Mới đây, nhóm quỹ thuộc Dragon Capital quản lý ra thông báo đã mua vào tổng cộng 282.500 cổ phiếu VHC cua Công ty CP Vĩnh Hoàn (Mã chứng khoán: VHC ). Giao dịch được thực hiện trong phiên 10/11.
Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của cả nhóm đã tăng từ 5,85% (10,72 triệu cổ phiếu) lên mức 6% (11 triệu cổ phiếu). Tạm tính theo thị giá VHC đóng cửa ngày diễn ra giao dịch (10/11), số tiền Dragon Capital có thể chi ra vào khoảng 21 tỷ đồng.
Nhóm quỹ ngoại cũng đồng thời báo cáo giao dịch trong phiên 9/11 trước đó, tiến hành gom thêm 600.000 cổ phiếu HDG của Công ty CP Tập đoàn Hà Đô. Hiện tỷ lệ sở hữu của Dragon Capital tại HDG tăng từ 9,79% (23,95 triệu cổ phiếu) lên mức 10,04% (24,55 triệu cổ phiếu). Tạm tính theo giá đóng cửa cùng phiên, nhóm quỹ đã chi khoảng 17 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch này.
Thời gian gần đây Dragon Capital đang liên tục giao dịch mua bán cổ phiếu. Cũng trong phiên 9/11, nhóm quỹ đã mua vào 300.000 cổ phiếu của Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (mã chứng khoán: FRT), tăng tỷ lệ sở hữu lên 5,23% và trở thành cổ đông lớn của công ty. Ở chiều ngược lại, quỹ ngoại đã liên tục bán mạnh hàng triệu cổ phiếu bất động sản như KBC, KDH trong bối cảnh thị giá những mã chứng khoán này lao dốc.
Tuy nhiên, thực tế đà giảm của cổ phiếu không phải là nguyên nhân duy nhất khiến Dragon Capital quyết định thoái vốn. Minh chứng là việc nhóm quỹ này vẫn gom thêm cổ phiếu HDG bất chấp thị giá đang rơi xuống giao dịch tại vùng đáy gần 22 tháng. Chốt phiên 14/11, thị giá HDG giảm gần 5% xuống 25.000 đồng/cp, tương ứng mất hơn 59% so với đỉnh cuối tháng 3.
Trong khi đó, VHC mặc dù đang có đà phục hồi tương đối tốt với nhiều phiên tăng điểm gần đây, thị giá chốt phiên 14/11 đạt 74.500 đồng/cp, tăng gần 15% sau khoảng 2 tuần tuy nhiên vẫn mất hơn 33% kể từ đỉnh hồi đầu tháng 6 năm nay.
Vĩnh hoàn báo lãi quý III/2022 tăng 79,5% so với cùng kỳ năm trước
Công ty CP Vĩnh Hoàn công bố BCTC hợp nhất quý III/2022 với doanh thu đạt 3.261,4 tỷ đồng, tăng 46,2% so với cùng kỳ; lợi nhuận gộp tăng 52,8% lên 625 tỷ đồng; biên lợi nhuận tăng từ 18,3% lên 19,2%.
Doanh thu tài chính tăng 224,8% lên 163,3 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 139,4% lên 106,89 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng từ 60,6 tỷ đồng lên 64,3 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 57% lên 0,7 tỷ đồng. Kết quả, Vĩnh Hoàn báo lãi quý III/2022 đạt 459,8 tỷ đồng, tăng 79,5% so với cùng kỳ.
Lũy kế trong 9 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu đạt 10.755,3 tỷ đồng, tăng 69,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 1.815 tỷ đồng, tăng 179,7% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn: BCTC Vĩnh Hoàn |
Năm 2022, Vĩnh Hoàn đặt mục tiêu doanh thu 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.600 tỷ đồng, lần lượt tăng 43,6% và 45,6% so với thực hiện trong năm 2021. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp thực hiện được 82,7% mục tiêu doanh thu và 113,4% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính đến cuối tháng 9/2022, tổng tài sản của Vĩnh Hoàn đạt 11.907 tỷ đồng, tăng hơn 36% so với đầu năm.
Đáng chú ý, Vĩnh Hoàn đang gửi ngân hàng 1.645 tỷ đồng và đầu tư chứng khoán 191 tỷ đồng đa phần là các cổ phiếu NLG, DXS, KBC. Khoản đầu tư cổ phiếu của công ty đang phải trích lập dự phòng gần 79 tỷ đồng, hơn 41% giá trị gốc.
Trong đó, so với đầu năm, VHC đã tăng vốn đầu tư rót vào cổ phiếu NLG và đầu tư mới vào KBC từ quý II/2022.
Hàng tồn kho tăng gần 70% lên 3.177 tỷ đồng. Trong đó, đầu năm Vĩnh Hoàn ghi nhận giá trị thành phẩm 699,7 tỷ đồng, trích lập dự phòng 87 tỷ đồng nhưng tới cuối quý III/2022, giá trị thành phẩm tăng 80% lên 1.263,5 tỷ đồng, Công ty đã trích lập giảm giá thành phẩm là 371,3 tỷ đồng, tăng trích lập thêm 284,3 tỷ đồng so với đầu năm.
Về nguồn vốn, nợ phải trả tăng 41,7% lên 4.043 tỷ đồng; nợ ngắn hạn tăng 43,5% lên 3.847 tỷ đồng; tổng nợ vay tăng 41,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 779,9 tỷ đồng lên 2.671,3 tỷ đồng và chiếm 22,4% tổng nguồn vốn. Vốn góp chủ sở hữu đạt 7.863 tỷ đồng, tăng 34% so với đầu năm.
Nguyên Nam