Xuất khẩu cà phê tháng 1 cao kỷ lục
Theo dữ liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 1/2024 đạt 238.266 tấn, tăng 14,8% so với tháng 12/2023 và tăng 67,4% so với tháng 1/2023. Kim ngạch cà phê xuất khẩu trong tháng 1/2024 đạt 726,60 triệu USD, tăng 21,2% so với tháng 12/2203 và tăng 133,7% so với tháng 1/2023. Đây cũng là tháng có khối lượng xuất khẩu cao nhất của ngành cà phê trong gần 13 năm qua và kim ngạch cao kỷ lục từ trước đến nay.
Luỹ kế trong 4 tháng đầu niên vụ 2023-2024 (tháng 10/2023 đến tháng 1/2024), xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 564.699 tấn (tương đương 9,4 triệu bao loại 60kg), tăng 20,6% so với cùng kỳ niên vụ 2022-2023. Giá xuất khẩu bình quân cà phê trong tháng đầu năm đạt 3.050 USD/tấn, tăng 5,6% so với tháng trước và tăng 39,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam trong tháng đầu năm, chiếm 36,8% thị phần với khối lượng đạt 87.748 tấn, kim ngạch 263,2 triệu USD, tăng 9,6% về lượng và 17,9% về kim ngạch so với tháng trước.
Trong khối EU, lượng cà phê xuất khẩu sang Đức đạt 26.976 tấn, giảm 3,5%; Italy đạt 22.915 tấn, tăng 35,1%; Tây Ban Nha với 16.046 tấn, tăng 34,1%... Lượng cà phê xuất khẩu sang một số thị trường lớn khác cũng ghi nhận kết quả tích cực so với tháng trước như: Mỹ và Trung Quốc tăng hơn 3%, đặc biệt Nga và Indonesia tăng tới 106% và 233,1%... Ngược lại, xuất khẩu sang Nhật Bản, Algeria và Hàn Quốc có sự sụt giảm.
Trước đó trong năm 2023, xuất khẩu cà phê đạt hơn 1,6 triệu tấn (khoảng 27 triệu bao), giảm 8,7% so với năm 2022 nhưng kim ngạch thu về tăng 4,6% lên mức kỷ lục hơn 4,24 tỷ USD.
Năm vừa qua chứng kiến sự bùng nổ của giá cà phê trong nước và xuất khẩu. Đây cũng là yếu tố chính giúp cho ngành cà phê tiếp tục gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu dù sản lượng sụt giảm.
Ở thị trường nội địa, giá cà phê robusta nhân xô đã tăng 70- 75% trong năm 2023, từ mức 40.000 đồng/kg thời điểm đầu năm lên 70.000 đồng/kg trong những ngày cuối năm.
Giá và phê trong nước vượt đỉnh 83.000 đồng/kg
Tại thị trường trong nước, từ đầu năm đến nay giá cà phê liên tục xác lập các mức đỉnh mới. Giá cà phê hôm nay tại khu vực Tây Nguyên tăng từ 800 - 900 đồng/kg, nhiều địa phương vượt mốc 83.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá cà phê hôm nay tại Lâm Đồng tăng 900 đồng/kg, lên mức 82.500 đồng/kg - thấp nhất trong các địa phương khảo sát.
Giá cà phê hôm nay tại Gia Lai tăng 800 đồng/kg, lên mức 83.000 đồng/kg; tại Đắk Lắk tăng 900 đồng/kg, xuống mức 83.100 đồng/kg.
Trong khi đó, giá cà phê hôm nay tại Đắk Nông tăng 900 đồng/kg, lên mức 83.400 đồng/kg - mức cao nhất trong các địa phương.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 3 trên sàn London dao động ở mức 3.248 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 21/2, tăng 4% so với một tháng trước và cao hơn 47,5% cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 10/2 giá cà phê robusta thậm chí đã đạt 3.349 USD/tấn, mức cao nhất từ trước đến nay. Còn với cà phê arabica, giá kỳ hạn gần trên sàn giao dịch New York dao động ở mức 186 - 190 US cent/pound trong hơn một tháng trở lại đây và tương đương cùng kỳ năm ngoái.
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), giá cà phê robusta liên tục tăng cao trong thời gian gần đây do những lo ngại về tình hình nguồn cung, đặc biệt là ở Việt Nam và Indonesia.
Tại Việt Nam, các thương nhân vẫn đang giữ lại cà phê với kỳ vọng giá cao hơn, điều này càng làm trầm trọng thêm các vấn đề về nguồn cung vốn đang thắt chặt tại quốc gia sản xuất robusta lớn nhất thế giới. Theo ước tính của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) sản lượng cà phê niên vụ 2023-2024 của Việt Nam tiếp tục giảm thêm 10% so với vụ trước.
Còn tại Indonesia, ICO cho biết vụ thu hoạch cà phê năm 2023-2024 của Indonesia ước tính giảm 16,6% so với niên vụ trước xuống còn 10 triệu bao, do mưa quá nhiều trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 5/2023 đã gây thiệt hại đối với trái cà phê.
Trong khi đó, tồn kho robusta trên sàn ICE tính đến ngày 20/2 tiếp tục sụt giảm xuống mức thấp kỷ lục là 19.600 tấn (khoảng 326.667 bao, bao 60 kg), mức thấp nhất kể từ năm 2014. Ngoài ra, giá cà phê robusta còn được hỗ trợ bởi tình trạng ách tắc của tuyến hàng hải Âu – Á qua Biển Đỏ vẫn tiếp diễn.
Bên cạnh sự sụt giảm về sản lượng, việc sử dụng cà phê nguyên liệu cho các hoạt động rang xay và chế biến sâu tại thị trường nội địa Việt Nam cũng ngày một tăng lên do có nhiều dự án đầu tư, mở rộng công suất nhà máy. Điều này có thể kéo theo nguồn cung cà phê xuất khẩu giảm xuống trong thời gian tới.
Thị trường nông sản ngày 19/2/2024: Hồ tiêu, cà phê tăng vọt Theo ghi nhận, trong phiên giao dịch đầu tuần (19/2/2024), thị trường nông sản biến động nhẹ. Đối với ngành hồ tiêu, cà phê thị ... |
Thị trường hàng hóa thế giới trầm lắng trong ngày nghỉ lễ President's day Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu khá trầm lắng trong ngày 19/2. |
Thị trường nông sản ngày 20/2/2024: Ngành gạo giảm, cà phê tích cực leo dốc Theo ghi nhận, trong phiên giao dịch ngày 20/2/2024, thị trường nông sản tăng giảm trái chiều. Đối với ngành cà phê thị trường tiếp ... |
Khánh Vân (t/h)