Theo đó, mặc dù quan hệ thương mại Nam-Nam (giữa các nước đang phát triển) tiếp tục phát triển mạnh mẽ và xu hướng chuyển đổi năng lượng là cơ hội rất lớn cho các nước đang phát triển, nhưng nhóm quốc gia này cũng đang đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc chặn đà giảm tốc kinh tế toàn cầu.
Tăng trưởng toàn cầu: Mức bình thường thấp mới
Trong năm 2024, kinh tế thế giới đã “hạ cánh mềm” - kiềm chế được lạm phát mà không rơi vào suy thoái. Mặc dù một số nước đang phát triển đạt được tốc độ tăng trưởng đầy hứa hẹn, song bức tranh kinh tế tổng thể của nhóm quốc gia này vẫn yếu ớt, dễ bị tổn thương bởi các cú sốc và rủi ro bắt nguồn từ xu hướng phân đoạn thương mại toàn cầu.
Trong năm 2024, một vài tiến triển tích cực đã xuất hiện. Mặc dù vẫn kéo dài, nhưng lạm phát tiếp tục hạ nhiệt cả tại các nước phát triển (AEs) và đang phát triển. Thị trường tài chính chao đảo trong tháng 8, nhưng không gây tác động lan truyền, mặc dù bất ổn vẫn kéo dài. Kinh tế tăng tốc tại một số nước đang phát triển như Ấn Độ, Rwanda, Việt Nam; tăng vững tại Bangladesh, Côte d’Ivoire (Bờ Biển Ngà), Indonesia. Thương mại quốc tế và dòng vốn vào ròng phục hồi từ mức thấp sau đại dịch. Sau vài năm chao đảo mạnh, giá cả hàng hóa đã giảm sâu từ đỉnh cao thiết lập trong 2022, mặc dù vẫn ở mức cao theo tiêu chuẩn lịch sử.
Bên cạnh những điểm sáng, một số thách thức vẫn hiện hữu. Với dự báo tăng 2,7% trong năm 2024-2025, kinh tế thế giới đang giảm tốc về mức bình thường mới, nhưng thấp hơn kết quả tăng trung bình 3,0% trong giai đoạn 2001-2019, và thấp xa tốc độ tăng trưởng trung bình 4,4% trong những năm trước khủng hoảng tài chính toàn cầu. Quan trọng hơn, dự báo này phản ánh xu hướng giảm tốc trong các nền kinh tế lớn (bao gồm: Mỹ, Trung Quốc), và tăng trưởng chậm chạp tại Liên minh châu Âu (EU), riêng các nước Nam Á là khu vực kinh tế năng động nhất. Mặc dù cuộc cách mạng công nghệ đang bùng nổ mạnh mẽ, nhưng yêu cầu tăng tốc hoạt động kinh tế vì mục tiêu phát triển bền vững vẫn là vấn đề xa vời đối với nhiều nước đang phát triển trước tác động đồng thời từ tình trạng nợ nần chồng chất, làn sóng đào thoát nguồn lực và tài chính, đầu tư trầm lắng và đời sống ngày càng khốn khó. Cho tới nay, mới chỉ có 1/46 nước nghèo nhất đáp ứng được triển vọng tăng trưởng GDP hằng năm 7% theo mục tiêu toàn cầu.
Đối với các nước đang phát triển, xu hướng giảm tốc này có vẻ gay gắt hơn. Mặc dù ghi nhận kết quả tăng cao đầy ấn tượng 6,6% trong giai đoạn 2003-2013, nhưng các nước đang phát triển đang đối mặt với xu hướng tăng trưởng chậm dần với mức tăng trưởng trung bình hàng năm 4,1% trong giai đoạn 2014-2024. Nếu không tính Trung Quốc, bức tranh kinh tế còn ảm đạm hơn, GDP tại những nước đang phát triển khác chỉ tăng 2,8% trong thập niên vừa qua. Trong khi đó, nợ nần tại các nước đang phát triển cũng tăng 70% trong giai đoạn 2010-2023, trầm trọng thêm nguy cơ phải triển khai các giải pháp khắc khổ để hỗ trợ tăng trưởng.
Tình hình thế giới có những dấu hiệu đáng lo ngại, nhất là nợ nần tại các nước đang phát triển. Sự kết hợp giữa mặt bằng lãi suất cao tại AEs và đồng tiền mất giá tại các nước đang phát triển đang thu hẹp dư địa chính sách và tăng chi phí dịch vụ nợ ngoại tệ, trầm trọng thêm áp lực tài khóa và nguy cơ bất ổn tài chính.
