sớm báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch tài chính, ngân sách nhà nước của VDB cho giai đoạn 2024 - 2026 cũng như các năm sau đó.
Nếu tháo gỡ được các vấn đề vướng mắc nói trên, nguồn lực tài chính cho hoạt động của VDB thời gian tới sẽ được đáp ứng đầy đủ và kịp thời hơn. Không những vậy, việc lập kế hoạch tài chính, ngân sách nhà nước của VDB năm 2024 và các năm tiếp theo sẽ được thực hiện một cách thuận lợi và chính xác hơn, tránh được tình trạng phải báo cáo các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung như đã xảy ra trong thời gian vừa qua.
[1] Theo Điều 67 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 ngày 13/6/2019, thẩm quyền quyết định chính sách kế hoạch đầu tư công trung hạn được quy định như sau:
- Quốc hội quyết định điều chỉnh tổng thể kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách nhà nước trong trường hợp: (i) do điều chỉnh mục tiêu của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia; (ii) do thay đổi đột biến về cân đối ngân sách nhà nước hoặc khả năng huy động các nguồn vốn.
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách trung ương giữa các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong trường hợp không thay đổi tổng mức vốn trung hạn và hằng năm đã được Quốc hội quyết định.
- Thủ tướng Chính phủ căn cứ tình hình cụ thể trong kỳ kế hoạch quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương được giao trong tổng mức vốn của từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã được Quốc hội quyết định.
TS. Nguyễn Cảnh Hiệp