Chứng khoán MB (MBS) tiếp tục là công ty có nhiều tài khoản bị đóng nhất trong tháng 11 | |
Việt Nam đang có số lượng tài khoản chứng khoán cao kỷ lục | |
Số lượng tài khoản chứng khoán tăng đột biến trong tháng 7/2024 |
Theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm hơn 330.000 tài khoản trong tháng 8/2024, đánh dấu mức cao nhất trong vòng hơn hai năm kể từ giai đoạn tháng 5-6/2022. Đáng chú ý, sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ các cá nhân, trong khi các tổ chức chỉ tăng thêm 131 tài khoản.
Lũy kế từ đầu năm 2024, nhà đầu tư trong nước đã mở thêm hơn 1,4 triệu tài khoản chứng khoán, nâng tổng số tài khoản cá nhân lên hơn 8,6 triệu – chiếm khoảng 8,6% dân số. Con số này giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030.
Hình minh họa. |
Tâm lý nhà đầu tư thận trọng, giao dịch ảm đạm
Mặc dù số lượng tài khoản tăng mạnh, nhưng tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng trước các biến động toàn cầu. Giao dịch trên thị trường chứng khoán tiếp tục ảm đạm, với thanh khoản tháng 8 giảm 30% so với giai đoạn tháng 3-4, dù VN-Index vẫn duy trì ở mức điểm số tương đương. Thực tế, VN-Index đã tăng 2,6% trong tháng 8, vượt mốc 1.280 điểm nhưng nhanh chóng giảm trở lại từ đầu tháng 9.
Trong bối cảnh đó, dòng tiền từ các nhà đầu tư trong nước đóng vai trò chính, mặc dù không quá mạnh mẽ. Điểm tích cực là khối ngoại đã giảm bớt áp lực bán ròng. Sau giai đoạn xả hàng mạnh vào tháng 5 và 6, giá trị bán ròng của khối ngoại trên HoSE đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, khối ngoại vẫn bán ròng gần 66.000 tỷ đồng, một con số kỷ lục trong suốt 24 năm qua.
Khối ngoại vẫn tăng tài khoản, thị trường phái sinh thu hút nhà đầu tư nước ngoài
Dù liên tục bán ròng, khối ngoại vẫn tiếp tục mở thêm tài khoản tại Việt Nam. Tháng 8/2024, số tài khoản nhà đầu tư nước ngoài tăng 255 tài khoản, nâng tổng số tài khoản lên 47.004. Trong đó, cá nhân tăng 262 tài khoản, trong khi số lượng tài khoản tổ chức giảm nhẹ.
Thị trường chứng khoán phái sinh tháng 8 cũng ghi nhận khối lượng giao dịch tăng với trung bình 213.127 hợp đồng VN30 mỗi phiên, tương ứng giá trị giao dịch danh nghĩa đạt 27.299 tỷ đồng/phiên. Đáng chú ý, khối lượng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đạt tỷ trọng 3,04%, cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn đối với thị trường phái sinh Việt Nam, dù sự tham gia của các tổ chức nước ngoài vẫn còn hạn chế.
Tổng khối lượng hợp đồng mở (OI) tại ngày giao dịch cuối tháng 8 đạt 51.500 hợp đồng, giảm 12,12% so với tháng trước.
Đánh giá về TTCK phái sinh, theo HNX, đến nay, sau 7 năm hoạt động, thị trường đã được vận hành liên tục, ổn định và đạt nhiều kết quả về mọi mặt. Thị trường có bước tăng trưởng rất tốt, giao dịch sôi động và thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường. Tăng trưởng quy mô giao dịch hàng năm của TTCK phái sinh đạt bình quân 28,21%/năm trong giai đoạn từ năm 2018 đến cuối năm 2023. Đặc biệt, năm 2020 tăng 79,9% so với năm 2019 và năm 2022 tăng 44,03% so với năm 2021.
Anh Vũ