Một mối quan tâm không kém là, tỷ trọng nợ công tăng cao tại nhiều nước, dấu hiệu xác nhận một sự bình thường mới sau đại dịch. Đó là, trở lại chính sách thắt lưng buộc bụng. Trong 4 năm qua, nợ công tại các nước đang phát triển đã tăng 15%, nhiều nước đang sử dụng lợi nhuận thu được từ hoạt động xuất khẩu để chi trả dịch vụ nợ, nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết là phải cải tạo lại cấu trúc nợ quốc tế.
Quỹ đạo đình trệ toàn cầu cho thấy, tình trạng xói mòn tiềm năng tăng trưởng trong những năm khủng hoảng và lãi suất tăng cao, gây thiệt hại đáng kể cho các nước đang phát triển. Một sự ổn định bình thường mới ở mức tăng trưởng thấp đang hối thúc các nước đang phát triển phải tăng cường nỗ lực để xử lý những thách thức cơ bản đang đối mặt về kinh tế, xã hội, phát triển vầ môi trường.
Trong khi đang giảm tốc do tác động chồng chéo của khủng hoảng và biến đổi khí hậu, kinh tế toàn cầu lại đứng trước những thay đổi mạnh mẽ về công nghệ diễn ra vào thời điểm bất ổn địa chính trị leo thang. Những sự kiện này có tác dụng gì cho phát triển, và liệu các nước đang phát triển có phản ứng hiệu quả hay không?
Báo cáo 2024 nhận định, một số thay đổi hiện nay đang tạo ra điểm võng trong toàn cầu hóa (thay đổi đáng kể trong tiến trình phát triển), đặt ra nhiều thách thức cho các nước đang phát triển. Công nghệ mới gắn liền với chuyển đổi xanh, trí tuệ nhân tạo, tin sinh học và đổi mới tài chính, báo trước bình minh của làn sóng tăng trưởng toàn cầu tiếp theo. Chuỗi sự kiện này có thể dẫn đến việc sử dụng rộng rãi các loại nguyên liệu tổng hợp và các dây chuyền lắp ráp chi phí thấp, qua đó sẽ chuyển hóa các nền tảng cơ bản về phân công lao động và cạnh tranh thị trường. Song song với những tín hiệu lạc quan này, căng thẳng địa chính trị đang tác động ngấm ngầm đến các quyết định lao động và đầu tư, có thể thúc đẩy xu hướng làm việc tại nhà.
Theo nhiều cách thức, thế giới đang trải qua rối loạn tiếp theo về mức tăng trưởng chậm “bình thường mới” sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 15 năm qua. Tuy nhiên, những chuyển dịch quan trọng về địa chính trị và suy tính kinh tế - bao gồm sự trở lại của chính sách công nghiệp, các đối tác thương mại đa phương và tiến bộ công nghệ mới - là tín hiệu cho thấy, toàn cầu hóa đang đứng ở điểm võng. Liệu điểm uốn này có dẫn đến một mô hình toàn cầu thuận lợi hơn cho các nước đang phát triển và các mục tiêu phát triển bền vững vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.
Điểm võng không phải là phạm trù mới. 60 năm trước, UNCTAD được thành lập trong bối cảnh thế giới đứng trước những thay đổi nhanh chóng tương tự. Những thập niên sau chứng kiến cao trào phi thực dân hóa, sự sụp đổ của hệ thống tỷ giá cố định và kiểm soát vốn Bretton Woods, sự khởi đầu và thất bại sau đó đã định hình trật tự mới về kinh tế quốc tế, và bình minh của cuộc cách mạng công nghệ thông tin và truyền thông. Mỗi yếu tố đều định hình dứt khoát các quỹ đạo phát triển sẵn có cho các nước đang phát triển trong bối cảnh thương mại dẫn dắt toàn cầu hóa.
Điểm tựa hiện hành nhấn mạnh nhiều vấn đề mà các nước đang phát triển phải đối mặt từ bấy lâu nay. Áp lực trong nền tài chính toàn cầu, thương mại và nợ khắc sâu tình trạng chia rẽ trong nền kinh tế thế giới, nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm kiếm những phương pháp phát triển để dẫn dắt tăng trưởng bền vững và công bằng, thúc đẩy chuyển đổi xanh và tạo ra cấu trúc tài chính quốc tế có trách nhiệm đối với phát triển. Các cơ hội cũng đang nổi lên, kể cả đối với các nước đang phát triển để tái khớp nối các nhu cầu và ưu tiên.
