Trong văn bản vừa công bố, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) lưu ý khả năng hủy niêm yết của cổ phiếu POM. Theo cơ quan này, cổ phiếu POM hiện đã nằm trong diện kiểm soát vì chậm nộp BCTC năm đã được kiểm toán trong 2 năm liên tiếp.
Ảnh minh họa |
Nếu chậm thêm 1 lần nữa, cổ phiếu POM sẽ rơi vào trường hợp bị hủy niêm yết theo điểm i khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ, trong đó quy định: “Cổ phiếu của công ty đại chúng sẽ bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra trường hợp sau đây: i) Tổ chức niêm yết vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp”.
Thông tin trên nối tiếp chuỗi tin tiêu cực đã đẩy hãng thép lớn mạnh một thời này vào tình trạng khủng hoảng.
Được biết, quý 4/2023, doanh thu thép tiêu thụ nội địa của POM giảm sâu 80% so với cùng kỳ còn 214 tỷ. Doanh thu xuất khẩu cũng giảm 71% xuống 98 tỷ đồng. Thị trường tiêu thụ cả nội địa và xuất khẩu đều yếu khiến doanh thu thuần của Pomina còn 333 tỷ, giảm 82% so với quý 4/2022. Giá vốn vẫn cao nên công ty chỉ còn 22 tỷ lợi nhuận gộp.
Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm 71,7% về còn 8,59 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm 24% và 49% còn hơn 1,9 tỷ đồng và gần 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí lãi vay tăng 48% lên tới 214 tỷ trong quý 4. Ngoài ra, công ty cũng ghi nhận khoản lỗ khác 148 tỷ (không được thuyết minh). Kết quả, Pomina lỗ ròng 313 tỷ trong quý 4/2023. Đây là quý thứ 7 thua lỗ liên tiếp của Pomina.
Giải trình về kết quả này, Thép Pomina cho biết, Nhà máy thép Pomina 3 vẫn còn ngưng hoạt động nhưng phải gánh nhiều chi phí trong đó có chi phí lãi vay. Công ty đang tái cấu trúc lại và đã tìm được nhà đầu tư mới, mọi thủ tục đang chờ phê duyệt của Đại hội đồng cổ đông dự kiến tiến hành 15/3/2024, sau khi đại hội cổ đông, Công ty sẽ đưa nhà máy thép Pomina 3 vào hoạt động trở lại, dự kiến đầu quý II/2024.
Ngoài ra, Thép Pomina còn cho biết tình hình bất động sản vẫn trong tình trạng đóng băng, nhu cầu tiêu thụ thép và doanh thu trong kỳ sụt giảm mạnh, trong khi chi phí cố định và lãi vay cao gây lỗ lớn trong kỳ.
Lũy kế cả năm 2023, Pomina đạt doanh thu thuần hơn 3.280 tỷ đồng, giảm 75% so với mức thự hiện của năm ngoái và bị lỗ sau thuế 960 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức lỗ 1.168 tỷ năm 2022. Đây là mức thua lỗ nặng nhất của các doanh nghiệp ngành thép trong năm nay, tính đến thời điểm hiện tại. Tính tới 31/12/2023, tổng lỗ luỹ kế của Thép Pomina 1.270,96 tỷ đồng, bằng 45,4% vốn chủ sở hữu.
Trước đó, sau khi ghi nhận khoản lỗ nặng nhất ngành thép năm 2022, Thép Pomina đặt kế hoạch doanh thu năm 2023 ở mức 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 150 tỷ đồng. Như vậy, mức lỗ năm 2023 đã vượt xa kế hoạch lỗ 150 tỷ đồng.
Về tình hình tài chính, tổng tài sản cuối năm của Pomina đạt 10.404 tỷ đồng. Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất là tài sản dở dang dài hạn với 5.808 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 1.603,2 tỷ đồng, chiếm 15,4% tổng tài sản. Đáng chú ý, tiền và tương đương tiền của doanh nghiệp đã giảm tới 95% so với đầu năm, chỉ còn hơn 10 tỷ đồng.
