Phiên giao dịch chiều ngày 4/6, thị trường tiếp tục giữ vững sắc xanh mặc dù các nhóm ngành có sự phân hóa khá rõ rệt. Đáng chú ý tại nhóm cổ phiếu ngành thép, dòng tiền tỏ ra ưu ái khi đổ bộ tương đối mạnh, nhất là tại các mã đầu ngành.
Tính đến 2h chiều cùng ngày, sắc xanh phủ khắp toàn nhóm với đầu tàu tăng giá tại HSG của Hoa Sen, thanh khoản khớp lệnh lên tới gần 30 triệu cổ phiếu. Cũng tăng mạnh không kém cạnh là NKG của Thép Nam Kim với +3,42%, thanh khoản khớp lệnh đạt hơn 14 triệu cổ phiếu.
HPG tuy chỉ tăng nhẹ, nhưng khối lượng giao dịch lại đột biến lên tới hơn 36 triệu đơn vị, thuộc top thanh khoản cao nhất thị trường phiên hôm nay. Các cổ phiếu nhỏ hơn khác như CMS, TVN, TLH... đều có sắc "xanh nhẹ", thanh khoản cũng cải thiện rõ rệt với hàng triệu đơn vị sang tay.
Dòng tiền tỏ ra ưu ái cổ phiếu ngành thép |
Chứng khoán Vietcap vừa dự báo tổng sản lượng bán hàng năm 2024 của Tập đoàn Hoà Phát sẽ đạt 4,2 triệu tấn, tăng 10% so với năm 2023. Qua đó, giúp doanh thu cả năm nay tăng 10%, đạt 130.878 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế tăng 123%, đạt 15.144 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mục tiêu lợi nhuận sau thuế 10.000 tỷ đồng mà Tập đoàn Hoà Phát đang đề ra.
Trong đó, Chứng khoán Vietcap nhận định sản lượng bán hàng thép HRC của Tập đoàn Hoà Phát trong năm nay sẽ đạt 2,8 triệu tấn, tương đương so với năm 2023, do công suất của tập đoàn đã đạt mức tối đa. Đối với mảng tôn mạ, dự kiến sản lượng bán hàng sẽ tăng 10% so với năm 2023, đạt 362.000 tấn.
Mặt khác, việc triển khai “siêu” dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất 2 được dự báo sẽ đi vào hoạt động từ đầu năm sau, sẽ giúp Tập đoàn Hoà Phát ghi nhận biên lợi nhuận gộp tốt hơn.
Không chỉ Hòa Phát mà các doanh nghiệp lớn như Hoa Sen hay Nam Kim cũng được đánh giá sẽ có nhiều sự phục hồi lớn nhờ sự phục hồi giá thép và nhu cầu từ các nhà thầu lớn, còn các doanh nghiệp nhỏ sẽ gặp khó tìm kiếm đầu ra.
Về triển vọng ngành thép từ nay đến cuối năm, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho rằng bức tranh chung là khả quan nhưng sẽ có sự phân hóa.
Theo đó, các yếu tố như (1) đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước dự kiến sẽ giữ vững sự phục hồi dự kiến tăng 6% với các dự án lớn như cao tốc Bắc Nam hay sân bay Long Thành, (2) ngành bất động sản tuy có sự phục hồi nhu cầu phân khúc căn hộ nhưng mang tính đầu cơ…. sẽ tiếp tục là động lực cho triển vọng kinh doanh của ngành.
Trong đó, các doanh nghiệp lớn như Hòa Phát hay Hoa Sen sẽ có nhiều sự phục hồi lớn nhờ sự phục hồi giá thép và nhu cầu từ các nhà thầu lớn, song các doanh nghiệp nhỏ sẽ gặp khó tìm kiếm đầu ra.
Trong bối cảnh kinh doanh khởi sắc, tỷ suất sinh lời của ngành thép trong quý 1/2024 thấp hơn một chút so với VN-Index. Đáng chú ý, tăng trưởng giá của đa số các cổ phiếu trong ngành như HPG, NKG và HSG cho thấy sự vượt trội với động lực chính từ năng suất bán hàng và xuất khẩu của thép thành phẩm được cải thiện trong đầu năm 2024.
Tuy vậy, nhóm phân tích của TPS cho rằng, định giá của nhóm thép hiện đã ở mức khá cao so với mức trung bình của ngành, P/E đạt 23,1x lần so với mức âm trong bình quân 3 năm qua. Các cổ phiếu nổi bật trong ngành phần lớn đều đang giao dịch nhỉnh hơn so với mức trung bình. cho thấy triển vọng hồi phục năm 2024 đã bắt đầu phản ánh vào giá cổ phiếu, trong khi vẫn còn những rủi ro ngắn hạn về biến động giá nguyên liệu và sức ép từ thị trường Trung Quốc.
Khi nào cổ phiếu POM của Thép Pomina thoát án hạn chế giao dịch? Bị hủy niêm yết trên HOSE và phải về lại thị trường UPCoM, cổ phiếu POM còn mang theo án hạn chế giao dịch... |
Bàn về cổ phiếu HSG: Sen nở nhưng chưa hẳn được mùa Chứng khoán DSC vừa có báo cáo phân tích về triển vọng Tập đoàn Hoa Sen cùng mức định giá hợp lý của cổ phiếu ... |
Chứng khoán phiên sáng 4/6: Nhóm thép khởi sắc, VN-Index áp sát mốc 1.290 điểm Chứng khoán phiên sáng 4/6, thị trường tiếp tục bùng nổ. Nhóm cổ phiếu thép trở lại với ba cái tên đại diện HPG, HSG, ... |
Linh Đan