Lạm phát và bất bình
Báo cáo nêu rõ, rối loạn các chuỗi cung ứng sau đại dịch, nhất là nông nghiệp và năng lượng đã thúc đẩy xu hướng tăng lạm phát và xói mòn sức mua tại các nước đang phát triển. Từ năm 2020, do lạm phát tăng cao, thu nhập của các hộ gia đình đã giảm 8%, dẫn đến làn sóng bất bình và rối loạn xã hội trên thế giới.
UNCTAD cảnh báo, phải nhanh chóng thay thế tình trạng chỉ lệ thuộc đơn thuần vào các động thái thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát bằng chính sách hỗn hợp, bao gồm các chiến lược tài khóa và điều chỉnh. Giải pháp này đòi hỏi phải phối hợp hành động để ổn định giá cả, mở rộng dư địa tài khóa, thu hẹp cạnh tranh không lành mạnh, và xúc tiến tăng trưởng toàn diện.
Thay đổi cấu trúc thương mại toàn cầu và tiềm năng thương mại Nam-Nam
Bất chấp những thách thức trên đây, mối quan hệ thương mại Nam-Nam đang tăng cao và chuyển đổi năng lượng là cơ hội lớn đối với các nước đang phát triển. Với giá trị thương mại Nam-Nam đã tăng trên hai lần từ 2,3 nghìn tỷ USD vào năm 2007 lên 5,6 nghìn tỷ USD vào năm 2023, các nước đang phát triển đang có cơ hội rất lớn trong việc giảm bớt sự phụ thuộc vào các đối tác truyền thống, tăng cường hội nhập kinh tế khu vực.
Thông qua các hiệp định thương mại và liên kết khu vực (như Hiệp định Thương mại tự do giữa châu Phi và các nước ASEAN) và triển khai các chính sách công nghiệp chiến lược, các nước đang phát triển có thể sẽ tránh được những rủi ro bắt nguồn từ tình trạng phân đoạn thương mại và xây dựng các nền kinh tế bền vững hơn.
Chuyển đổi năng lượng cũng là xu hướng phát triển mới, kéo theo nhu cầu về các loại đất hiếm và nguyên liệu thô - vốn đang tập trung tại châu Phi và Mỹ Latinh, cần thiết trong việc chuyển đổi sang các dòng xe điện, đổi mới năng lượng và kinh tế số.
Báo cáo nêu rõ những thách thức đáng kể trong cơ cấu thương mại toàn cầu. Đó là, trao đổi hàng hóa vẫn chiếm trên 75% giá trị thương mại toàn cầu, trong khi trao đổi dịch vụ chỉ chiếm chưa đầy 25%. Với mức tăng 5% kể từ năm 2023, trao đổi dịch vụ đang phát triển nhanh chóng và tạo ra tiềm năng phát triển mới cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên, xuất khẩu dịch vụ từ các nước đang phát triển vẫn chỉ chiếm dưới 30% trong tổng thu nhập từ xuất khẩu dịch vụ toàn cầu, phản ánh sự khác biệt đáng kể giữa AEs và các nước đang phát triển.
Tài chính hóa và biến động thị trường hàng hóa
UNCTAD cũng cảnh báo những rủi ro bắt nguồn từ tài chính hóa thị trường hàng hóa toàn cầu. Các nước phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu đang đối mặt với những tổn thương rất lớn do giá cả vẫn cao hơn 20% so với trước đại dịch, trầm trọng thêm tác động của các cú sốc từ bên ngoài. Đối với nhóm quốc gia này, cần đa dạng hóa chiến lược và chính sách thuế nhằm đảm bảo tính bền vững và nguồn tài chính dài hạn.
Tiêu dùng bị ảnh hưởng mạnh
Sau đại dịch, lạm phát bùng phát mạnh, chủ yếu bắt nguồn từ vấn đề cung ứng, với hiện tượng tắc nghẽn các chuỗi giá trị toàn cầu và độc quyền nhóm quá mức trong một số lĩnh vực, nhất là các mặt hàng nông nghiệp và năng lượng. Tình trạng lệ thuộc quá mức vào thắt chặt tiền tệ làm công cụ chính sách chủ chốt để kéo giảm lạm phát về mục tiêu đề ra, nhất là tại AEs, đã gây ra khó khăn quá mức ở trong và ngoài nước.
