Thị trường cảng biển chờ cơ hội khi... "bão tan"

29/09/2023 - 02:27
(Bankviet.com) Vượt qua bối cảnh khó khăn trong 8 tháng đầu năm 2023, ngành cảng biển Việt Nam đang đón nhận nhiều tin vui, mở ra kỳ vọng mới nhưng vẫn còn đó những thách thức tiềm ẩn về hoạt động xuất nhập khẩu.
Thị trường cảng biển chờ cơ hội khi...
Vượt qua bối cảnh khó khăn trong 8 tháng đầu năm 2023, ngành cảng biển Việt Nam đang đón nhận nhiều tin vui, mở ra kỳ vọng mới nhưng vẫn còn đó những thách thức tiềm ẩn về hoạt động xuất nhập khẩu.

Gập ghềnh cảng biển

Nửa đầu năm 2023, cùng với những tác động tiêu cực từ nền kinh tế thế giới và sự suy thoái kinh tế gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại cũng như sản lượng vận tải biển, ngành cảng và vận tải biển ở nước ta đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức.

Trước đó, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023, đại diện Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) nhận định, thị trường tàu hàng rời, tàu container sẽ suy giảm mạnh trong năm nay do lạm phát cao và gia tăng ở nhiều quốc gia, suy thoái toàn cầu ảnh hưởng tới năng lực mua sắm hàng hoá, lượng hàng tồn kho tích trữ nhiều.

Do đó, lĩnh vực cảng biển của Việt Nam sẽ tiếp tục gặp nhiều bất lợi vì nguồn hàng có nguy cơ suy giảm bởi các yếu tố đầu vào của thị trường. Hơn nữa, số lượng đơn hàng sụt giảm khiến các nhà máy phải hoạt động cầm chừng, đóng cửa trong khi mảng xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có dấu hiệu chững lại bắt đầu từ quý IV/2022.

Bình luận về bức tranh cảng biển, Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) nhận định, sau 8 tháng đầu năm 2023, hoạt động thông quan và xuất nhập khẩu của Việt Nam đã chạm đáy khi các chỉ số đều giảm. Cụ thể, giá trị xuất nhập khẩu đang ở mức 435,2 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, giá trị xuất khẩu và nhập khẩu đạt lần lượt là 227,7 tỷ USD và 207,5 tỷ USD, tương ứng giảm 10% và 16,2% so với cùng kỳ năm 2022. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều giảm giá trị xuất khẩu đáng kể như: hàng điện tử (giảm 1,5%), điện thoại (giảm 15,4%), máy móc (giảm 10,3%) và dệt may (giảm 15%).

Đáng chú ý, trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng quý I/2023 giảm 16,4% so với cùng kỳ trong khi nhiều thị trường lớn khác lại suy giảm. Điển hình như Mỹ (giảm 19,3%, Nhật Bản (giảm 3,8%), Hàn Quốc (giảm 7,2%) và Canada (giảm 17,8%).

Thị trường cảng biển chờ cơ hội khi...
Sau những khó khăn “chồng chất”, ngành cảng biển Việt Nam cũng đón nhận những “tin vui” kể từ sau tháng 5/2023.

Bù lại, hoạt động thông quan đang có dấu hiệu phục hồi với khối lượng thông quan 8 tháng đầu năm 2023 ước tính đạt 495,8 triệu tấn, quay trở lại mức tăng trưởng dương (tăng 0,1%). Xét về sản lượng container, những tín hiệu tích cực dần xuất hiện với tốc độ giảm lũy kế ngày càng thu hẹp.

Tổng sản lượng container 8 tháng năm 2023 ước đạt 15,9 triệu TEU, vẫn giảm 6,1% so với cùng kỳ, sản lượng container xuất và nhập khẩu gần như tương xứng.

Ánh sáng phục hồi

Sau những khó khăn chồng chất, ngành cảng biển Việt Nam cũng đón nhận những tin vui kể từ sau tháng 5/2023. Với mảng sản xuất trong nước và FDI, áp lực từ nhu cầu suy yếu đã giảm trong quý III/2023 với chỉ số IIP duy trì đà tăng 4 tháng liên tiếp. Trong khi đó, PMI của Việt Nam cho tín hiệu tạo đáy và tăng vượt trên ngưỡng 50 vào tháng 8/2023.

Ngoài ra, trong 7 tháng đầu năm 2023, FDI sản xuất, chế biến vẫn ổn định với vốn đăng ký lũy kế đạt 271,2 tỷ USD, tăng 6.6% so với cùng kỳ và số dự án còn hiệu lực đạt tới 16,389, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký mỗi dự án tăng lên 16,6 triệu USD, trong khi năm 2022 đạt 16,3 triệu USD.

Với sự kiện đặc biệt lớn là chuyến thăm Việt Nam thành công của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Việt Nam được hưởng lợi và ký kết được thêm nhiều dự án lớn. Đặc biệt, Nhà Trắng đã ra tuyên bố công bố thỏa thuận hợp tác giữa Công ty điều hành cảng SSA Marine và Tập đoàn Gemadept (GMD) về phát triển cảng biển chiến lược tại khu vực phía Nam Việt Nam, trong đó có trung tâm logistics Cái Mép Hạ trị giá 6,7 tỷ USD (tương đương 160,8 tỷ đồng).

MAS cũng lạc quan tin tưởng rằng Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ Mỹ nhờ mối quan hệ song phương ngày càng tốt đẹp, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và logistics. Ngoài ra, hai bên đã cam kết tạo điều kiện thuận lợi để mở cửa thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của nhau cùng các chính sách kinh tế và thương mại sẽ hỗ đạt được mục tiêu này.