Phía nguồn vốn, nợ phải trả tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm, lên mức 8.809 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn của Pomina đang lớn hơn tài sản ngắn hạn 4.864,3 tỷ đồng. Tổng dư nợ vay là hơn 6.300 tỷ đồng, gồm 5.400 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 845 tỷ đồng nợ vay dài hạn.
Sau 2 năm thua lỗ liên tiếp, trong năm 2023, dòng tiền kinh doanh chính của Thép Pomina chuyển sang trạng thái âm 331,3 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 15,3 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận dương 8,2 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 127,1 tỷ đồng.
Chưa hết, quá trình tái cấu trúc của hãng thép này cũng đang gặp trục trặc khi kế hoạch phát hành riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược Nansei của Nhật Bản bị tạm ngưng. Tuy vậy, trong giải trình về kết quả kinh doanh quý 4/2023, Pomina cho biết “đã tìm được nhà đầu tư mới. Mọi thủ tục đang chờ phê duyệt tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường dự kiến diễn ra vào ngày 15/03/2024”.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu POM giảm từ mức 8.450 đồng/cp về mức 5.190 đồngcổ phiếu (kết phiên 2/2/2024). Thậm chí cuối tháng 10/2023, mã có thời điểm giảm về mức 4.300 đồng/cp.
Ngoài ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh, cổ phiếu POM của Thép Pomina còn chịu áp lực từ làn sóng bán tháo của người thân liên quan đến lãnh đạo doanh nghiệp. Tính tới ngày 15/01/2024, những người liên quan tới Chủ tịch HĐQT Đỗ Duy Thái đã bán ra hơn 31 triệu cổ phiếu POM, tương đương hơn 11% vốn điều lệ công ty. Hiện tại, vẫn còn gần 4 triệu cổ phiếu POM đang được đăng ký bán ra và chưa hoàn tất giao dịch. Trước đó, Pomina cho biết các giao dịch của người liên quan chủ yếu là để cấn trừ nợ với nhà cung cấp. Theo thỏa thuận với các nhà cung cấp, tổng số lượng cấn trừ lên đến 21 triệu cổ phiếu POM, tương đương giá trị cấn trừ gần 188 tỷ đồng. Trong đó, Pomina chủ yếu cấn trừ với giá 10000 đồng/cp (gấp đôi thị giá). Sau khi cấn trừ, các nhà cung cấp sẽ trở thành cổ đông của Pomina. Tuy nhiên, số lượng cổ phiếu đã bán và đăng ký bán của nhóm người liên quan đã lên đến 36 triệu cổ phiếu, cao hơn mức 21 triệu cổ phiếu mà doanh nghiệp công bố. Hiện tại, vẫn chưa rõ lý do cho động thái này, nhưng cũng có thể nguyên nhân xuất phát từ lý do cấn trừ nợ. |
Khó khăn chồng chất, Thép Pomina triệu tập ĐHĐCĐ bất thường bàn phương án tái cấu trúc Trong bối cảnh thua lỗ kéo dài, nợ quá hạn cao ngất ngưởng, cộng với áp lực bán tháo cổ phiếu, Thép Pomina sẽ tiến ... |
Thị trường chứng khoán ngày 30/1/2024: Thông tin trước giờ mở cửa Bộ 3 trụ cột đồng loạt điều chỉnh, VN-Index "nhẹ xanh"; NEM giải trình việc giá cổ phiếu tăng trần 11 phiên liên tiếp; Hai ... |
Động thái gây bất ngờ của Thép Pomina Lên kế hoạch huy động 701,75 tỷ đồng từ cổ đông chiến lược để tái cấu trúc nhưng Thép Pomina bất ngờ thông qua việc ... |
Nguyên Nam