Kết quả là, dấu hiệu phục hồi sau đại dịch bị nhấn chìm bởi làn sóng bất bình rộng khắp. Giá cả hàng tiêu dùng và chi phí tín dụng tăng cao đã làm giảm thu nhập khả dụng của các hộ gia đình, hệ quả là chi tiêu dùng tại nhiều nước đã giảm xuống mức thấp hơn so với trước đại dịch. Thiệt hại do không đáp ứng đầy đủ nhu cầu về việc làm và thiếu việc làm trong lĩnh vực chế tạo đóng góp vào việc mở rộng tâm lý bất an về kinh tế. Tại nhiều AEs, điều này gieo rắc sự bất ổn ở trong nước và rủi ro phân đoạn quốc tế.
Căng thẳng thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, làm việc tại nhà và chứng khoán hóa các chuỗi cung ứng trở thành dấu hiệu xác thực thương mại quốc tế trong thập kỷ qua. Một phần, những thước đo này bắt nguồn từ cạnh tranh và mâu thuẫn giữa các thế lực kinh tế chủ chốt. Tuy nhiên, các chính sách mới về công nghiệp và thương mại cũng đòi hỏi phải có phản ứng chính trị trước làn sóng bất mãn xã hội vốn đang lan rộng trên toàn cầu.
Ngay cả khi chính sách công nghiệp trở lại chương trình nghị sự của AEs, nó vẫn nằm ngoài phạm vi công cụ chính sách tại các nước đang phát triển, nguyên nhân là do lo ngại rủi ro sẽ cao hơn lợi ích trong bối cảnh thiếu vắng khung khổ thể chế hợp lý. Tuy nhiên, những trường hợp thành công đã cho thấy, trong khi chính sách công nghiệp tạo ra rủi ro tất yếu, nó cũng thúc đẩy cải tiến trong cấu trúc quản trị và khung khổ quản lý.
Trong bối cảnh hiện nay, các chính sách công nghiệp phải thích ứng với những ràng buộc bên ngoài, và mở rộng sang tất cả các khu vực kinh tế, kể cả dịch vụ. Trên tầm quốc tế, điều này đòi hỏi phải tăng cường phối hợp chính sách, cả về chính sách khí hậu, góp phần giảm thiểu chi phí bắt nguồn từ biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, địa chính trị đang đẩy những mối quan tâm về môi trường và cải tiến chính sách công nghiệp khỏi vấn đề ưu tiên của nhiều chính phủ. Do đó, các thể chế đa phương là chìa khóa để tăng cường phối hợp chính sách giữa AEs và các nước đang phát triển.
Cần xem xét lại diễn biến kinh tế
UNCTAD kết luận, các nước đang phát triển đang đối mặt với việc đánh đổi chính sách bắt nguồn từ tác động chồng chéo của các cuộc khủng hoảng, bao gồm giá năng lượng leo thang, nhu cầu về dịch vụ y tế và xã hội tăng cao, chủ nghĩa bảo hộ ngày càng tăng. Báo cáo Thương mại và Phát triển năm 2024 hối thúc các nước theo đuổi các lộ trình phát triển mới, tập trung vào việc đa dạng hóa kinh tế, tăng trưởng toàn diện và bền vững, rút dần tình trạng chỉ lệ thuộc vào mô hình phát triển dựa trên sản xuất để xuất khẩu.
Cần cân nhắc lại các chiến lược phát triển toàn cầu, cải cách hệ thống tài chính quốc tế, phục hồi cam kết về chủ nghĩa đa phương nhằm cung cấp hỗ trợ thực sự cho các nước đang phát triển.
UNCTAD nhấn mạnh sự cần thiết phải suy tính lại chính sách phát triển và kinh tế vĩ mô, khẩn trương cải cách quản trị toàn cầu về cấu trúc nợ nần, tài chính và thương mại. Trong đó, giải pháp đa phương và chuyển dịch theo hướng tập trung phát triển nền tài chính toàn cầu đóng vai trò quan trọng, giúp các nước đang phát triển ngăn chặn rủi ro và tận dụng cơ hội trong kỷ nguyên tăng trưởng mới, nhằm mục tiêu phát triển bền vững và xử lý rối loạn.
Xuân Thanh