Các vấn đề như rào cản tiếp cận thị trường cũng đã được giải quyết thông qua Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, ngành cảng biển và logistics của Việt Nam sẽ là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất từ việc cải thiện mối quan hệ Việt - Mỹ bởi Mỹ hiện đang là khách hàng lớn nhất của hàng hóa Việt Nam.

Ngoài cảng biển Cái Mép Hạ, chính quyền TP. HCM cũng đã đề xuất dự án cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ với vốn đầu tư ước tính đạt 5,45 tỷ USD. Dự án này sẽ gồm 7 giai đoạn, giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành vào năm 2027.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn một dự án lớn khác là cảng biển Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng có tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD, dự kiến sẽ trở thành cảng trọng điểm ở đồng bằng sông Cửu Long.

Không chỉ được hưởng lợi từ những dự án lớn, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam cũng cho thấy sự cải thiện dần dần so với đầu năm. Tuy nhiên, ngành cảng biển Việt Nam vẫn cần cẩn trọng trước một số thách thức.

MAS nhận định, bất chấp các tín hiệu phục hồi trong quý III/2023, Việt Nam không nên chủ quan vào giá trị hoặc khối lượng xuất nhập khẩu sẽ phục hồi mạnh mẽ ở năm 2024 bởi tiết kiệm hộ gia đình ở Mỹ vẫn ở mức thấp, điều này báo hiệu không tốt cho hoạt động tiêu dùng trong tương lai.

Ngoài ra, Fed còn cho biết sẽ thực hiện ít nhất một đợt tăng lãi suất trong năm 2023 và sẽ duy trì lãi suất cao ít nhất cho đến tháng 6/2024 khiến chính sách tiền tệ bị thắt chặt, đe dọa sự phục hồi tiêu dùng ở Mỹ. Hơn nữa, sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc và công suất cảng biển dư thừa trong ngắn hạn có thể gây giảm nhu cầu trong quý IV/2023 và năm 2024.

Sôi động trở lại

Trong báo cáo này, MAS chỉ gợi ý duy nhất 1 mã cổ phiếu VSC của Công ty CP Container Việt Nam (HOSE: VSC) dù kết quả kinh doanh chưa thực sự tốt. VSC là công ty logistics hoạt động kinh doanh chủ yếu tại miền Bắc Việt Nam thông qua hệ thống cảng biển, depot, kho bãi và phương tiện vận tải tại cảng Đình Vũ, Hải Phòng.

Được biết, VSC có tốc độ tăng trưởng ổn định và đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ cảng biển lớn nhất miền Bắc Việt Nam thông qua việc mua lại cảng Nam Hải, Đình Vũ.

Trong đó, VSC đầu tư 1.050 tỷ đồng để sở hữu 35% cổ phần của cảng này. Nửa cuối năm 2023 và năm 2024, VSC dự định tăng tỷ lệ nắm giữ lên tối đa 79% bằng cách phát hành gần 133,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, VSC ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt là 997,9 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ và 77,1 tỷ đồng, giảm tới 65,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

MAS dự phóng, doanh thu năm 2023 của VSC sẽ giảm xuống còn 2.037 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 152,5 tỷ đồng, giảm 51,6% CK so với năm 2022. Đối với cổ phiếu VSC, MAS khuyến nghị mua với mức giá mục tiêu đạt 35.400 đồng/cp, tăng 23,7% so với giá ngày hôm nay.

Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp tích cực “rót” vốn vào đầu tư cảng biển, điển hình là Công ty CP Quỹ TM Holding và công ty con là Công ty CP Đầu tư Sao Á D.C khi có ý định mua thêm số lượng cổ phiếu MAC của Công ty CP Cung ứng và Dịch vụ Kỹ thuật Hàng Hải – Maserco để tăng sở hữu lên 65% cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết.

Trước đó, hồi tháng 4, TM Holding và Sao Á D.C đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) lên 15,08%. Cụ thể, TM Holding mua thêm 770.000 cổ phiếu HAH tăng sở hữu từ 3,31% lên 4,41%, tương đương 3,1 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, Sao Á D.C đang nắm giữ 7,5 triệu cổ phiếu tương đương 10,67% vốn điều lệ.

Được biết, HAH cũng là một doanh nghiệp lớn trong ngành cảng biển, hiện doanh nghiệp này đang có 3 công ty con hoạt động trong những lĩnh vực chính liên quan tới khai thác container bao gồm: khai thác cảng, vận tải hàng hóa đường thủy và kho bãi container.

Tổng kết lại, MAS nhận định rằng mặc dù ngành cảng biển nói chung đã dần phục hồi với các tín hiệu tích cực từ cả vĩ mô và yếu tố ngành, nhưng rủi ro vẫn đang tiềm tàng trong nửa cuối năm 2023 và năm 2024. Do đó, MAS vẫn duy trì khuyến nghị trung tính cho ngành cảng biển Việt Nam trong thời gian tới.

Băn khoăn lợi - hại khi tăng giá sàn xếp dỡ container

Giá sàn xếp dỡ container sẽ tăng từ 10 - 20% nếu đề xuất trong dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 54/2018/TT-BGTVT được ...

GMD, VSC cùng loạt doanh nghiệp cảng biển hưởng lợi thế nào với chính sách mới?

SSI Research cho rằng, với chính sách mới, hầu hết các công ty cảng đã niêm yết (như Gemadept, Container Việt Nam, Cảng Đình Vũ, ...

Gemadept (GMD) - "Trùm" cảng biển và logistics bị truy thuế hơn 3,5 tỷ đồng

Gemadept (GMD) là cái tên không còn xa lạ với giới đầu tư, được mệnh danh là "ông trùm" ngành cảng biển và logistics. Gemadept ...

Ngọc Bích

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán